Ngày 6-12, tổ đại biểu quốc hội (ĐBQH) đơn vị 2 gồm ĐB Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH và ĐB Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh và quận 3, sau kỳ họp thứ 8 QH khóa XV.
Cần lộ trình để tinh gọn bộ máy
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận Bình Thạnh và quận 3 bày tỏ quan tâm đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18/2017.
Cử tri Nguyễn Đình Cường (phường 25, quận Bình Thạnh) hoan nghênh chủ trương cải tổ bộ máy của Trung ương nhưng ông cho rằng việc cải cách cần phải có lộ trình rõ ràng, thời gian hợp lý...
Ông cũng cho rằng các cơ quan liên quan đến việc sắp xếp cần xây dựng quy chế làm việc cụ thể và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với nhau. “Để việc cải tổ đạt hiệu quả, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch chi tiết và thực hiện theo đúng lộ trình"- Cử tri Cường nói.
Cử tri Lâm Ngọc Mạnh (phường 12, quận 3) cho rằng việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là thời cơ “có một không hai”, hợp lý, đúng, trúng và phù hợp xu thế phát triển của đất nước.
Ông Mạnh mong Trung ương và các tỉnh, thành không để lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy; công khai, minh bạch các quy định, nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí và hình thức thực hiện.
Ông cũng đề nghị cân nhắc đến chức năng của Bộ LĐ-TB&XH vì có thực hiện chức năng liên quan đến con người, chế độ chính sách...
Trao đổi về nội dung này, ĐB Trần Kim Yến nhìn nhận việc tinh gọn bộ máy không chỉ được cán bộ, công chức mà rất nhiều người dân quan tâm.
“Nhiều ý kiến cho rằng việc sắp xếp theo Nghị quyết 18 là gấp quá, sớm quá, nhanh quá nhưng như Bí thư Thành ủy TP.HCM nói 'sớm thì có sớm nhưng nhanh thì không'” – ĐB Yến nói và cho biết Nghị quyết 18 được ban hành từ năm 2017, đến nay đã được các cơ quan xây dựng lộ trình thực hiện, gồm giai đoạn 2018-2021, 2021-2025 và 2025-2030. Ngay cả việc sắp xếp 80 phường tại TP.HCM cũng chính là thực hiện Nghị quyết này.
Đối với việc sắp xếp Bộ LĐ-TB&XH, ĐB Trần Kim Yến cho biết Trung ương sắp xếp lại trên tinh thần một cơ quan, một cán bộ phải giải quyết nhiều việc và một việc do một cơ quan, một cán bộ chủ trì, chịu trách nhiệm chính.
“Nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH hay Sở LĐ-TB&XH tại TP.HCM cũng sẽ không biến mất đi mà được sắp xếp lại, cơ quan chủ quản là tên khác, được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”- ĐB Yến khẳng định.
Không cần điều chỉnh giấy tờ khi sáp nhập phường
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 3 cũng lo lắng về vấn đề thay đổi thủ tục khi sắp xếp 80 phường tại TP.HCM.
Cử tri Hoàng Thị Kim Tiên (phường 9) lo lắng việc thay đổi địa giới hành chính gây xáo trộn đời sống hàng ngày, đặc biệt phải cập nhật giấy tờ tùy thân, chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ pháp lý khác. “Tôi mong các đại biểu sớm có ý kiến để ban, ngành hướng dẫn thực hiện thủ tục sau khi sáp nhập phường”- cử tri Tiên nói.
Trao đổi với cử tri về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, người dân TP.HCM sẽ không phải điều chỉnh giấy tờ hiện có, trừ khi có nhu cầu quan trọng như chuyển nhượng nhà đất, làm thủ tục giấy tờ mới.
“Trong trường hợp này, các phường, quận sẽ có trách nhiệm hỗ trợ việc chuyển đổi giấy tờ. Nếu liên quan đến các thủ tục cấp TP thì các sở, ngành cũng sẽ phối hợp để thực hiện” – ông Kiên nói.
ĐB Đỗ Đức Hiển cũng khẳng định: “Trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không bắt buộc người dân phải đổi giấy tờ nếu chưa hết hạn, trừ trường hợp người dân có nhu cầu thay đổi và khi thay đổi thì không mất phí”.
Mong Trung ương 'xắn tay' cùng TP.HCM thực hiện
Liên quan đến dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng mà cử tri quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết đây là một trong những công trình được lãnh đạo TP rất quan tâm giải quyết.
Theo ông Kiên, Bộ KH&ĐT đã xác định đây là dự án thuộc thẩm quyền của TP.HCM nhưng việc thanh toán gặp nhiều khó khăn, cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Ông cho biết sau khi UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng giao Phó Thủ tướng phụ trách. Đây cũng là công trình được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến khi phát biểu về vấn đề chống lãng phí.
“TP tin rằng với chỉ đạo của Tổng Bí thư thì các bộ, ngành Trung ương sẽ xắn tay cùng TP giải quyết việc này” – ông Kiên nói và cho biết TP đã sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đợi hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, bộ, ngành.