Ngày 2-11, Quốc hội (QH) thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các báo cáo tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước.
Cần đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công
Các đại biểu (ĐB) cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ rằng: Thời gian qua, đầu tư công đã đạt được nhiều thành tựu cả về số lượng dự án lẫn thể chế, tạo sức bật cho vùng kinh tế trọng điểm cũng như động lực phát triển kinh tế của cả nước.
ĐB Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Tuy vậy, nhiều ĐB cho rằng: Tổng số vốn đầu tư công cần giải ngân từ nay đến cuối giai đoạn 2021-2025 còn rất lớn và cần nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ này.
ĐB Nguyễn Thị Lệ đề xuất năm giải pháp, trong đó có tập trung vốn, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường giải phóng mặt bằng phải được tập trung, tận dụng và khơi thông nguồn vốn ODA, thực hiện tốt cơ chế PPP.
Thêm 1.800 km đường cao tốc
Theo báo cáo của Chính phủ, hết năm 2023 cả nước hoàn thành trên 12.000 dự án, chiếm trên 50% số dự án. Đầu tư công trung hạn đã khắc phục được những dàn trải, tập trung vốn cho hạ tầng lớn quốc gia. Đến nay đã hoàn thành trên 1.800 km đường cao tốc, đang khởi công thêm 1.600 km và nỗ lực cao đầu tư sân bay Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước. Đến năm 2030, dự kiến sẽ có 5.000 km đường cao tốc và hoàn thành các sân bay, bến cảng lớn.
ĐB Đinh Ngọc Minh đề nghị tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn và ngay tới đầu tư chung của nền kinh tế như hai tuyến đường sắt Lào Cai - cảng Hải Phòng và Đồng Nai - cảng Cái Mép - Thị Vải. Hai tuyến này ĐB Minh cho rằng sẽ tạo được hạ tầng lớn quốc gia khi đất nước đang tăng trưởng chậm và giảm được chi phí logistics cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi tính sơ bộ, nếu như giảm được 2% chi phí logistics doanh nghiệp sẽ có thêm lợi nhuận khoảng 10 tỉ USD/năm” - ĐB Minh nói.
Hoàn thuế VAT còn chậm
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) dẫn kiến nghị của cử tri nêu vấn đề “ách tắc, tồn đọng hoàn thuế VAT khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Xuất khẩu tinh bột sắn, Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Chi hội Dăm gỗ đã bức xúc gửi đơn kiến nghị kêu cứu”.
ĐB Hà cho rằng: Những ách tắc đó mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm ba ngành hàng tinh bột sắn, gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su. Nguyên nhân còn xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế.
ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng số thu VAT lớn nhưng số hoàn cũng lớn. Dẫn số liệu, ông Lâm cho hay: Năm 2022, thu 390.000 tỉ đồng, hoàn thuế 150.000 tỉ đồng, tức 38%; năm 2023, ước tính thu 365.000 tỉ đồng, hoàn tới 160.000 tỉ đồng, tức 44%; năm 2024, cho vay từ dự toán thu 390.000 tỉ đồng, hoàn 171.000 tỉ đồng, tức 43%.
“Điều đáng nói là quy trình hành thu phức tạp, tốn kém diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, thu rồi khấu trừ, chi phí cho thu lại chi phí cho hoàn nhưng kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu và quá trình này cũng còn làm gia tăng nguy cơ rủi ro, sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần được xem xét, giải quyết căn cơ” - ĐB Lâm nói.
Giải trình về vấn đề hoàn thuế VAT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: Tỉ lệ hoàn thuế VAT đạt 92%. Luật Quản lý thuế quy định điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn VAT, có chứng từ chuyển tiền. Đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm chứng từ chuyển tiền hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.
Có một vướng mắc là khi xác minh ở nước ngoài thì cơ quan thuế của nước ngoài nói không tồn tại doanh nghiệp đối tác của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là hợp đồng xuất khẩu bị vô hiệu và không hoàn thuế VAT được.
Với một số ý kiến đề nghị giảm 2% thuế VAT cho tất cả mặt hàng, Bộ trưởng Phớc cho rằng: Hiện việc giảm thuế VAT đang thực hiện theo đúng Nghị quyết 43 được gia hạn của QH nên một số ngành nghề như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng… không được giảm. Nếu giảm cũng gây áp lực cho ngân sách
Giải ngân thấp và vướng mắc từ Luật Đầu tư công
Nhiều ĐB nêu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, mới chỉ đạt 57% kế hoạch nếu căn cứ vào danh mục kèm theo quyết định của Thủ tướng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc không trả lời thẳng mà nêu vấn đề: “Tại sao lại giải ngân thấp như thế trong khi nền kinh tế đang khát vốn? Đây có phải vấn đề vướng mắc từ Luật Đầu tư công không?”. Rồi Bộ trưởng Phớc nói: “Nếu không sửa Luật Đầu tư công chúng ta vẫn cứ tiếp tục bàn mãi về vấn đề giải ngân đầu tư công”.
Bộ trưởng Phớc nêu ví dụ về quy trình: Muốn điều chỉnh danh mục dự án, công trình đầu tư công cũng phải ra QH; muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải ra QH. Muốn lập dự án phải có tiền, tiền phải đưa vào kế hoạch đầu tư công; muốn có dự án mới được bố trí tiền.
Ông nêu thực trạng nhiều dự án trong gói phục hồi kinh tế - xã hội không giao được vốn “chứ đừng nói giải ngân”. Chẳng hạn gói 14.000 tỉ đồng xây trạm y tế của các phường, xã thì đến nay chưa giao được vốn. “Gói sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia đến hôm nay cũng chưa giao được vốn vì có dự án được phê duyệt đâu! Mà muốn có dự án phê duyệt thì phải có tiền. Nếu lấy chi thường xuyên đưa vào chuẩn bị đầu tư thì lại sai quy định của Luật Đầu tư công” - Bộ trưởng giải thích.
Theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư công phải mở ra, phải đa dạng hóa nguồn vốn, cân đối được tài khóa và quy định chủ yếu về trình tự thủ tục.