Ngày 27-12, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện nhân dân về việc thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị TP.HCM.
Tại hội thảo, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thế nào để phù hợp với một đô thị đặc biệt như TP.HCM được các đại biểu bàn luận.
Giữ lại các sở đặc thù
PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội khóa XIV, cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lẽ ra nên được làm quyết liệt ngay từ khi Nghị quyết 18 ra đời.
Ông Bình nhìn nhận có 3 nghị quyết đang tác động đến TP.HCM trong giai đoạn này là Nghị quyết 18/2017, Nghị quyết 98/2023 và Nghị quyết 131/2020. Do đó, khi tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 phải gắn với 2 nghị quyết còn lại mới hoàn chỉnh được.
Về nguyên tắc sắp xếp, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng nên tuân thủ đúng theo Nghị quyết 18 nhưng cũng quan tâm đến đặc thù của một siêu đô thị hơn 10 triệu dân. “Sự sắp xếp này phải phù hợp với siêu đô thị chứ không phải sắp xếp cơ học như các địa phương khác”- ông nói và nhấn mạnh việc sắp xếp phải phù hợp với mô hình chính quyền đô thị tại TP.
Để quá trình tinh gọn bộ máy thuận lợi, PGS.TS Phan Thanh Bình gợi ý TP.HCM phải xác định lại mô hình về chính quyền đô thị một cách hiệu quả, hợp lý, tinh gọn, chạy dọc từ TP đến quận, huyện, phường, xã; chạy ngang giữa các sở, ngành.
“Chúng ta phải có khung về chính quyền đô thị chứ không thể sắp xếp cơ học theo hướng nhập sở này với sở kia, cắt bỏ cái này, cái kia…”- ông Bình nói.
PGS Bình nhấn mạnh một số cơ quan độc lập và đặc thù thì phải giữ nguyên hoặc tăng các chức năng; một số cơ quan phải sáp nhập và một số cơ quan dừng hoạt động.
“Tôi không bảo vệ một sở nào hết nhưng mà 10 triệu dân của TP hiện nay ăn uống thế nào, an toàn thực phẩm ra sao, chúng ta nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?”- ông Bình đặt câu hỏi.
Nói về vấn đề con người, PGS Bình đề xuất cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ bị giảm biên chế qua đơn vị tư nhân. Đối với những người ở lại, cần giúp họ ổn định tâm lý, an tâm làm việc.
Cũng theo ông Bình, quá trình tinh gọn bộ máy có thể tạo ra nguy cơ về lạm dụng quyền lực, giảm đi tính phản biện xã hội. Từ đó phải xây dựng cơ chế về giám sát quyền lực trong quá trình tinh gọn này.
TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhìn nhận thách thức lớn trong công tác cán bộ khi tinh gọn bộ máy.
Theo ông Hào, những người có năng lực tốt sẽ có cá tính, bản lĩnh, ở môi trường nào cũng làm việc được. “Nếu chúng ta sắp xếp không khéo thì những người có khả năng sẽ ra đi trước tiên. Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ mất đi những người có năng lực thực sự”- ông nói và cho rằng cần đưa ra tiêu chí chọn lựa cán bộ khi tinh gọn bộ máy.
Đề cập đến việc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM được thành lập từ Nghị quyết 98, TS Nguyễn Trọng Hào gợi mở: “Những gì mang tính đặc thù của TP thì chúng ta nên mạnh dạn đề nghị với Trung ương để tiếp tục duy trì".
Hướng đến Luật đô thị đặc biệt
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP.HCM, nhìn nhận việc tinh gọn bộ máy là điều tất yếu, là cơ hội để phát triển xã hội hóa. Đồng thời, không còn việc dành quá nhiều thời gian, công sức, nguồn lực để quản lý bộ máy mà giảm sút sự đầu tư vào các quyết sách khác.
“Tại TP.HCM, khi xây dựng chính quyền đô thị thì việc tinh gọn bộ máy là việc không thể không làm”- TS Trí nhấn mạnh.
