Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Tránh tạo kẽ hở để gian lận thuế
Với dự án Luật Thuế GTGT, Thủ tướng lưu ý việc sửa đổi lần này cần theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ cải cách thuế quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Ông cũng nhấn mạnh yếu tố bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh, phù hợp với quá trình hội nhập.
Nhiều giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG |
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế GTGT để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế như thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số... cũng như các lĩnh vực cần được khuyến khích đầu tư theo chính sách phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Đối với một số giải pháp sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung giải pháp, đề xuất có tính minh bạch, giải quyết được các vướng mắc hiện nay và quản lý thu thuế được chặt chẽ, tránh tạo ra kẽ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát quy định về hoàn thuế tại Luật Thuế GTGT hiện hành, đồng thời rà soát quy định về thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm hoàn thuế GTGT để vừa bảo đảm thông thoáng, nhanh gọn, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.
Cùng với việc sửa đổi luật, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để chống thất thu thuế, nhất là với lĩnh vực kinh doanh ăn uống.
Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều tiết tiêu dùng theo hướng bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Thủ tướng lưu ý cần phát huy vai trò của công cụ thuế để điều tiết các hoạt động kinh tế, khuyến khích hoặc hạn chế sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Cạnh đó, bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với mục tiêu thu - chi ngân sách, chống thất thu thuế…
Sửa Luật BHXH cần đồng bộ với các luật liên quan
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, các ý kiến tập trung thảo luận một số nội dung như: Quy định về rút BHXH một lần, điều kiện hưởng lương hưu, chi phí quản lý BHXH, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…
Nêu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đây là một luật khó, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền và lợi ích của người lao động và nhiều chính sách an sinh xã hội, được cử tri và xã hội quan tâm. Nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan quản lý là cần xử lý một cách cân bằng để giải quyết những vấn đề vừa trước mắt vừa lâu dài.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tổng kết Luật BHXH; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các vấn đề mới, sửa đổi các quy định hiện hành để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan như Luật BHYT, Luật Công đoàn, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra...
Gợi ý mở phiên giải trình về chậm hoàn thuế VAT
Trước đó, ngày 12-7, về vấn đề hoàn thuế VAT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế VAT, nhất là trong việc hoàn thuế với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trong phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: Quốc hội đã có nghị quyết chung, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nên đây là trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Ông nói: “Doanh nghiệp nộp thuế đầu vào, được hoàn thuế đầu ra. Tổng thuế đầu ra phải nộp trừ đầu vào, số còn chênh lệch phải hoàn thuế cho người ta. Đây là nghĩa vụ của Nhà nước chứ người ta không đi xin. Thủ tục nào không đúng thì hướng dẫn, anh nào sai, anh nào vi phạm pháp luật thì đề nghị xử lý. Tương tự, cán bộ thuế sai cũng phải xử lý cán bộ thuế…”.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức giám sát hoặc phiên giải trình về hoàn thuế VAT, cố gắng thực hiện trong tháng 8 để có đề xuất sớm với Quốc hội.