Tình cảm người dân quê hương trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm người dân quê hương Lại Đà trong lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PLO)- Ngày đầu tiên Quốc tang, 25-7, ngay từ sớm tinh mơ, hàng nghìn người dân Đông Anh, Hà Nội và các huyện lân cận đã đổ về hướng thôn Lại Đà, xã Đông Hội, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-11.jpg
Hàng người lặng lẽ nối dài vào làng Lại Đà theo hai hướng từ cổng chính và hướng từ đê Tả Hồng vào khu vực tổ chức Lễ Quốc tang.

Trong đoàn người vào viếng, nhiều người dân còn mang theo những đóa hoa sen thơm ngát. Không ai bảo ai, mỗi người bước đi từng bước nhẹ, hòa trong tiếng nhạc của bài hát “Người là ngọn lửa niềm tin”, sáng tác của Vũ Quốc Nam vọng lại từ hệ thống loa phát thanh của thôn Lại Đà.

...Ngọn lửa mang tên Người, ngọn lửa niềm tin

Ngọn lửa mang tên Người, rực hồng chân lý

Việt Nam ta nay rạng rỡ cơ đồ

Công ơn Người tạc mãi trong lòng dân...

Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-2.png
Hòa trong dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị Nguyễn Thị Kim Anh, ở quận Long Biên, Hà Nội mắt rớm lệ chia sẻ: Khi hay tin Tổng Bí thư qua đời, chị rất xúc động, hụt hẫng, thương tiếc. Hôm nay vợ chồng chị gác lại việc nhà để đến thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công lao mà Tổng Bí thư đã cống hiến cho dân, cho nước.
Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-8.png
Ông Vương Khắc Côn, bạn từ thuở nhỏ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà cho biết, từ nhỏ đến lớn đi học cùng nhau, cùng sinh hoạt thiếu nhi với nhau, cùng chăn trâu, rồi tắm sông.

Đáp ứng nhu cầu, tình cảm của người dân, Ban Tổ chức Quốc tang đã lập đàn hương trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Lại Đà. Theo hướng dẫn, người đi viếng sẽ qua cổng làng, đi ngang qua ngôi nhà nơi Tổng Bí thư sinh ra, lớn lên, với tường rào bằng đá tổ ong truyền thống mới xây sửa cách đây vài năm.

Thắp hương cho người bạn thời chăn trâu, cắt cỏ xong, ông Vương Khắc Côn kể với PLO: “Tôi với anh Trọng có thời gian đi học xa nhà 7-8 cây số. Đi đâu cũng có nhau, quần nâu áo vá, củ khoai chia đôi những năm mới hòa bình lập lại sau 1954. Sau này anh Trọng giữ chức vụ cao rồi, nhưng về làng với bạn bè vẫn rất chân tình. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, thăm hỏi sức khỏe. Có lần còn tranh thủ đến gia đình thăm nhau”.

Trong những lần gặp ấy, ông Côn vẫn nhớ dịp cùng lứa bạn đón tuổi 70, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, chụp bức ảnh chung. “Chúng tôi hết sức cảm động. Một người có chức vụ như vậy nhưng không hề phân biệt. Đấy là một người hết sức khiêm tốn. Luôn luôn nhường nhịn bạn bè, không bao giờ tranh cãi”.

Sau khi có tin báo người bạn chăn trâu cắt cỏ mất, ông Côn cùng bạn bè đồng lứa tập hợp. Có người ở gần, có người ở xa, có người trong TP.HCM cũng bay ra, hẹn cùng nhau viếng bạn.

Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-3.png
Cụ Trần Thị Hợp, 75 tuổi, người cùng thôn Lại Đà với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chia sẻ: “Tôi kém bác Trọng 5 tuổi. Bác đã cống hiến cả cuộc đời liêm chính của mình cho đất nước. Chỉ mong các vị lãnh đạo học tập giúp ích cho nước, cho dân”
Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-4.png
Ông Nguyễn Văn Ninh, đi cùng bà con xóm 5, thôn Lại Đà nhận xét công tác chuẩn bị tang lễ chu đáo. Bày trí khu vực viếng trang trọng, tôn kính. “Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có những người như bác Trọng để gánh vác công việc đất nước”
Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-7.png
Ông Lê Tràng Sĩ, Hội trưởng Hội Thương binh nặng huyện Đông Anh dẫn đoàn 30 thương binh nặng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà. “Chúng tôi nêu cao tinh thần bộ đội cụ Hồ, học tập, lấy tấm gương bác Trọng để giáo dục con em, hàng xóm láng giềng, chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước xây dựng đất nước”.
Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-9.png
Thượng tá, cựu chiến binh Phạm Thanh Mai, người làng Hội Phụ sáng nay đi cùng Hội Phụ nữ xã Đông Hội đến viếng Tổng Bí thư. “Mọi người vào viếng Tổng Bí thư trong trật tự, thành kính, tôn nghiêm. Chúng tôi chỉ mong trong sự tôn nghiêm ấy, các thế hệ cán bộ kế tục sự nghiệp mà Tổng Bí thư để lại luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cống hiến hết mình cho dân tộc”.
Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-6.png
Đứng mãi gần cuối dòng người dài cách địa điểm Lễ Quốc tang, cầm trên tay bó hoa sen thơm ngát vào viếng Tổng Bí thư, chị Nguyễn Thúy Hạnh đến từ huyện Sóc Sơn, Hà Nội bày tỏ, chị cũng mong những lời căn dặn của Tổng Bí thư trước lúc đi xa về liêm chính cách mạng đối với các thế hệ cán bộ kế tục sự nghiệp sẽ thành hiện thực, để đất nước ngày càng vững mạnh.

Đoàn khách viếng của Lại Đà cũng như các làng, các xã quanh đó đủ thành phần, lứa tuổi. Trong số đó có những đoàn viên như Nguyễn Thanh Hương, của xã Đông Hội.

Đồng hương đấy nhưng em chưa bao giờ được gặp Tổng Bí thư. Dù vậy, qua báo đài, rồi lời kể của bố mẹ, ông bà Hương cảm nhận Tổng Bí thư là người rất giản dị, rất gũi với người dân, rất tình làng nghĩa xóm.

Hương cho biết ở nhà, bố em cũng in một tấm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đẹp đặt trang trọng trên bàn thờ, mấy ngày nay đều thắp hương hoa cầu kinh hồi hướng vong linh Tổng Bí thư yên nghỉ cõi lành.

Tinh-cam-nguoi-dan-que-huong-trong-Le-Quoc-tang-Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-13.jpg

Theo thống kê của Ban Tổ chức Quốc tang huyện Đông Anh, đến trưa nay đã có hơn 250 đoàn các cấp chính quyền, địa phương Hà Nội, nhân dân, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp… đăng ký đến viếng anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà.

“Việt Nam ta nay rạng rỡ cơ đồ/ Công ơn Người tạc mãi trong lòng dân/ Nghĩa về Người – Nguyễn Phú Trọng/ Lòng con kính nhớ/ Mái tóc bạc phơ và nụ cười hiền hậu/ Dấu những nỗi đau tình anh em đồng chí/ Để chân lý niềm tin sáng mãi muôn đời”

Bài hát NGƯỜI LÀ NGỌN LỬA NIỀM TIN. Sáng tác: Vũ Quốc Nam;Thể hiện: Đào Ngọc Sang

Đọc thêm