Ngành gỗ kêu cứu Chủ tịch Quốc hội vì vẫn chưa được hoàn thuế

(PLO)-  Doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có văn bản gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị xem xét và chỉ đạo các bộ ngành có liên quan tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp (DN) ngành gỗ về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trong văn bản, các DN ngành gỗ cho biết dù đã có rất nhiều chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, nhiều đề xuất và kiến nghị của Bộ NN&PTNT, VIFOREST và các chi hội trực thuộc, các cục thuế địa phương, nhưng cho tới nay các DN ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế.

“Việc DN không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại văn bản số 2124/TCT-TTKT ban hành ngày 22/5/2020 và số 633/TCT-TTKT ban hành ngày 7/03/2022 của Tổng cục Thuế quy định về thanh kiểm tra trong việc hoàn thuế trong đó có việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng” - các DN phản ánh.

Việc chậm hoàn thuế khiến các doanh nghiệp gỗ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ phá sản. Ảnh minh hoạ: AH

Việc chậm hoàn thuế khiến các doanh nghiệp gỗ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ phá sản. Ảnh minh hoạ: AH

Đáng chú ý, VIFOREST cho rằng hai công văn số 2124 và 633 của Tổng cục Thuế nêu trên có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật.

Lý do là các công văn này buộc tất cả các cục thuế và chi cục thuế tại các địa phương phải tuân theo hướng dẫn nghiệp vụ thanh, kiểm tra của Tổng cục Thuế. Thời hạn hiệu lực của văn bản số 633 đã hết, nhưng vẫn sử dụng làm căn cứ trích dẫn trong các văn bản xác minh nguồn gốc của các cục thuế và chi cục thuế gửi các bên liên quan. Cụ thể tại khoản 1.1 của văn bản 633 quy định: “Triển khai thực hiện trong tháng 2 năm 2022 và kết thúc chậm nhất trong tháng 5-2022”.

Vì vậy, các DN gỗ cho rằng nếu các công văn này không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung thì các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để. DN nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT vẫn sẽ không được hoàn.

“Chính bất cập quy định tại các công văn này, mặc dù công văn đã hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn được áp dụng triển khai, đã gây khó khăn cho DN và trở ngại cho các cơ quan thuế tại địa phương khi tiến hành hoàn thuế cho DN ngành gỗ” - các DN gỗ nêu rõ.

Từ đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chủ tịch Quốc Hội xem xét và có các quyết định phù hợp để giúp DN ngành gỗ được hoàn thuế kịp thời, tránh được nguy cơ phá sản, tăng cường hiệu quả kinh doanh rừng trồng, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho một bộ phận rất đông dân cư nông thôn của nước ta.

Trước đó, vào ngày 22-5-2020, Tổng cục thuế ban hành văn bản số 2124 về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố. Ngày 7-3-2022, Tổng cục thuế tiếp tục ban hành công văn số 633 về thanh tra, kiểm tra DN có rủi ro về hoàn thuế GTGT.

Với các khó khăn trong công tác hoàn thuế GTGT, ngày 5-12-2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 8187 gửi Bộ Tài chính. Trong đó khẳng định: “Theo quy định tại các Điều 15, 16 và 20 Thông tư số 27/2018/TT BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp. Người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp”.

Đồng thời, văn bản của Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh rằng việc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khi phát hiện một loại sản phẩm gỗ (ván dán) có rủi ro trong hoàn thuế GTGT mà đưa tất cả các loại sản phẩm gỗ khác vào danh mục rủi ro là không thỏa đáng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm