TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á

TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á

(PLO)- Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết nếu mọi thứ thuận lợi, trong năm 2025, Thành phố sẽ được UNESCO công nhận là TP điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á.

Sáng 28-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội nghị đối thoại của lãnh đạo UBND TP.HCM với thanh niên năm 2025.

Phải có dự án văn hóa xứng tầm

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Đoàn Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), bày tỏ vui mừng, tự hào khi TP đưa tuyến metro số 1 đi vào hoạt động và hy vọng các tuyến metro tiếp theo sớm khởi công, đi vào sử dụng, tạo hệ thống giao thông đô thị cho TP.HCM.

đông nam á
Hội nghị đối thoại do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì. Ảnh: NGUYỆT NHI

Dù vậy, ông Khải cho rằng TP còn thiếu các điểm vui chơi cho người dân, nhất là ban đêm. Ngoài phố đi bộ, công viên bờ sông Thủ Thiêm, bến Bạch Đằng, ông đề xuất nên có nhiều thiết chế văn hóa, giải trí cho người dân nói chung và người trẻ nói riêng.

“Chúng ta đã và sắp có các dự án kinh tế lớn như Trung tâm tài chính quốc tế, metro, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thì cũng nên tính toán có các dự án văn hóa xứng tầm”– Bí thư Đoàn HFIC đề nghị và mong TP sớm đưa vào sử dụng công trình xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo TP, bởi đây là mong muốn của nhiều thanh niên.

thành phố điện ảnh
Ông Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Đoàn Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, mong muốn có nhiều công trình văn hóa xứng tầm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Bí thư Quận Đoàn quận 12, đặc biệt quan tâm đến hệ thống Nhà thiếu nhi. Ông Tuấn mong TP nghiên cứu giữ lại Nhà thiếu nhi 21 quận, huyện, TP Thủ Đức, đồng thời phát triển thêm quy mô hoạt động, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi hiện nay. Ông cũng mong có thêm các nhà thiếu nhi ở mỗi đơn vị cơ sở.

Theo ông Tuấn, trong 50 năm qua, hệ thống Nhà thiếu nhi TP đã tạo môi trường học tập, rèn luyện hiệu quả cho các em thiếu nhi. Là cái nôi ra đời nhiều tài năng trẻ, nguồn nhân lực có năng khiếu, đạo đức, kỹ năng vững vàng cho TP và quốc gia.

thành phố điện ảnh
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Bí thư Quận Đoàn quận 12, mong phát huy mô hình Nhà thiếu nhi. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Nhiều phụ huynh và thiếu nhi quận đánh giá đây là môi trường tốt nhất cho thiếu nhi rèn luyện, học tập bên ngoài nhà trường”– ông Tuấn nói và bày tỏ mong muốn sớm khởi công Cung văn hóa thiếu nhi ở Thủ Thiêm trong năm 2025 đầy ý nghĩa này sẽ thỏa mãn được niềm ao ước, mong chờ của phụ huynh và thiếu nhi TP.

Sẽ có công viên điện ảnh đầu tiên tại Thủ Đức

Tại buổi đối thoại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ tâm huyết với các ý kiến của thanh niên về việc phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.

Theo bà Thúy, dự án nhà thiếu nhi, nhà văn hóa thanh niên là công trình trọng điểm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sở VH&TT TP.HCM sẽ cùng Thành Đoàn TP.HCM nỗ lực đeo bám, tham mưu lãnh đạo TP để triển khai đúng tiến độ.

thành phố điện ảnh
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy trao đổi với thanh niên. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Thúy cho biết dịp này, TP sẽ nỗ lực khánh thành Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ hơn 1.500 tỉ đồng - được xem là rạp xiếc có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Chưa kể, TP sẽ đầu tư xây dựng chương trình nghệ thuật tầm vóc quốc tế sẽ ra mắt vào khoảng đầu tháng 6-2025, chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

“Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ sẽ có những chương trình dàn dựng công phu, hướng đến đối tượng trọng tâm là thanh thiếu nhi”– bà Thúy nói và cũng thông tin TP sẽ xây dựng thư viện cho thiếu nhi.

