Sự kiện báo Pháp Luật TP.HCM ra mắt chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” vào tối qua (7-4) khiến tôi nhớ đến câu chuyện “cột mốc chủ quyền” mà tôi từng chứng kiến hơn 10 năm trước.
Năm ấy tôi ra thăm Nhà giàn DK1, đúng dịp nhà giàn đang lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Chiều tối, mọi người trên tàu và hai nhà giàn Tư Chính, Ba Kè hồi hộp, háo hức.
Đúng 19 giờ, giữa biển đêm mênh mông, hai nhà giàn đồng loạt bừng sáng. Mọi người hò reo.
Giữa sóng nước lung linh, nhà giàn hiện lên sừng sững. Chỉ huy trưởng Nhà giàn Tư Chính ôm chặt lấy tôi nói: “Thế là từ đây cùng với ánh đèn trên hàng chục ngàn tàu cá, ánh sáng từ các nhà giàn sẽ như những cột mốc chủ quyền luôn rực sáng giữa biển đêm”.
Hôm sau, một tàu cá ghé Nhà giàn Ba Kè xin thuốc vì trên tàu có người bệnh. Một lão ngư Bình Định nhận thuốc và cảm ơn: “Đêm qua tàu tôi đánh cá gần đây, khi thấy nhà giàn bừng sáng, bà con trên tàu reo vui vì cảm giác được chở che, nương tựa”…
Chính kỷ niệm ấy đã khiến tôi xúc động khi báo Pháp Luật TP.HCM khởi xướng chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”. Hình dung ra cảnh giữa trời đêm, những ánh đèn của ngư dân rực sáng, chúng ta như nhìn thấy hằng hà sa số những cột mốc chủ quyền thiêng liêng hiện hữu giữa biển trời Tổ quốc.
Ngoài ý nghĩa nêu trên, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” còn hướng đến việc giúp bà con “vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an” và góp phần cùng ngư dân, các ngành, các cấp nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng IUU… Đó là mục tiêu trước mắt, còn về lâu dài, tất cả chúng ta đều mong muốn nước ta có một nền kinh tế biển phát triển căn cơ, bền vững.
Còn nhớ năm 2015, khi các chuyên gia Nhật Bản đến Bình Định tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương cho ngư dân ở đây, nhiều người quan tâm đến nghề biển đã phấn khởi vô cùng. Sau khi được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao công nghệ trên thực địa, giờ đây sản phẩm cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định (và cả Phú Yên) đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chuẩn mực, được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Nhưng đó chỉ là một khâu, một mắt xích rất nhỏ trong chuỗi công việc, ngành nghề… của chiến lược phát triển kinh tế biển. Để “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển…” như mục tiêu mà Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Tuy vậy, nếu chúng ta biết đồng sức, đồng lòng, “lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá”, tôi tin rằng một ngày không xa Việt Nam sẽ “trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn…”.