Thèm… đánh rơi điện thoại xuống sông

Thèm… đánh rơi điện thoại xuống sông

(PLO)- Internet, trí tuệ nhân tạo, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh thật sự là những cuộc cách mạng cho loài người. Thế nhưng…

Trong bộ phim Cuộc đời bí mật của Walter Mitty (The Secret Life of Walter Mitty) có một chi tiết mà tôi rất thích. Đó là cuộn phim Kodak đen trắng được nhân vật nhiếp ảnh gia Sean O’Connell gửi về tòa soạn tạp chí Life của anh chàng Walter Mitty. Cuộn phim chứa những tấm ảnh được Sean chụp lại trong suốt hành trình đi khắp thế giới của mình. Trong thời đại chuyển đổi số, nhân vật Sean trở thành một trong những phóng viên hiếm hoi vẫn kiên trì với máy ảnh phim.

TỪ CÔNG VIỆC THẦN TỐC KHÔNG TƯỞNG

Giống như nhân vật Sean, tôi làm công việc chụp ảnh tự do, chủ yếu là thực hiện dự án ảnh tư liệu cho các chương trình phát triển và ảnh phóng sự cho các cơ quan báo chí. Thỉnh thoảng tôi cũng chụp ảnh các giải thể thao trong và ngoài nước, thường là các giải triathlon (ba môn phối hợp) hay marathon.

Ở một giải triathlon gần đây tại Malaysia, khoảng 1.000 vận động viên tham gia. Sau 17 giờ đồng hồ, tôi cùng bảy đồng nghiệp khác chụp được trên dưới 60.000 tấm ảnh, một con số khổng lồ. Chúng tôi mất hơn một giờ để tập hợp toàn bộ hình ảnh. Sau đó, nhờ AI (trí tuệ nhân tạo) mà 60.000 bức ảnh được xử lý để loại bỏ những ảnh không đạt yêu cầu. Bước tiếp theo, thuật toán từ máy chủ bên Đức sẽ chỉnh sửa đồng loạt số ảnh còn lại để chỉ tối đa 24 giờ sau khi sự kiện kết thúc, bất kỳ ai trong 1.000 vận động viên cũng đều dễ dàng tìm thấy ảnh thi đấu của mình. Tốc độ xử lý khối lượng công việc khổng lồ này so với chỉ hơn 10 năm trước thôi là không tưởng. Nếu Sean O’Connell có thật và nhìn thấy kết quả chúng tôi làm, hẳn ông cũng sẽ ngỡ ngàng.

Tác giả Phạm Vũ Hoàng Giang

Tác giả Phạm Vũ Hoàng Giang

Những nhiếp ảnh gia như chúng tôi vẫn còn làm việc, di chuyển và cập nhật tin tức liên tục giống Sean. Nhưng có lẽ không còn ai gửi phim đen trắng như Sean nữa. Thay vì gửi những cuộn phim qua đường bưu điện, tất cả những gì tôi cần làm là chép các tấm ảnh vào máy tính, xử lý và gửi về biên tập viên qua email, qua dịch vụ lưu trữ đám mây hay đơn giản là qua ứng dụng chat như Zalo hay Whatsapp... Hình ảnh bây giờ được truyền đến bàn làm việc cách người chụp cả trăm ngàn cây số chỉ trong vài giây, thay vì những cuộn phim nhựa theo đường giao thông mất rất nhiều ngày tháng. Nhớ vòng loại World Cup 2022, với sự hỗ trợ của thiết bị phát WiFi và chiếc laptop, tôi đã có thể gửi hình ảnh tuyển thủ Văn Đức ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Trung Quốc sau khi anh ghi bàn chỉ vài phút. Ở những sự kiện lớn, khoảng thời gian này còn ngắn hơn rất nhiều, thậm chí chỉ vài giây!

Hình ảnh bây giờ được truyền đến bàn làm việc cách người chụp cả trăm ngàn cây số chỉ trong vài giây, thay vì những cuộn phim nhựa theo đường giao thông mất rất nhiều ngày tháng.

Ngẫm lại mới thấy chỉ hơn hai thập niên, Internet và công nghệ đã thay đổi cách những phóng viên ảnh làm việc. Đề tài hay nội dung công việc không còn nằm trong phòng họp giao ban nữa mà chỉ cần email, vài cuộc điện thoại, vài dòng chat hoặc một cuộc gọi trong vài phút. Trước khi đến địa bàn, tôi chỉ cần thêm vài phút tra Google là có thông tin địa điểm, nhân vật, sự kiện để chuẩn bị nội dung. Sau đó, tôi và người biên tập cùng làm việc trực tiếp qua bài viết trên “đám mây”. Sau vài giờ, câu chuyện đã sẵn sàng để xuất bản, có chữ, có ảnh, có video, thậm chí có hiệu ứng đồ họa khác. Đó thật sự là một cuộc cách mạng!

Internet đã thay đổi cách làm việc một cách mạnh mẽ. Ảnh: GIANG PHẠM

Internet đã thay đổi cách làm việc một cách mạnh mẽ. Ảnh: GIANG PHẠM

CHUYỆN GÌ CHƯA BIẾT, CỨ HỎI GOOGLE

Vì di chuyển nhiều cho công việc, tôi cũng được đi chơi nhiều hơn. Đã có một thời, trước bất kỳ chuyến đi nước ngoài nào tôi đều mua cho mình một cuốn Lonely planet, cẩm nang du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới, nơi có thể cung cấp những chỉ dẫn cần thiết khi đặt chân đến bất kỳ vùng đất nào. Nhưng nhiều năm nay, tôi không còn thói quen mua những cuốn sách ấy nữa.

Thay vào đó, tôi đặt vé máy bay và khách sạn qua app trên điện thoại. Tôi chỉ cần đọc “review” (đánh giá) của những người đi trước trên Google Maps (bản đồ Google) là biết chỗ nào ăn ngon, kiểm tra Instagram để biết những điểm “check in” nhằm có một bức ảnh đẹp cho người ta biết mình đã đến đây, hay chỉ cần vào vài nhóm trên Facebook là có tất tần tật kinh nghiệm du lịch từ A đến Z.

Thậm chí, nếu vốn tiếng Anh chưa đủ thì đã có các app dịch thuật. Mình nói tiếng Việt vào điện thoại, máy nghe và dịch nội dung ra tiếng bản địa, thế là xong! Chuyện du lịch bây giờ thật đơn giản, chỉ cần chiếc smartphone gắn SIM data là đủ. Chuyện gì tôi chưa biết, hãy cứ hỏi Google bởi tất cả đều nằm ở đấy?! Ở thời đại số, mọi thứ dường như quá tiện lợi và nhanh chóng. Thế nhưng có đôi khi, chúng ta cũng dễ dàng bỏ lỡ điều gì đó trên hành trình.

Du lịch với sự xuất hiện của smart phone đã trở nên thuận tiện hơn.

Du lịch với sự xuất hiện của smart phone đã trở nên thuận tiện hơn.

NHANH QUÁ CÓ KHI… LỠ NHỊP!

Nhìn lại hàng trăm chuyến đi của mình, tôi nhận ra mình thích nhất lại là những khi được có một ai đó là “thổ địa” ở địa phương đồng hành, được tiếp xúc với cuộc sống bản địa một cách tự nhiên, được có vài người bạn mới, nhiều kỷ niệm đẹp và hơn tất cả là cảm giác mình thật sự “hiểu” nơi mình đang đi.

Như vài năm trước ở Madrid (Tây Ban Nha), một người bạn dẫn tôi đi ăn tối tại một quán bia nhỏ. Giá mỗi ly bia là 3 euro (gần 80.000 đồng), kèm với một đĩa tapas (tức là “đồ nhắm”, thường là bánh mì có thịt nguội, ôliu hoặc bánh khoai tây). Đĩa tapas thì miễn phí, một điều mà những quán rượu dành cho khách du lịch chưa bao giờ có. Bạn tôi giải thích rằng “bia kèm tapas” là truyền thống ở Madrid nhưng giờ đây chỉ còn những quán nhỏ cho người dân địa phương mới phục vụ.

Lạc vào một quán cà phê nhỏ chỉ toàn người dân địa phương ở Genova (Ý). Ảnh: GIANG PHẠM

Lạc vào một quán cà phê nhỏ chỉ toàn người dân địa phương ở Genova (Ý). Ảnh: GIANG PHẠM

Một lần khác ở Genova (Ý), tôi và bạn mình đi lạc vào một quán cà phê nhỏ chỉ toàn người dân địa phương. Họ gọi một ly espresso và uống trong vài phút, tán gẫu vài câu với ông chủ rồi lại vội vã đi ra. Vài người thì đọc vội tờ báo xong cũng đi làm. Thì ra người Ý uống cà phê là như thế! Nhờ vốn tiếng Ý của bạn mình mà chúng tôi và chủ quán có một cuộc nói chuyện vui vẻ về cà phê, được ông chủ mời vài ly espresso do ông nghiên cứu và… chúng tôi quên luôn mọi kế hoạch vào sáng hôm đó.

Nhớ nhất là lần ở Chiang Mai (Thái Lan) vài năm trước, tôi làm rớt điện thoại xuống sông. Những tưởng tôi sẽ bế tắc vì trong tay không có Internet nhưng mọi thứ sau đó được thay thế bằng cái bản đồ rẻ tiền mua ở tiệm sách, vài câu tiếng Thái hỏi đường học từ chủ khách sạn, những cánh tay ra dấu liên hồi khi giao tiếp và thật nhiều thời gian để quan sát xung quanh. Thay vì “check in” chuyến đi của mình trên mạng xã hội, tôi có nhiều thời gian hơn để ngắm cảnh, trò chuyện với những người Thái tôi gặp và tò mò về mọi thứ mình thấy dọc đường.

Việc đánh rơi chiếc điện thoại xuống sông và tạm quên đi mạng xã hội để có thể “sống trong khoảnh khắc” mà mình yêu thích như Sean nói thì rất đáng suy nghĩ, thậm chí đôi khi tôi còn… thèm ấy chứ!

Chiếc smartphone giờ đây là hành trang không thể thiếu trong những chuyến du lịch. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi có phải vì thế nó đang ngày càng chi phối cách người ta đi du lịch hay không? Khi mọi thông tin hướng dẫn đều dễ dàng tìm thấy và mọi thói quen du lịch đều xuất phát từ việc tìm điểm check in trên mạng xã hội, phải chăng trải nghiệm du lịch của con người đang ngày càng giống nhau trong thời đại số?

Đến đây thì tôi lại nhớ một câu nói của Sean O’Connell với Walter Mitty trong phim: “Cá nhân mà nói, nếu tôi thích một khoảnh khắc nào đó thì tôi không thích cái máy ảnh làm tôi bị phân tâm. Tôi chỉ muốn sống trong khoảnh khắc ấy”. Còn với tôi, việc đánh rơi chiếc điện thoại xuống sông và tạm quên đi mạng xã hội để có thể “sống trong khoảnh khắc” mà mình yêu thích như Sean nói thì rất đáng suy nghĩ, thậm chí đôi khi tôi còn… thèm ấy chứ!

Đọc thêm