Theo bà Trí, nhiều quốc gia trên thế giới họ thực hiện tinh gọn bộ máy chỉ trong vài tháng. Nhưng để có kết quả này là sự ấp ủ nhiều năm, thậm chí hàng chục năm với nhiều chuẩn bị nền tảng, đợi đến thời cơ là “vươn mình”.
TS Trí cho rằng việc này cần phải có lộ trình và đeo bám đến cuối cùng, chứ không dành phần lớn thời gian cho công cuộc tinh gọn bộ máy trong lúc này mà làm đình trệ các chính sách vận hành, quản lý nhà nước khác.
“Tinh gọn bộ máy là không phải cắt bộ máy mà phải thu hẹp chức năng quản lý nhà nước trước đã, bởi chính quyền ta quản lý rất nhiều nhưng chưa thực hiện chính sách xã hội hóa thì bộ máy không thể không phình to”- TS Trí nêu.
Từ đó, TS Trí đề xuất TP.HCM trước mắt thực hiện đúng quy định của Trung ương. Tuy nhiên sắp tới, cần khẩn trương nâng tầm thể chế pháp lý của chính quyền đô thị TP bằng việc đưa ra những chính sách vững chãi, không dừng lại nghị quyết mà có thể nâng lên thành luật về đô thị đặc biệt.
“Đây là mảnh đất lớn để chúng ta có thể trồng hoa, trồng cây, nuôi cá”- bà Trí nói nếu quyết liệt việc này sẽ giải quyết nhiều câu chuyện cho TP.HCM, chứ không riêng gì chuyện tinh gọn bộ máy.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng khi thực hiện tinh gọn bộ máy sẽ có chuyện sáp nhập, điều chuyển một vài bộ phận, cơ quan. Theo ông, việc này không bao giờ đạt 100% về tính hợp lý.
“Có người sẽ nói "cũng được" nhưng có người sẽ nói "không hợp lý”"- ông Trực nói và đề nghị cần xem xét tính hợp lý ở một mức độ cố định và quan trọng nhất là cơ chế vận hành bộ máy và phương thức lãnh đạo.
Ông Phạm Chánh Trực cũng gợi ý quá trình thực hiện Nghị quyết 18 phải có những việc cần thí điểm; đồng thời nghiên cứu mô hình chính chính quyền đô thị cho TP.HCM.
Tinh gọn giúp giảm tình trạng đùn đẩy
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng mục tiêu của việc tinh gọn bộ máy là xây dựng chính quyền một đầu mối, tránh nhiều tầng nấc, làm thủ tục hành chính chạy nhanh hơn, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Chưa kể, nếu tinh gọn bộ máy sẽ giảm chi ngân sách cho các đơn vị, từ đó có nhiều nguồn để chi cho đầu tư phát triển.
“Hiện nay, một thủ tục hồ sơ đầu tư phải đi qua 5-6 đơn vị, nếu sắp xếp, tinh gọn lại thì sẽ chỉ đi qua 3-4 đơn vị thôi”- ông Tuấn nói và cho biết thông qua việc sắp xếp, sẽ giải quyết những vướng mắc trước đây như việc phải xin ý kiến nhiều sở, ngành hoặc tình trạng đùn đẩy giữa các cơ quan, đơn vị.
Theo ông Tuấn, TP phải lựa chọn đội ngũ lãnh đạo và cán bộ trong các đơn vị phải có tâm, có tầm, có tư duy tổ chức sắp xếp công việc tốt. Bởi khi có một tổ chức lớn hơn mà tư duy điều hành như cũ thì khó đạt hiệu quả. Ông cho rằng phải phân vai, phân cấp rõ ràng, minh bạch công việc…
Ông Tuấn cũng nhìn nhận Nghị quyết 98 cho phép chính quyền TP được điều chuyển chức năng, nhiệm vụ từ cơ quan này sang cơ quan khác. Nếu vận dụng cơ chế linh hoạt này trong điều hành khi thực hiện sắp xếp sẽ tránh ùn ứ công việc tại đơn vị hình thành mới.
Trong thực hiện tinh giản cán bộ, ông Tuấn cho rằng nên thực hiện lộ trình 3-5 năm, giảm từ đội ngũ quản lý cấp trung gian, kể cả nhân sự.