Nếu ‘tự ru mình’, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm được linh kiện lặt vặt

(PLO)- “Hiện nay đang có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam nói không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Ngược lại, doanh nghiệp FDI lại phàn nàn rằng doanh nghiệp Việt không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tham gia cuộc chơi” - ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), nói.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam (VN) lần thứ VI mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Trình độ công nghệ của các DN VN nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Samsung đầu tư vào VN từ năm 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 DN đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì có tới 55 DN nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I thì có tới 164 DN nước ngoài”.

“Các DN trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải... Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng DN của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phát biểu của Tổng Bí thư, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN (VASI), nhấn mạnh: “Muốn lớn hơn, mạnh hơn, xây dựng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các DN quốc nội phải giải được bài toán tự chủ, tự lực cánh sinh”.

P11-ong-phan-dang-tuat.jpg
Ông Phan Đăng Tuất.

Thu hút “đại bàng làm tổ” nhưng không được ỷ lại

. Phóng viên: Được đánh giá là có vai trò quan trọng trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp và là “linh hồn” của công nghiệp chế tạo nhưng thời gian qua lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của VN vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Cùng với đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào VN đang diễn ra với quy mô lớn và nhanh. Chính vì vậy, các công ty Việt chủ yếu vẫn gia công lắp ráp, tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

+ Ông Phan Đăng Tuất: Thời gian qua, VN liên tục đón các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến đề nghị hỗ trợ kết nối và xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các tập đoàn từ châu Âu, châu Mỹ hay hàng loạt nhà cung ứng cấp 1 của gã công nghệ khổng lồ Apple. Đặc biệt, các ông lớn công nghệ thế giới không chỉ đặt vấn đề tìm kiếm 1-2 nhà cung cấp mà đều muốn tiếp cận theo chuỗi, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hỗ trợ tại VN.

Đây rõ ràng là cơ hội, kỳ vọng để DN Việt phát triển, có vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn chứ không chỉ là gia công lắp ráp.

Tuy nhiên, mối lo hiện hữu là việc kết nối giữa DN FDI và các công ty nội địa còn lỏng lẻo, dẫn đến hạn chế tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh, năng lực tổ chức quản lý, trình độ công nghệ của phần lớn DN Việt còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia hoặc các DN đầu chuỗi.

doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Công ty TNHH Công nghệ điện tử Chee Yuen Việt Nam, 100% vốn Đài Loan sản xuất các loại sản phẩm nhựa và linh kiện điện tử ngành máy in tại Khu công nghiệp An Dương, TP Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng hầu hết DN công nghiệp hỗ trợ của chúng ta đều ở quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá, chất lượng và cả tiến độ giao hàng. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các DN FDI cung cấp. Vì vậy, để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, VN vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị lớn.

. Vậy theo ông, việc thu hút FDI, đặc biệt là thu hút các “đại bàng làm tổ” vừa là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn cho các công ty VN. Quan trọng hơn, nếu công ty Việt không biết tận dụng cơ hội sẽ bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu…?

+ Tăng trưởng xanh, thu hút FDI… được đánh giá là tiềm năng và động lực tăng trưởng mới của VN. Nhưng đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức.

Thực tế cho thấy làn sóng đầu tư của Trung Quốc đang đổ mạnh vào VN, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Họ đầu tư với quy mô lớn và làm rất nhanh. Trong một lần gặp gỡ chuyên gia người Nhật chuyên về làm khuôn mẫu để phục vụ sản xuất công nghiệp, vị này đánh giá nếu năm 2000 Trung Quốc chưa làm nổi khuôn mẫu thì nay họ có thể làm được hầu hết linh kiện phụ tùng cho một ô tô. Có thể thấy công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc rất phát triển và có thể đáp ứng nhiều thị trường trên thế giới.

Hiện nay, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào VN với quy mô cực lớn. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ… Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ nước ta.

Đáng chú ý, theo số liệu chính thức từ Apple, năm 2024, số lượng nhà cung ứng cho nhà sản xuất iPhone tại VN tăng 40%, lên 35 nhà cung ứng vào năm 2023. Tuy vậy, phân tích này chỉ ra 37% trong số 35 nhà cung ứng tại VN đến từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), bao gồm Luxshare, Goertek, BYD. Cả ba đều đã mở rộng công suất để phục vụ Apple.

Như vậy có thể thấy nhiều công ty Trung Quốc đang chuyển dịch mạnh mẽ sang VN, thậm chí họ tìm mua các DN công nghiệp hỗ trợ của VN.

Phải giúp các công ty Việt lớn lên

. Trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt như vậy, theo ông, các DN VN phải làm gì để không rơi vào tình trạng chỉ là “bàn đạp” gia công cho các tập đoàn nước ngoài?

+ Tôi cho rằng trước tiên phải tìm ra gốc của vấn đề. Đó là nhiều DN VN không đủ sức lớn lên, nói gì tham gia vào chuỗi giá trị, kết nối với DN FDI. Chúng ta phải gỡ được câu chuyện làm thế nào để DN VN lớn lên, chứ không phải làm cho DN FDI bé đi.

