Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi mổ xẻ trách nhiệm chậm hoàn thuế VAT

(PLO)- Việc xác định trách nhiệm chậm hoàn thuế thuộc về ai thì phải xem xét trường hợp cụ thể với hồ sơ cụ thể, theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 5-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 thông tin về tình hình kinh tế - xã hội.

Phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí chiều 5-8. Ảnh: X.Đ

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí chiều 5-8. Ảnh: X.Đ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời có hai trường hợp là hoàn trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước, hoàn sau. Thời hạn hoàn thuế được tính từ khi doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, là 6 ngày với trường hợp hoàn trước, kiểm sau; 40 ngày với các trường hợp kiểm trước, hoàn sau.

Triển khai các quy định này, trong cả năm 2022, toàn ngành thuế đã hoàn trên 150.000 tỷ đồng tiền thuế VAT thông qua hơn 20.774 quyết định hoàn thuế. Đến 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã hoàn 70.356 tỷ đồng tiền thuế với 9.800 quyết định hoàn thuế.

Trong số này, gần 80% quyết định thuộc nhóm hoàn trước, kiểm sau; còn lại là kiểm tra trước hoàn sau.

Liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT ông Chi cho biết phải xem xét từng trường hợp cụ thể mới xác định trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế hay doanh nghiệp và người nộp thuế.

Nhưng đứng về phía cơ quan quản lí nhà nước, đặc biệt là trên góc độ cơ quan thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để xảy ra việc chậm hoàn thuế thì cơ quan thuế phải xem xét, rà soát, cải tiến phương pháp, cách làm.

Mà như vậy, trước hết cần xem xét lại quy định của pháp luật, rà soát quy trình cách thức triển khai thủ tục hoàn thuế. Sau đó, xem xét để thay đổi, rút ngắn quy trình này lại để vừa đảm bảo yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận thuế.

Về giải pháp cụ thể, Thứ trưởng Chi cho biết ngành thuế đang triển khai tích cực công nghệ thông tin, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng dữ liệu lớn về người nộp thuế. Từ đó có thể sàng lọc, phân tích, quản trị rủi ro, giảm thiểu công tác kiểm tra.

Lấy ví dụ, ông Chi cho biết có những doanh nghiệp chỉ kinh doanh yến sào nhưng trong thời gian ngắn lại xuất hoá đơn doanh thu lên đến trên 30.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã chủ động sàng lọc, phân tích trước để khi doanh nghiệp làm hồ sơ, thủ tục là được hoàn thuế được nhanh chóng.

Thứ trưởng Tài chính cũng lưu ý việc nâng cao kỷ luật kỷ cương, thực hiện đúng quy trình trong việc hoàn thuế, vừa không để cán bộ thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời kiên quyết xử lí nghiêm nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi gian lận, vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm