Cần 1 nghị quyết gỡ vướng Luật Đầu tư công

Cần 1 nghị quyết gỡ vướng Luật Đầu tư công

(PLO)- Theo TS Nguyễn Đình Cung, vướng mắc về khoản chi thường xuyên trong Luật Đầu tư công cần có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng không phải để giải thích luật.

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV, khi bàn về Luật Đầu tư công thì xảy ra cuộc tranh luận giữa các bộ trưởng Bộ Tư pháp, bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ KH&ĐT, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH và một số đại biểu (ĐB) QH về giải thích pháp luật liên quan đến “các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư”. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng tham gia vào vấn đề này và khẳng định: “Ủy ban Thường vụ QH không giải thích những gì đã rõ và những gì không có ai đề xuất”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Việc các bộ trưởng, ĐBQH đề cập đến chuyện giải thích luật trong Luật Đầu tư công là điều tốt, để áp dụng pháp luật cho thống nhất ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực...”.

Giải thích kiểu gì thì cũng... khó

. Phóng viên: Ông nhìn nhận câu chuyện về vướng mắc trong Luật Đầu tư công mà các bộ trưởng cũng như ĐBQH nói đến vừa rồi như thế nào?

P23_NGUYNDINHCUNG_chuyende_giaithichluat_chanluan_ttam.jpg

+ TS Nguyễn Đình Cung: Có thể tóm lược thế này: Theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) thì chi đầu tư mua sắm, sửa chữa, thay thế, nâng cấp trang thiết bị… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NSNN. Ngược lại, Luật Đầu tư công lại “quét” hết các hoạt động mua sắm, sửa chữa, nâng cấp thiết bị, máy móc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là dự án đầu tư công, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công và văn bản hướng dẫn thi hành.

Và nếu thực hiện theo Luật Đầu tư công thì phải theo trình tự: Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định dự án đầu tư công; phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, phải bố trí vốn ngay từ đầu nhiệm kỳ và từ đầu năm.

Thực tế là không thể biết được máy điều hòa, máy chụp X-quang, máy xét nghiệm… hỏng lúc nào và khi xảy ra hỏng, phải sửa chữa thì kinh phí cần lại không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Không nằm trong kế hoạch thì lại không thể sửa chữa, mua sắm ngay.

Khi cơ sở, trụ sở, máy móc, thiết bị… chưa hỏng thì chưa thể lập dự án đầu tư sửa chữa. Nhưng khi nó hỏng rồi thì quy trình mất vài tháng để phê duyệt. Điều này khác với chi thường xuyên, thế là tắc.

. Bộ trưởng Bộ Tài chính và một số lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm tới việc này và mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH giải thích về nội dung trên.

+ Có thể Bộ Tài chính nhận được nhiều phản ánh vì trước đây, các khoản chi do Bộ Tài chính quản lý. Nhưng khi “sờ” đến luật thì Bộ Tài chính lại không còn trách nhiệm với các hoạt động, nhiệm vụ chi như trên, mà nhiệm vụ lại chuyển sang nơi khác.

Bộ Tài chính cố gắng báo cáo Chính phủ, đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH giải thích luật nhưng Ủy ban Thường vụ QH xem xét các luật liên quan thì thấy không có vấn đề về câu chữ trong luật nên không thể giải thích chi đầu tư là chi thường xuyên được...

Cơ quan quản lý về đầu tư cũng có thể biết được vấn đề do Luật Đầu tư công thuộc trách nhiệm của mình nhưng cũng thấy dường như có vấn đề từ Luật NSNN. Có một thực tế ở đây là: Tại sao Luật NSNN lại bỏ phần chi này đi và sau đó nó được chuyển về Luật Đầu tư công?

Tựu trung lại, vấn đề không phải là câu chữ trong luật mà là tư duy khi làm luật, có thể chưa đánh giá hết nên dẫn đến nhiều điều luật không phù hợp với thực tế, không dễ áp dụng. Nó đúng với quản lý nhà nước nhưng đi ngược lại với thực tiễn.

Và một sự thật là nếu không sửa Luật Đầu tư công, đưa các hoạt động đang vướng mắc kể trên thành nhiệm vụ chi thường xuyên thì dù giải thích thế nào, vướng vẫn vướng, kéo theo năng suất, chất lượng công vụ không nâng cao như kỳ vọng.

Cần 1 nghị quyết gỡ vướng cho Luật Đầu tư công
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải giải quyết căn cơ các chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thực tế nhiều khi khác các luật

. Nhưng trả lời của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho thấy vướng mắc lại từ Thông tư 65 của Bộ Tài chính. Ông đánh giá thế nào?

