Việt Nam nhập khẩu hơn 100.000 tấn cà phê, vì sao?

Việt Nam nhập khẩu hơn 100.000 tấn cà phê, vì sao?

(PLO)- Việt Nam nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Ấn Độ, Peru, Thái Lan và Singapore...

Chiều 10-11, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ 2022-2023 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2023-2024.

Đại diện VICOFA cho biết kết thúc niên vụ 2022-2023, tổng khối lượng cà phê Việt Nam đã nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới khoảng 102.100 tấn với giá trị gần 300 triệu USD, tăng hơn 14% về khối lượng và tăng 9% về giá trị so với niên vụ 2021-2022.

Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân trong niên vụ 2022-2023 là 98.600 tấn, giá trị lên tới 246 triệu USD, tăng 19% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.

Viet-Nam-nhap-khau-ca-phe-h2.JPG
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA phát biểu tại hội nghị.

Còn nhập khẩu cà phê chế biến trong niên vụ 2022-2023 khoảng 3.500 tấn, giá trị hơn 53 triệu USD, giảm 46% về khối lượng và giảm 29% về giá trị so với niên vụ 2021-2022.

Việt Nam nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Papua New Guinea, Ấn Độ, Peru, Thái Lan, Honduras, Singapore,...

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA lý giải Việt Nam nhập khẩu cà phê nhiều năm nay như các nông sản khác (gạo, hạt điều…) từ các nước về chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Như cà phê nhân, Việt Nam nhập khẩu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như loại cà phê Arabica. Việt Nam nhập loại cà phê này từ Lào do giá bán của họ thấp hơn ở Việt Nam. Cà phê Arabica trong nước chỉ có một số vùng trồng được nên số lượng hạn chế, trong khi loại này có chất lượng cao nên phải nhập khẩu về tiêu thụ.

Còn đối với cà phê chế biến, ông Hải cho biết trong những năm gần đây hệ thống chuỗi cà phê trong nước phát triển, nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài có mặt và mở chuỗi khắp các thành phố lớn tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cà phê này phần lớn nhập khẩu cà phê đã chế biến như cà phê rang xay, cà phê hòa tan.

"Chủ yếu hàng nhập khẩu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp, cà phê trong nước chưa đáp ứng được, hoặc theo quy trình tiêu chuẩn riêng của hệ thống. Do nhu cầu ngày càng tăng lên nên lượng nhập khẩu cũng tăng"- ông Hải nói.

Viet-Nam-nhap-khau-ca-phe-h1.JPG
Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Tuy nhiên, lãnh đạo VICOFA cũng phải nhìn nhận, ngành cà phê như các nông sản khác chủ yếu sản xuất xuất khẩu sản phẩm thô. Như cà phê chế biến sâu chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng và chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Về xuất khẩu, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,1 tỉ USD nhờ giá xuất khẩu tăng cao.

Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, giá trị 3,2 tỉ USD, còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.

Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn, kim ngạch khoảng 510 triệu USD, khối lượng chiếm khoảng 5,4% và giá trị chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023.

Đọc thêm