Hiện nay đang có tình trạng DN VN nói không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, không dám mạo hiểm đầu tư tiền tỉ mà sản phẩm không biết bán cho ai. Ngược lại, DN FDI lại phàn nàn rằng DN Việt không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tham gia cuộc chơi.

Tôi cũng cho rằng các DN VN cần thực hiện hàng loạt bước đi đổi mới mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, nghiên cứu và phát triển đến cải thiện năng lực cạnh tranh và quản trị. Trong đó, cần đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ, tự động hóa và các quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.

doanh nghiệp Việt Nam
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM 2024.

Thu hút FDI có chọn lọc

Sắp tới, chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để VN trở thành cứ điểm “lắp ráp - gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi DN trong nước không học hỏi được gì.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

. Nhiều ý kiến nhận xét rằng các công ty Việt chưa đầu tư đúng mức vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối... Hệ quả là ít tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính sáng tạo?

+ Tôi cho rằng DN cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính sáng tạo. Đồng thời ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất như AI, Big Data... vào sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, các công ty Việt cần tăng cường phát triển chuỗi cung ứng nội địa, cải thiện chất lượng và giảm phụ thuộc vào DN FDI. Đây cũng là vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra khi hiện nay DN VN chủ yếu gia công và phụ thuộc vào linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài. Bên cạnh đó, DN Việt phải phát triển mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp phụ trợ và tăng cường hợp tác với các DN quốc nội.

Để không rơi vào tình trạng chỉ gia công, các DN cần tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ thông qua xuất khẩu mà còn thông qua hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế. Mặt khác, cũng cần chú trọng đến đào tạo và phát triển nhân lực có trình độ cao. Bởi cốt lõi của DN là con người, có con người, có trí tuệ thì DN sẽ phát triển. Đặc biệt là phải xây dựng và phát triển thương hiệu Việt để từ đó tạo ra sự khác biệt và gia tăng giá trị cho sản phẩm.

DN Việt không nên chờ các DN FDI chiếu cố, bởi nếu vậy thì chúng ta sẽ mãi chỉ làm những linh kiện lặt vặt bên ngoài. Các DN Việt cần ngồi đàm phán với họ hoặc với những công ty mới đầu tư vào VN thì cần nắm bắt trước nhu cầu của họ để chuẩn bị.

Gỡ các điểm nghẽn để “cởi trói” cho DN

. Như ông vừa nói, những giải pháp hầu như chỉ tập trung vào các yếu tố nội tại của DN. Tuy nhiên, VN cần cải thiện chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn để “cởi trói” cũng như hỗ trợ DN phát triển bứt phá?

+ Đúng vậy. Nếu chỉ vận dụng sức mạnh nội tại của DN thì chưa đủ, chắc chắn phải cần đến sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, Chính phủ. Theo tôi, hiện nay cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa. Bởi muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải đầu tư mới với giá hợp lý.

Trong khi đó hiện nay lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, cộng thêm thị trường khó khăn thì dù có hỗ trợ cấp bù chênh lệch 3% cũng không có DN nào dám vay để đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Nếu không có giải pháp tài chính thực sự mạnh thì sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chưa kể nhiều DN Việt khó đáp ứng điều kiện cho vay, vì vậy cần tiếp tục gỡ rào cản thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.

Các địa phương cần phải tạo điều kiện thực sự thuận lợi giúp DN Việt có mặt bằng, hạ tầng, hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực... Đồng thời phải sửa Luật Đầu tư, các luật liên quan để có cơ chế ràng buộc DN FDI liên kết, chia sẻ với các đơn vị trong nước thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay.

. Xin cảm ơn ông.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tự chủ hơn

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng việc chuỗi cung ứng của các ông lớn chuyển dịch sang VN là thời cơ chưa từng có để DN VN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, đây cũng là thách thức không nhỏ với các công ty Việt, nhất là với các DN nhỏ.

Vì vậy, VN cần hỗ trợ các DN nội địa hợp tác, cung cấp sản phẩm phụ trợ cho DN FDI với giá hợp lý và đảm bảo tiêu chuẩn mà họ yêu cầu. Như vậy, VN sẽ đạt mục tiêu giữ chân các ông lớn FDI và phát triển DN nội địa. Theo đó, cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của DN trong nước. Từ đó phát triển được các tập đoàn lớn trong nước đủ sức dẫn dắt.

Tôi cũng mong rằng DN Việt cần tự chủ hơn trong chuỗi cung ứng, nâng vị thế bằng cách tự thiết kế, làm chủ công nghệ...

hang-doanh-nghiep 1.jpg

Hiện nay 70% hàng hóa xuất khẩu Việt được sản xuất bởi DN FDI, vì vậy DN Việt hãy tranh thủ điều này để lớn cùng DN FDI. DN Việt có thể làm được bằng cách cung ứng, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đầu vào và các dịch vụ bao quanh DN FDI.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm