Những chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam (VN) lần thứ VI đang làm nức lòng công luận về “nhìn thẳng vào sự thật” trong công nghiệp chế tạo của VN.
TS Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội DN nhỏ và vừa (NVV) TP Hà Nội, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nói: “Việc những hạn chế của kinh tế VN nói chung, của DN nói riêng được nhắc lại một cách thẳng thắn cho thấy sự cần thiết phải thay đổi từ gốc rễ”.
Những con số đáng lo ngại
. Phóng viên: Khi nghe Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến việc “ngộ nhận”, “tự huyễn hoặc”, “tự ru ngủ”… ông có giật mình không khi đang lãnh đạo một trong những hiệp hội DN quan trọng của thủ đô?
+ TS Mạc Quốc Anh: Khi tôi nghe Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhấn mạnh các khái niệm “ngộ nhận”, “tự huyễn hoặc” hay “tự ru ngủ”…, tôi không chỉ giật mình mà còn cảm thấy một sự thức tỉnh cần thiết. Những nhận định ấy phản ánh một thực trạng mà không chỉ DN mà cả hệ thống cần nghiêm túc nhìn nhận.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2023, chỉ khoảng 2,5% DN VN có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, tỉ lệ DN VN thực sự làm chủ công nghệ lõi chỉ chiếm chưa đến 0,3%. Đây là những con số đáng lo ngại, cho thấy sự yếu kém trong nội lực công nghiệp chế tạo. Là một người lãnh đạo hiệp hội, tôi nhận ra rằng chính sự tự mãn và thiếu quyết liệt đã làm nhiều DN bị tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để hiệp hội chúng tôi nói riêng thúc đẩy các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đặc biệt là DNNVV tại thủ đô, bởi nhóm này chiếm tới 98% tổng số DN trên địa bàn Hà Nội.
. Thực tế trong nhiều năm qua, nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đề cập đến việc VN đang ở trong phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều năm trước, có chuyên gia đã cảnh báo tình trạng “gia công nô dịch”… Theo ông, vì sao đến hôm nay những vấn đề này mới được nhắc đến một cách thẳng thắn như vậy?
+ Theo tôi, việc các vấn đề này được nhắc lại một cách thẳng thắn cho thấy sự cần thiết phải thay đổi từ gốc rễ. Có nhiều nguyên nhân khiến VN rơi vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân dưới đây.
Chúng ta thiếu đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho thấy chi tiêu cho R&D của VN chỉ chiếm 0,5% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc (4,6% GDP) hay Trung Quốc (2,4% GDP).
Chúng ta tập trung quá mức vào gia công. Tỉ lệ giá trị gia tăng trong xuất khẩu của VN rất thấp, chỉ khoảng 18%-20% trong các ngành công nghiệp trọng yếu như điện tử, dệt may.
Chúng ta chưa chú trọng vào nhân lực chất lượng cao. Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy chỉ khoảng 10% lực lượng lao động VN được đào tạo chuyên sâu, trong khi các ngành công nghiệp yêu cầu kỹ thuật cao đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.
Hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn, các vấn đề này không thể bị che đậy hoặc né tránh. Thẳng thắn nhìn vào thực trạng là bước đầu để cải cách mạnh mẽ hơn.
Xây dựng một nền tảng DN nội địa mạnh mẽ
. Một thực tế cho thấy khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của VN. Tuy nhiên, như ông cũng biết, nhiều ý kiến cho rằng họ lại đang chiếm hầu hết các phân khúc cao, trọng yếu trong khi sự tham gia của cộng đồng DN VN với họ lại khá khiêm tốn. Theo ông, làm thế nào để có thể tận dụng được nguồn lực FDI một cách tốt nhất, phù hợp nhất theo đúng phương châm “lợi ích hài hòa…”?
+ Không thể phủ nhận rằng: FDI đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế VN, đóng góp khoảng 70% giá trị xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, sự tham gia của DN nội địa vào chuỗi cung ứng của FDI vẫn rất hạn chế, chỉ khoảng 14%.
Tận dụng tốt hơn nguồn lực FDI là điều đã được nói từ lâu. Theo tôi, để tận dụng tốt hơn nguồn lực FDI, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đó là tăng cường liên kết giữa DN nội địa và FDI. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế khuyến khích DN FDI hợp tác, chuyển giao công nghệ và chia sẻ dữ liệu với DN trong nước. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, hấp dẫn mà còn là động lực để các DN VN thay đổi, phát triển và hội nhập.
Đó là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nội địa. Các DNNVV cần được hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực và áp dụng công nghệ hiện đại. Cuối cùng, theo tôi là phải chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của VN chỉ đóng góp 11% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (23% GDP) chẳng hạn.
Phương châm “lợi ích hài hòa” chỉ có thể đạt được khi chúng ta xây dựng được một nền tảng DN nội địa mạnh mẽ để đồng hành và cạnh tranh cùng khối FDI.
Đây liệu có phải là “tự ru mình” không?
Tôi được báo cáo là VN đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ sáu thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ bảy thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ tám thế giới về thiết bị linh kiện điện tử.
Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài.
Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, nút đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình.
Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không?
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ số VN lần thứ VI)
. “DN đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?”, câu hỏi mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cũng là niềm đau đáu của không ít lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như của chính cộng đồng DN. Là người sâu sát với cộng đồng này, ông thấy DN VN hiện đang đứng ở đâu và họ cần làm gì để có thể nâng cao vị thế của mình?
+ Hiện nay, như Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều báo cáo khả tín đã chỉ ra: Phần lớn DN VN vẫn đứng ở phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Bộ KH&ĐT, chỉ khoảng 21% DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đa số tham gia ở khâu gia công, lắp ráp, nơi có giá trị gia tăng thấp nhất.