+ Khi Luật NSNN đã bỏ phần chi này và Luật Đầu tư công quy định về phần chi đó, cùng với tất cả quy trình chặt chẽ thì thông tư của Bộ Tài chính đương nhiên không thể lấy nhiệm vụ đó về mình được, vấn đề là như vậy.

. Ở câu chuyện này, ông có thấy là Ủy ban Thường vụ QH cần giải thích Luật Đầu tư công hay không?

+ Những thủ tục, quy trình để đề nghị Ủy ban Thường vụ QH giải thích luật thì Hiến pháp cũng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ. Có một điều chúng ta cần nhìn nhận ở đây là: Việc giải thích luật của Ủy ban Thường vụ QH là “làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm…” trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật.

Đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật

Mới đây, Bộ Tài chính gửi Chính phủ tờ trình đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH giải thích quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết 973/2020 của Ủy ban Thường vụ QH liên quan đến nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.

Theo Bộ Tài chính, Luật NSNN; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn cũng quy định chi tiết hướng dẫn: Việc mua sắm phải lập thành dự án đầu tư thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục… thực hiện theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Điều 5.2 và Điều 6.2 Luật Đầu tư công quy định đối tượng đầu tư và phân loại dự án đầu tư công quy định “dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án”.

Còn Nghị quyết 973/2020 của Ủy ban Thường vụ QH quy định: “Vốn đầu tư công được bố trí cho các đối tượng quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 36 Luật NSNN, trong đó trong từng ngành, lĩnh vực (13 ngành, lĩnh vực) là đầu tư cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị”.

Các quy định trong các luật và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH nói trên dẫn đến hai cách hiểu khác nhau trong thi hành.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ giải thích quy định pháp luật về đầu tư công liên quan đến phạm vi sử dụng nguồn chi từ tăng thu NSNN, dự phòng ngân sách, ủng hộ tự nguyện có mục tiêu của tổ chức, cá nhân, chi thường xuyên của NSNN hằng năm chi cho đầu tư mới không có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, đầu tư cho nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công để tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Vấn đề ở đây là: Quy định về giải thích luật nói rõ là khi “có cách hiểu khác nhau” thì Ủy ban Thường vụ QH sẽ giải thích luật. Nhưng ai hiểu khác nhau? Trong trường hợp này, nếu chỉ Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính hiểu khác nhau thì có cần giải thích luật không? Chưa cần.

Chính phủ sẽ dùng công cụ pháp lý trong thẩm quyền của mình như nghị định, quyết định của Thủ tướng để hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Nhưng như ĐB Trần Hữu Hậu nói trước QH rằng: “Tại thời điểm lập dự toán phân bổ ngân sách năm 2024, các kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải làm theo thủ tục đầu tư công. Và nếu sử dụng từ nguồn chi thường xuyên thì chắc chắn phải lách từ cái tên cho tới việc giải trình với cơ quan chức năng khi bị hỏi tới”.

Thực tế này tôi cho rằng đã khá đầy đủ để có một nghị quyết giải thích điều khoản liên quan đến chi thường xuyên mang tính chất đầu tư như đề xuất của nhiều bộ trưởng, ĐBQH.

Còn tương lai, như tôi nói, có lẽ phải sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để tháo gỡ hoàn toàn các khó khăn đang hiện hữu.

Cần sửa cả ba luật?

. Giả sử Chính phủ thấy đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp, cần thiết thì Chính phủ nên làm gì tiếp theo, thưa ông?

+ Khi Bộ Tài chính đề xuất như vậy thì Chính phủ đương nhiên sẽ đưa ra thảo luận. Nếu các thành viên Chính phủ đồng thuận thì Chính phủ sẽ giao Bộ Tài chính làm lại hồ sơ như quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ trình QH.

Tinh thần chung của Luật Đầu tư công là muốn quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công quan trọng, có chiến lược và ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đưa ra các biện pháp chặt chẽ như vậy thì vô tình làm mất đi tính “linh hoạt” trong các khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư và với các dự án khẩn cấp, bất thường.

. Ở trên ông nói có lẽ nên sửa Luật Đầu tư công nhưng theo hướng nào để Ủy ban Thường vụ QH sau này không phải giải thích luật nữa?

+ Hiện nay có một tình trạng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực đầu tư công mà ở nhiều lĩnh vực khác là: Nếu làm theo luật thì lại không phù hợp với thực tiễn, còn nếu tuân theo quy luật thực tiễn thì lại trái luật. Rất khó cho cả Nhà nước và công dân. Việc các ĐBQH có nhiều ý kiến về chồng chéo pháp luật, dù rà soát của QH và Chính phủ đều khẳng định là không có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo.

Riêng với vướng mắc trong Luật Đầu tư công đối với các khoản chi mang tính chất đầu tư như chúng ta vừa phân tích, tôi cho rằng trong kỳ họp bất thường tới đây, QH có thể ra một nghị quyết về vấn đề này nếu Chính phủ đề xuất hướng tháo gỡ. Bởi như tôi nói ở trên, Ủy ban Thường vụ QH cũng rất khó giải thích chi đầu tư là chi thường xuyên. Một nghị quyết của QH sẽ tháo gỡ ngay những vướng mắc mà Bộ Tài chính cũng như nhiều ĐBQH đề cập.

Còn về lâu dài, phải sửa ba luật là Luật Ngân sách, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đầu tư công để giải quyết những vướng mắc trên.

Tiền lệ “dùng một luật sửa nhiều luật” đã có, thậm chí QH đã dùng một luật sửa tới 10 luật. Điều quan trọng hơn cả là chỉ cần sửa một vấn đề đó theo đúng thực tiễn thì sẽ gỡ khó cho cả Nhà nước và công dân. Rất đáng làm.

. Xin cảm ơn ông.•

2 bộ thống nhất thì các tỉnh dễ thở

Tháng 1-2022, Bộ Tư pháp “tuýt còi” Quyết định 07/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về “quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Lý do là vì theo kết luận kiểm tra văn bản của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thì theo Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định 163/2016, Thông tư liên tịch 55/2015 của hai bộ Tài chính - KH&CN thì thẩm quyền ban hành quyết định trên phải thuộc về HĐND tỉnh, chứ không phải của UBND tỉnh. Tháng 2-2023, Sở KH&CN TP Đà Nẵng làm công văn hỏi Bộ Tài chính về vấn đề này. Công văn trả lời của Bộ Tài chính sau đó hai tháng cũng nói thẩm quyền ban hành các định mức nói trên thuộc về HĐND.

Các tỉnh, thành khác trong cả nước thì lại có cách hiểu khác. Nếu căn cứ vào Nghị định 163 nói trên, cũng như Thông tư 03/2023 của Bộ Tài chính, cùng với luật Ngân sách nhà nước thì UBND tỉnh ban hành quyết định về nội dung trên là phù hợp. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan kiểm tra thì lại là “cứ liên quan đến ngân sách thì phải trình HĐND”.

Rắc rối này, theo một đại biểu Quốc hội (QH), là do khi ban hành thông tư hướng dẫn, các bộ không nói rõ “địa phương” là HĐND hay UBND. Và ngay cả “khung định mức” thì nghị định nói theo “khung của Chính phủ”, còn thông tư thì đang quy định theo “khung của Bộ Tài chính”.

“Những việc này thực ra chỉ cần Bộ Tài chính và Bộ KH&CN ngồi lại thống nhất, hướng dẫn cho đủ thì các địa phương đỡ phải kêu ca và chúng tôi không phải chất vấn trên QH như vừa qua” - đại biểu QH nói.

............................................

Nhiều khi vướng là do cách hiểu và vận dụng

Chủ tịch Quốc hội (QH) VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:

Chẳng phải do thông tư, nghị định, cũng chẳng phải do luật

Báo cáo rà soát pháp luật của cả QH và Chính phủ cho thấy: Những ý kiến cho rằng sợ sai không làm được, vướng mắc… đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng. Luật Đầu tư công chỉ có một, hai điểm thôi và không vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Có năm chúng ta giải ngân đầu tư công đến 97%. Năm nay dự kiến giải ngân được 95%, đóng góp 2% tăng trưởng GDP.

P23_VUONGDINHHUE_mau_vaphu_ttam.jpg

Nhưng nói tất cả do tổ chức thực hiện cũng không đúng. Trong hệ thống pháp luật cũng có những vướng mắc, chồng chéo. Cả báo cáo rà soát của Chính phủ cũng như QH đều nói những vướng mắc là không nhiều. Nhiều nội dung địa phương, bộ, ngành đưa lên thực tế không phải vướng mắc mà là chưa có hướng dẫn chi tiết, do cách hiểu ở dưới không đúng, dưới hỏi nhưng trên chưa trả lời hoặc trả lời chung chung. Không phải do nghị định, thông tư, cũng chẳng phải do luật.

Thậm chí có những trường hợp văn bản hướng dẫn chưa phù hợp, nghị định không đúng với luật, thông tư không phù hợp với nghị định, có những văn bản điều hành lại không đúng với tinh thần pháp luật.

(Phát biểu tại kỳ họp thứ sáu ngày 24-10)

....................................

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH:

Nhân dân chỉ chê trách sao thấy đúng mà không sửa

Luật, nghị định, thông tư cũng là do chúng ta làm cả. Có cái đúng, có cái sát, cũng có cái không đúng, chưa sát cũng là chuyện bình thường. Cuộc sống luôn là “cây đời mãi mãi xanh tươi”, không có một văn bản nào phủ hết được cuộc sống, dự báo hết được. Có những cái vừa làm xong, thấy không được phải sửa. Ví dụ, nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ban hành xong thấy chưa được phải sửa lại.

p23-pham minh chinh.jpg

Một số người nói vừa ban hành xong lại ban hành lại. Nhưng có gì đâu, thấy chưa đúng phải sửa. Nhân dân chả ai chê trách việc này. Nhân dân chỉ chê trách khi thấy đúng rồi mà sao lại không sửa. Hôm qua ban hành, nay không đi vào cuộc sống thì phải sửa. Tất nhiên đừng để việc này xảy ra nhiều quá.

Ban hành một văn bản mà không đi vào được cuộc sống thì phải ban hành lại. Việc này phải rõ quan điểm như vậy.

(Phát biểu của Thủ tướng tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10)

...........................

Đại biểu ĐINH TIẾN DŨNG, Bí thư Thành ủy Hà Nội:

Chỗ nào cũng có thể sai cả

P23_DUNG_mau_vaphu_ttam.jpg

Bây giờ phải chăng nhìn vào thực tế trên cả nước, vì các dự án lấy tư duy bây giờ, pháp luật bây giờ chiếu vào thì sai. Ngày xưa kêu gọi đầu tư, không đấu thầu, giao thế thôi. Giờ anh em làm, giải phóng mặt bằng, cái nửa vời, cái xong… Người làm bây giờ cũng lo, tháo gỡ thế nào.

Phải chăng QH nên có một chỉ đạo, chủ trương, rà soát tổng thể vì ngoài tầm Chính phủ. Các vướng mắc hiện chủ yếu ở Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Giờ Luật Đất đai bảo làm theo “đúng quy định” nhưng ngày xưa có đấu thầu đâu, có chọn nhà đầu tư đâu, cứ kêu gọi đầu tư là giao đất thôi. Chắc chẳng phải riêng Hà Nội, các địa phương khác cũng đầy. Thanh tra, kiểm tra sờ vào chỗ nào cũng có thể sai cả.

(Phát biểu tại kỳ họp thứ sáu ngày 24-10)

Để đỡ phải “giải thích luật”

Pháp luật càng chi tiết, rõ ràng, cụ thể thì càng đỡ phải giải thích. QH đã đặt mục tiêu làm luật sao cho các quy phạm pháp luật có thể được thực hiện, thi hành và áp dụng ngay khi có hiệu lực mà không cần giải thích. Tuy vậy, bởi đặc tính trừu tượng của quy phạm pháp luật trong Hiến pháp, luật và pháp lệnh, song hành với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của nền kinh tế và xã hội, nhất là ở những quốc gia đang phát triển như nước ta thì nhu cầu giải thích pháp luật luôn phát sinh.

P23_NGHIA_mau_vaphu_ttam.jpg

Tất nhiên, việc cụ thể hóa các quy phạm pháp luật bằng các nghị định, thông tư cũng góp phần làm giảm nhu cầu “giải thích” pháp luật nhưng cũng có thể xảy ra tình trạng các nghị định, thông tư cụ thể hóa các quy phạm pháp luật theo nhu cầu quản lý và chuyên môn của chính phủ, của bộ, ngành, chính quyền các cấp, do đó có khi “vênh” với ý chí, ý định của QH khi ban hành những quy phạm ấy.

Nhu cầu này có thể ngày càng ít đi nhưng khi phát sinh thì Ủy ban Thường vụ QH phải tiến hành giải thích để việc thực hiện, thi hành và áp dụng pháp luật được thông suốt, đúng với ý chí, ý định của cơ quan lập pháp. Theo tôi, QH cần ban hành cơ chế và quy trình “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh” của Ủy ban Thường vụ QH để sắp tới có thể triển khai công việc này.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA,Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH khóa XV

Đọc thêm