Nóng tranh luận về 2 luật ngân sách và đầu tư công

(PLO)- Các ý kiến tại phiên chất vấn đã làm nóng nghị trường Quốc hội với những bất cập, vướng mắc trong các quy định về pháp luật liên quan vốn đầu tư công, chi thường xuyên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-11, Quốc hội (QH) bắt đầu phiên chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ với nội dung về kinh tế tổng hợp. Không chỉ có tranh luận giữa đại biểu (ĐB) QH và các bộ trưởng mà còn có cả trao đổi rất thẳng giữa các bộ trưởng và Chủ tịch QH, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Nóng tranh luận về 2 luật ngân sách và đầu tư công-ctqh-vuong-dinh-hue-6290-9406.jpeg
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cần Ủy ban Thường vụ giải thích luật!

ĐB Dương Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phản ánh về những vướng mắc liên quan quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai. ĐB Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) phản ánh ý kiến của cử tri về lãng phí trong sử dụng tài sản công ở các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia… Còn ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng đầu tư công hiện gặp nhiều vướng mắc.

Đặt vấn đề cụ thể hơn, ĐB Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho hay Luật Đầu tư công quy định về tính chất của dự án đầu tư công dẫn tới cách hiểu toàn bộ dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Điều này làm chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ QH để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm nhất.

Theo Bộ trưởng Phớc, có những vấn đề quy định trong các nghị định, thông tư của Chính phủ nhưng trái Luật Đầu tư công nên phải bỏ ra. Để giải quyết vướng mắc thì Chính phủ từng trình ra Ủy ban Thường vụ QH nhưng chưa được trình ra QH. “Có lẽ chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích thêm chỗ này” - ông Phớc nói.

p23-nguyen-chi-dung-2083-121.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn của các đại biểu về các vấn đề kinh tế tổng hợp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói vấn đề chi thường xuyên có tính chất đầu tư “có lẽ cũng không hẳn do Luật Đầu tư công mà có cả ở Luật Ngân sách nhà nước”. Ông Dũng cho rằng sửa chữa, nâng cấp hiện nay vẫn được triển khai bình thường, chỉ có đầu tư mới thì phải thực hiện quy trình theo Luật Đầu tư công.

“Hiện nay Chính phủ cũng đang trình QH cho phép dự án dưới 15 tỉ đồng thì được thực hiện chi thường xuyên. Việc này đang chờ quyết định của QH” - ông Dũng nói.

Không giải thích những gì không ai đề xuất

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết với các dự án dưới 15 tỉ đồng thì “không có văn bản pháp luật nào” căn cứ vào giá trị dự án mà cần căn cứ vào tính chất khoản chi.

“Các cơ quan QH nói rằng không có vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công, yêu cầu Chính phủ rà soát lại xem có vướng mắc gì trong Luật Ngân sách nhà nước hay không. Sau khi rà soát cũng kết luận không có vướng mắc gì. Do đó, QH đã đưa việc giải quyết nghị quyết đặc thù về vấn đề chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi chương trình” - ông Huệ giải thích.

“Ủy ban Thường vụ không giải thích những vấn đề đã rõ hoặc những nội dung không ai yêu cầu giải thích. Vấn đề này chúng ta đã tranh luận với nhau rất nhiều rồi. Tại diễn đàn QH, tôi nhớ bộ trưởng Bộ Tài chính nói từ nay không nêu lại vấn đề này nữa nhưng hôm nay bộ trưởng lại nói lại vấn đề này” - Chủ tịch QH nói.

p2+3-ho-duc-phoc-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn của các đại biểu về các vấn đề kinh tế tổng hợp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Phớc cho hay đã nghiên cứu rất kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Luật Đầu tư công 2014 đã “trói” hết mọi hoạt động về sửa chữa, nâng cấp… vào đầu tư công mà không phân biệt giá trị bao nhiêu.

Theo ông, nhiều vấn đề trong Luật Đầu tư công cần giải quyết để bảo đảm phát triển, không vướng khi triển khai chứ nếu không “sau này bị kỷ luật thì rất mệt mỏi”. “Khi tôi nói từ nay không đề cập đến vấn đề này nữa vì tôi trình ba lần rồi, mệt quá rồi nên tôi không nói nữa chứ không phải là đồng ý” - ông Phớc nói về ý kiến của Chủ tịch QH trước đó.

Gửi văn bản cho Chính phủ, bộ, ngành xem có cần giải thích luật

Chủ tịch QH sau đó dẫn kết quả rà soát độc lập của QH, Chính phủ và cho rằng trong cuộc rà soát đó không bộ nào nói gì về Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước xem có gì vướng mắc, ách tắc không.

“Trường hợp có vướng mắc, chúng ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Chưa rõ thì sẵn sàng có giải thích nhưng nguyên nhân nằm ở đâu?” - ông Huệ đặt vấn đề và cho rằng nếu thông tư, nghị định sai thì phải sửa.

chu-nhiem-le-quang-manh.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng đồng thuận các vấn đề như Chủ tịch QH nêu. Ông nói vấn đề chỉ “thực sự phát sinh” khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65/2021 không điều chỉnh các vấn đề từ việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp tài sản nhưng lại bãi bỏ Thông tư 92.