Phó Giám đốc Sở VH&TT thông tin các quận, huyện, TP Thủ Đức đã đề xuất 22 công trình với tổng mức đầu từ 135 tỉ đồng để phục vụ thiếu nhi TP. Trong đó có nâng cấp nhà thiếu nhi huyện Củ Chi, cải tạo nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, xây dựng công viên giải trí tại trường đua Phú Thọ…

thành phố điện ảnh
Đối thoại nhận được nhiều quan tâm của thanh niên TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng chia sẻ bờ sông Sài Gòn là di sản vô giá, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế. TP.HCM đã có đề án quy hoạch bờ sông Sài Gòn và TP Thủ Đức đã có công viên sáng tạo bờ sông.

Hiện, Sở VH&TT TP.HCM đang phối hợp UBND TP Thủ Đức đề xuất xây dựng công viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Đây sẽ là cụ thể hóa cam kết của TP khi gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh.

thành phố điện ảnh
Công viên gồm 6 khu chức năng chính: Phim trường Sài Gòn xưa; Bảo tàng điện ảnh; Khu trải nghiệm làm phim; Khu lễ hội - sự kiện; Bến Trung tâm, Khu neo đậu, CLB du thuyền; dịch vụ hỗ trợ... Ảnh: NHƯ NGỌC

“Hồ sơ đã được nộp cho UNESCO, nếu không có gì thay đổi, trong năm 2025, TP sẽ được UNESCO công nhận là TP điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á” – bà Thúy thông tin và tiết lộ công viên điện ảnh này sẽ là điểm đến hấp dẫn, không chỉ là loại hình nghệ thuật mà còn là không gian sáng tạo của cộng đồng, mang lại nhiều giá trị kinh tế.

Đối với việc xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi trong bối cảnh sắp xếp bộ máy, Giám đốc Sở VH&TT khẳng định nhà thiếu nhi có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần, nuôi dưỡng tài năng trẻ.

“Tôi là văn nghệ sĩ, trưởng thành từ môi trường nhà thiếu nhi”– bà Thúy nói và cho rằng đây là ngôi trường thứ hai, của thiếu nhi.

Sở VH&TT sẽ phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM và các sở ngành, căn cứ hướng dẫn cụ thể của Trung ương để có đề xuất phát huy mô hình nhà thiếu nhi.

Dịp này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy mong thanh niên hãy thường xuyên đến rạp xiếc Gia Định để xem vở Vùng đất kỳ bí; đến nhà hát giao hưởng Nhạc, Vũ kịch để biết rằng loại hình nghệ thuật hàn lâm bác học đang rất gần gũi và có giá trị riêng hoặc đến nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để xem những vở cải lương kinh điển. Qua đó, giúp bồi dưỡng, nâng cao đời sống tinh thần.

Ứng xử ra sao với nguồn tài nguyên đặc biệt của TP.HCM

Trước đó, phát biểu định hướng buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh TP.HCM là nơi có nguồn tài nguyên đặc biệt.

cong-vien-dien-anh-4.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được mong thanh niên TP mạnh dạn góp ý, chia sẻ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngoài vị trí địa lý, vai trò kinh tế đầu tàu, TP cũng là nơi khởi nguồn của nhiều cơ chế, chính sách quốc gia, đặc biệt là về kinh tế. Đây cũng là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, phong phú, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước về sinh sống, làm việc và là nơi có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu nhất nước.

“Chúng ta phải ứng xử, có chiến lược nào để sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt này”– ông Được nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận công dân, nhất là thanh niên TP phải tự hào và xác định trách nhiệm của mình đối với nơi mình sống, làm việc.

“Phải ứng xử ra sao để TP phát triển, xứng tầm với vị thế đặc biệt, không hổ thẹn với tiền nhân mở cõi”– ông Được nói và mong thanh niên phải có hoài bão, đóng góp cho TP.

Chủ tịch Nguyễn Văn Được bày tỏ mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, ước mơ, hoài bão của thanh niên TP. Qua đó, lãnh đạo TP.HCM sẽ tiếp thu, chung sức, giải quyết.

Đọc thêm