Để nâng cao vị thế, DN VN cần chú trọng vào một số giải pháp: Một là đầu tư vào công nghệ. Hiện nay, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, chỉ 17% DNNVV đang áp dụng công nghệ 4.0, một tỉ lệ rất thấp so với mặt bằng khu vực.
Hai là tăng cường hợp tác quốc tế thông qua tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP để tiếp cận thị trường và công nghệ tiên tiến.
Ba là đào tạo nguồn nhân lực. Đây là một yếu tố sống còn. Theo báo cáo của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), 40% DN tại VN đánh giá thiếu nhân lực chất lượng cao là rào cản lớn nhất để phát triển.
Cuối cùng và cũng rất quan trọng là DN cần mạnh dạn đổi mới tư duy, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và từng bước tham gia vào những phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị.
Thể chế thông thoáng sẽ là “chìa khóa” để DN bứt phá
. Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Từ góc độ DN, theo ông, cần cải cách thể chế theo hướng nào, mức độ nào để không chỉ cho DN phát triển mà còn để đất nước thực sự cất cánh vào kỷ nguyên mới?
+ Tôi cho rằng cải cách thể chế cần tập trung vào các yếu tố sau:
Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, VN xếp hạng 70/190 quốc gia về mức độ thuận lợi kinh doanh. Các thủ tục hành chính phức tạp đang làm giảm năng suất của DN.
Tăng cường minh bạch: Thể chế phải đảm bảo công khai, minh bạch để DN an tâm đầu tư, tránh tình trạng “xin-cho” gây bất bình đẳng.
Cải cách chính sách thuế: Hiện nay, gánh nặng thuế, phí chiếm tới 40% lợi nhuận của DN, cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Chính phủ cần xây dựng chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào R&D, đặc biệt là các ngành công nghệ cao.
Thể chế thông thoáng, minh bạch sẽ là đòn bẩy để DN phát triển mạnh mẽ hơn.
. Cuối cùng, ông có tin rằng sau khi thể chế được cải cách thì vị thế của DN VN sẽ được nâng cao, có đủ năng lực để tham gia vào phân khúc cao của chuỗi giá trị toàn cầu?
+ Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với sự cải cách thể chế đồng bộ và triệt để, DN VN sẽ có đủ năng lực để tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Những thay đổi thực chất từ thể chế, kết hợp với nỗ lực của DN và cả hệ thống chính trị, chắc chắn sẽ nâng cao vị thế của DN VN.
. Xin cảm ơn ông.
Cảm hứng từ chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024
Chiến thắng lịch sử của đội tuyển VN khi đánh bại Thái Lan để vô địch AFF Cup 2024 không chỉ là chiến thắng về thể thao mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm và chiến thuật đúng đắn của cả đội ngũ.
Nhìn từ góc độ DN, chúng ta cũng cần có tinh thần giống đội tuyển: Dám đối mặt với đối thủ mạnh, không tự mãn trước những thành công ban đầu và không ngừng hoàn thiện mình để đạt được những đỉnh cao hơn.
Cũng như vậy, kinh tế VN cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thoát khỏi tình trạng "gia công nô dịch" và vươn lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hình ảnh đội tuyển VN cũng mang đến bài học tương đồng: Chỉ khi biết tận dụng sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, từ các huấn luyện viên đẳng cấp quốc tế như ông Park Hang-seo trước đây, bóng đá VN mới có thể phát triển toàn diện. Kinh tế cũng vậy, chỉ khi DN nội địa biết cách học hỏi, hợp tác với DN FDI thì chúng ta mới khai thác tối đa lợi ích từ nguồn vốn nước ngoài.
Nhìn từ bóng đá, nếu không cải thiện thể chế quản lý và đầu tư vào các giải trẻ, đội tuyển quốc gia sẽ khó phát triển bền vững. Kinh tế cũng vậy, thể chế thông thoáng sẽ là “chìa khóa” để DN bứt phá.
TS MẠC QUỐC ANH
Đầu tư mạnh vào R&D giúp Việt Nam có sản phẩm giá trị gia tăng cao
Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào gia công lắp ráp. Để phát triển bền vững và gia tăng giá trị trong sản xuất, Việt Nam cần triển khai các giải pháp mang tính chiến lược.
TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển
Việc đầu tư mạnh vào thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ giúp Việt Nam (VN) tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Đồng thời, cần ưu tiên xây dựng các trung tâm nghiên cứu, hợp tác giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu để phát triển công nghệ mới, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, VN cần đầu tư vào đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hóa. Các chương trình đào tạo này không chỉ giúp nâng cao tay nghề cho người lao động mà còn chuẩn bị cho họ khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ sản xuất.
Một giải pháp khác là khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như tự động hóa và robot không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra giá trị gia tăng. Đặc biệt, VN cần tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, học hỏi từ các tập đoàn công nghệ lớn và tăng cường mối quan hệ với các đối tác quốc tế. Qua đó để chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.
TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là một thế mạnh của VN, gắn liền với nền nông nghiệp phong phú. Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu, nâng cao vị thế của nông sản VN trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, lĩnh vực y học và dịch vụ y tế cần được đầu tư mạnh mẽ hơn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, việc phát triển các công nghệ y tế hiện đại, dược phẩm mới và các dịch vụ y tế chất lượng cao sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như thu hút bệnh nhân quốc tế.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng là một hướng đi chiến lược. VN có tiềm năng lớn trong việc phát triển phần mềm, ứng dụng công nghệ số và các giải pháp chuyển đổi số.
Cuối cùng, việc đào tạo, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ cả trong và ngoài nước sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.