Ông Mạnh đề cập việc hai kỳ họp liên tiếp vừa rồi, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc luôn khẳng định nguyên nhân dẫn đến vướng mắc nghiêm trọng này là do quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công. Điều luật này chỉ nhằm phân loại dự án chứ không phải định nghĩa dự án đầu tư công là gì và cũng không cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư.

Tuy vậy, ông Mạnh cho rằng Ủy ban Thường vụ QH có thể giải thích pháp luật theo đúng quy định của Chương 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Bộ Tài chính sửa thông tư của mình.

Chủ tịch QH tiếp tục khẳng định Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công không có vướng mắc gì và đề nghị Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh ký, đóng dấu, gửi ngay văn bản cho Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan. “Trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích thì Ủy ban Thường vụ sẽ giải thích pháp luật” - ông Huệ nói.

Đúng sai chưa rõ, chỉ có ách tắc là thật

Vấn đề chi thường xuyên, tôi đã nêu liên tiếp từ kỳ họp thứ ba tới nay. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết cũng đã ba lần trình vấn đề này nhưng chưa được chấp thuận. Vấn đề vướng mắc hiện nay của chi thường xuyên xuất phát từ Thông tư 65/2021 đúng như chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.

Chuyện đúng sai thế nào chưa rõ, vướng mắc ở đâu không biết nhưng thời điểm này ở hầu hết địa phương đang vướng chuyện này.

Như tôi đã nói nhiều lần, đây là ví dụ cụ thể cho việc cán bộ sợ sai, không dám làm những việc cần phải làm. Cho nên tôi rất đồng tình ý kiến của bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nên có giải trình cụ thể. Chủ tịch QH đã nói là có văn bản cụ thể để không cơ quan nào bắt bẻ các cơ quan, địa phương khi thực hiện việc chi thường xuyên.

Trước đây, trong Luật Ngân sách nhà nước có nội dung là chi thường xuyên có tính chất đầu tư nhưng Luật Ngân sách nhà nước 2014 đã bỏ đi nội dung này. Tôi đề nghị để chặt chẽ về pháp luật thì nên sửa luật theo hướng có thêm nội dung đưa “chi thường xuyên có tính chất đầu tư” vào luật. Muốn thế phải sửa một lúc ba luật là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật Đầu tư công.

Chúng ta có thể đề nghị sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình QH thông qua một luật sửa nhiều luật. Chỉ một nội dung nhưng nó đi ngay vào cuộc sống.

ĐB TRẦN HỮU HẬU (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh)

-----------

Cử tri kiến nghị không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

Chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 6-11, đại biểu (ĐB) Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐB Quốc hội (QH) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết cử tri phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực. Nguyên nhân bởi thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp.

Nữ ĐB đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm của bộ đối với đề nghị không bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, mà để người dân tự nguyện mua khi họ có nhu cầu.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu bật tầm quan trọng của loại bảo hiểm nêu trên. Ông cho hay các vụ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm 64%. Từ năm 2021 đến tháng 9-2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn gần 2.300 tỉ đồng. Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy khi không may bị tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản.

“Việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được quy định trong luật” - bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đặt vấn đề về các ngân hàng tín dụng, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước hiện nay đang trong vòng kiểm soát đặc biệt.

“Sắp tới, trong lĩnh vực ngân hàng liệu có xảy ra tình trạng giống như trường hợp của Ngân hàng SCB nữa hay không để khách hàng có tiền gửi yên tâm và cũng là nhằm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội?” - ĐB Hòa đặt câu hỏi và nói hiện có 4-5 ngân hàng thuộc diện là hết sức nguy hiểm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng sau đó đã nêu nhiều cái “khó” trong xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Đồng thời cho hay với những ngân hàng yếu kém, NHNN cũng đang xin ý kiến, trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tổ chức thực hiện.

Còn ĐB Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho biết cử tri rất kỳ vọng với chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỉ đồng cho người thu nhập thấp, công nhân. Tuy nhiên, theo bà Hương, nhu cầu rất lớn nhưng tỉ lệ giải ngân hiện chỉ đạt khoảng 100 tỉ đồng.

ĐB của tỉnh An Giang đề nghị thống đốc NHNN nêu rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội.

thong-doc-nguyen-thi-hong-scb-7385-5208.jpeg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng lý do giải ngân thấp là do nguồn cung về nhà thuộc đối tượng chương trình còn hạn chế. Cạnh đó, còn ý kiến cho rằng điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội hiện nay chưa phù hợp với thực tế như điều kiện thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết thống đốc đã trả lời “đúng nhưng chưa đủ” và xin bổ sung. Theo ông, để triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho người lao động hiệu quả thì phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá... Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì mới thực hiện thành công được.

Trả lời, bà Hồng bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của ĐB Trí. Bà cho hay tới đây NHNN sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cố gắng đạt được mục tiêu chương trình đề ra. NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm