Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử.
Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ
Trong dự thảo tờ trình, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 2014, doanh số thương mại điện tử B2C chỉ đạt 2,97 tỉ USD thì đến năm 2024 đã đạt 25 tỉ USD.
“Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình” - Bộ Công Thương cho hay.
Theo Bộ Công Thương, có được kết quả khả quan nêu trên là do các quy định pháp luật về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch cho hoạt động thương mại điện tử, đơn cử như Nghị định số 52/2013, Nghị định 85/2021.
Tuy nhiên, Bộ này cũng đánh giá hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử liên quan đến nhiều lĩnh vực thương mại, giao dịch điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế, bảo mật dữ liệu, chống gian lận thương mại... Song các quy định hiện hành trong các luật chung hiện nay không đủ chi tiết, cụ thể để xử lý các vấn đề đặc thù, phức tạp của thương mại điện tử. Do vậy, để điều chỉnh chi tiết và toàn diện các vấn đề này, cần thiết phải xây dựng văn bản ở cấp luật.
Ngoài ra, các nghị định hiện hành chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quản lý thuế, Luật Sở hữu trí tuệ… Vậy nên Bộ Công Thương nhận định việc xây dựng Luật thương mại điện tử giúp tránh chồng chéo và mâu thuẫn pháp lý giữa các quy định.
Một nguyên nhân nữa khiến Bộ Công Thương đề nghị cần phải xây dựng Luật Thương mại điện tử, đó là sự xuất hiện các mô hình thương mại điện tử mới nhưng chưa có quy định điều chỉnh riêng.
Đơn cử như hoạt động livestream bán hàng chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestreams (chủ tài khoản, người tham gia livestreams), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.
“Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành cũng như các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập” - Bộ Công Thương nhận xét.
Đồng thời, khó khăn trong xác định danh tính người bán, khó khăn trong truy vết và xử lý vi phạm, rủi ro về gian lận và trốn thuế, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, vấn đề kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới… cũng là các yếu tố cho thấy sự cần thiết xây dựng Luật Thương mại điện tử.
5 chính sách lớn
Bộ Công Thương cho hay, trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng Luật Thương mại điện tử, như Malaysia, Campuchia, Philipines, Hungary, Rumani, Macedonia, Ireland, Malta, Luxembourg, Iran, Trung Quốc… Một số nước khác tuy không xây dựng Luật thương mại điện tử nhưng đã có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam rất cần xây dựng Luật thương mại điện tử để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực này, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo động lực để Việt Nam phát triển kinh tế số” - Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Bộ Công Thương cho biết khi xây dựng Luật Thương mại điện tử sẽ tập trung vào 5 chính sách lớn. Một là bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành. Hai là quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan.
Ba là trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử. Bốn là quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Năm là quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cho biết, với điều kiện thực tế hiện nay, Bộ và ngành Công Thương các cấp có đủ nguồn nhân lực, bộ máy, điều kiện cơ bản cho việc thi hành Luật Thương mại điện tử sau khi được Quốc hội thông qua, đảm bảo tính khả thi về chính sách. Đồng thời, các quy định tại Luật Thương mại điện tử không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành khác có liên quan.
Nếu được Chính phủ đồng ý, Bộ Công Thương dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XV vào tháng 10-2025.