Nhiều gia đình nhờ chiếc smartphone có thể tổ chức tiệc online. Ảnh minh họa: FREEPIK

Chạm tay vào Tết từ bên kia đại dương

(PLO)-  Internet, Facebook, YouTube và smartphone đã kéo tết đến gần bố mẹ tôi hơn khi họ vẫn còn vất vả mưu sinh ở nước ngoài.

Sáng sớm, bố tôi lọ mọ đeo chiếc ba lô cũ rời khỏi nhà. Nước Đức những ngày cuối năm thời tiết rất lạnh, cây cối trụi lá, khẳng khiu chuẩn bị đón những đợt tuyết vào đông. Chiếc ba lô cũ lẽo đẽo trên lưng bố tôi nhiều năm rồi, khi thì cõng mớ rau củ, thực phẩm ông mua từ siêu thị, lúc thì đựng ít nấm rừng, táo xanh, mận dại mà ông hái về cho tôi trên đường đi dạo mỗi sáng.

NHỮNG NGÀY XƯA VẮNG TẾT…

Bố tôi rời quê hương - đất cảng Hải Phòng mà trong tâm thức của ông là vùng đầy cá tính nhưng đậm cảm tình - gần bốn thập niên về trước. Ông đến nước Đức bằng đôi bàn tay trắng và một ý chí sắt thép rằng chỉ cần ông quyết tâm và dũng cảm thì sẽ gặt quả ngọt. Từ buôn bán quần áo dạo đến phụ giúp quán ăn và nay là mở nhà hàng, việc gì bố tôi cũng dấn thân, miễn là niềm hy vọng về sự sung túc, no ấm còn được dung dưỡng mãnh liệt trong trái tim và khối óc.

Những ngày trời lạnh cắt da cắt thịt, tuyết dày quá đầu gối, phủ trắng xóa đến nỗi không còn biết đâu là trời, đâu là đất. Những hôm phải dậy sớm dọn hàng, hay thức đến khuya để chuẩn bị cho công việc của ngày hôm sau. Tuổi trẻ của bố tôi giấc ngủ thật ngắn, vài ba tiếng đồng hồ, còn dành phần nhiều cho công việc mưu sinh.

Mấy chục năm rời quê hương là ngần ấy thời gian bố tôi ăn tết xa nhà. Một năm có 365 ngày, duy chỉ có buổi chiều ngày Giáng sinh (tức ngày 24-12 dương lịch) là ông được nghỉ, bởi hôm ấy người người, nhà nhà đoàn tụ, quây quần bên bàn tiệc Noel và mừng năm mới nên nhà hàng cũng đóng cửa vì vắng khách. Có lần tôi nói với bố “Ở Đức, nhà mình hình như không có tết”, ông bảo “Ừ! Tết ở rất xa”.

Ở Đức, dịp lễ lớn nhất năm là Giáng sinh kéo dài đến năm mới. Thế nhưng dù sinh ra và trưởng thành ở Đức nhưng tôi không cảm nhận được sự đặc biệt của dịp này như tết ở Việt Nam (VN) mà bố tôi hay kể. Dịp tết truyền thống của VN thì ở Đức lại là ngày thường, mọi người đều làm việc. Dù vài hội nhóm người Việt có tổ chức tiệc tùng nhưng mọi thứ cũng chóng vánh và đơn điệu. Thật khó để có tết VN giữa lòng nước Đức, nhất là khi những người mình yêu thương đang ở quá xa.

… VỚI NHIỀU NỖI NHỚ NHUNG

Bố tôi thường uống rượu vang. Dịp cuối năm, sau vài cốc rượu đầy, ông lặng lẽ lên phòng đắp chăn và xem truyền hình, cảm nhận không khí tết đang ùa về trong từng con phố, ngõ hẻm ở Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn hay đâu đó tại VN. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai, nơi thì gói bánh chưng, chỗ thì làm bánh tét, nhà này làm thịt đông, nhà kia nấu thịt kho trứng hay canh khổ qua… Ở Đức nhưng món ngon, vật lạ gì mà báo, đài, các YouTuber đưa tin về tết ông cũng biết.

Nhờ các phương tiện số nhiều gia đình có thể thường xuyên nhìn thấy nhau, trò chuyện với nhau. Ảnh minh họa: TIRACHARDZ/FREEPIK

Nhờ các phương tiện số nhiều gia đình có thể thường xuyên nhìn thấy nhau, trò chuyện với nhau. Ảnh minh họa: TIRACHARDZ/FREEPIK

Có hôm mở máy tính xem YouTube, bố tôi gật gù rằng tết ở VN ngày càng nhộn nhịp, mới lạ. Bởi lẽ VN bây giờ phát triển gấp trăm lần so với những ngày ông bắt đầu vác chiếc va li có vài bộ quần áo cũ ra sân bay với tuổi đời còn xanh, mái đầu chưa điểm bạc. Bây giờ người ta không chỉ ăn tết, mà còn chơi tết, thưởng thức tết, tận hưởng tết bằng những cách riêng, niềm riêng; không còn nghĩ nhiều về chuyện no ấm, mà đã tính đến việc giải khuây, làm đẹp với trăm ngàn hoạt động khác nhau. Nhà thì tổ chức du lịch (trong nước lẫn nước ngoài), người thì kể chuyện hội hè, nơi thì bài trí tiệc tùng, chỗ thì đi làm từ thiện…

Ngày còn bé, tôi chỉ nghe về tết qua lời bố kể từ tuổi thơ của ông sống ở VN. Đó là dịp người đi làm ăn xa quay trở về đoàn tụ với gia đình; là dịp những đứa bé như tôi khi đó được mua quần áo mới; là “ngày 30 tết thịt treo trong nhà”; là lì xì, chúc tụng nhau năm mới… Tết thuở xưa, bố mẹ tôi dù ở Đức cũng làm mâm cơm cúng tổ tiên rồi ngồi ngẫm nghĩ xem ở Hải Phòng, bà nội và các chú, các cô, các anh chị em họ của tôi đang làm gì. Ở xa, có khi biền biệt mấy năm trời bố tôi mới nhận được tin tức của gia đình.

NAY TẾT ĐÃ GẦN HƠN

Tết cũng như bố tôi, cũng từng trải qua những ngày đói ăn, thiếu mặc và cô đơn, rồi cũng dần sung túc, hạnh phúc và ấm áp. Có điều tết không ngày một già đi như bố tôi mà trái lại tết ngày càng trẻ trung, sôi động hơn trước. Tết bây giờ có Internet, mạng xã hội và smartphone (điện thoại thông minh). Cả nhà quây quần bên chiếc điện thoại vào giờ giao thừa ở VN (tức là chiều tối theo giờ Đức) để gọi về cho bà nội và người thân; cũng chúc tụng, trò chuyện và có cả… lì xì online. Những bữa cơm gia đình cũng thường được livestream hay gọi trực tuyến để nhà tôi cảm nhận được không khí của những ngày tết ở quê nhà.

Cả nhà quây quần bên chiếc điện thoại vào giờ giao thừa để gọi cho người thân; cũng chúc tụng, trò chuyện và có cả… lì xì online. Ảnh minh họa: TAAN HUYN/ UNSPLASH

Cả nhà quây quần bên chiếc điện thoại vào giờ giao thừa để gọi cho người thân; cũng chúc tụng, trò chuyện và có cả… lì xì online. Ảnh minh họa: TAAN HUYN/ UNSPLASH

Ở Đức, nhiều gia đình cũng giống nhà tôi, bắt đầu quen dần với việc “ăn tết online”. Sự ra đời của các phương tiện truyền thông siêu kết nối đã kéo những cảm xúc, sự nô nức và những hình ảnh, âm thanh, hương vị… ngày tết ở VN trở nên gần gũi hơn với những gia đình có hai quê hương VN và Đức như chúng tôi. Bố tôi biết mở YouTube, truyền hình trực tuyến trên Internet để xem tết năm nay ở VN thế nào, có gì mới, có gì hay - độc - lạ hoặc xem các bộ phim, chương trình truyền hình thực tế, Táo quân mùa tết để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Mấy chục năm qua, tôi biết ông là người mạnh mẽ và cũng đã quen với việc ăn tết xa quê. Thế nhưng càng lớn tuổi thì sự hoài niệm về tết càng mãnh liệt hơn. À, chính xác hơn là hoài niệm về gia đình, về bà nội nay đã ngoài 80 tuổi, về các em của bố nay đã đến tuổi làm sui nhưng mấy chục năm qua chỉ gặp bố tôi dăm bảy lần. Vậy nên được “chạm tay” vào tết từ bên này đại dương giúp ông thấy nguôi nguây hơn và ở đâu đó - tôi cảm giác - ông thấy lòng bớt day dứt hơn đôi chút - nỗi day dứt của người con xa quê hương, xa gia đình đã theo ông ngần ấy năm trời.

Đọc thêm