Khánh Hòa: Hàng trăm ngư dân được tuyên truyền chống khai thác IUU ngay trên biển

(PLO)- Không chỉ thực hiện việc chống khai thác IUU trên đất liền, ở Khánh Hòa, hàng trăm ngư dân còn được tuyên truyền ngay trên ngư trường khai thác.

0:00 / 0:00
0:00

Ngày 31-3, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian qua Sở cùng với chính quyền các địa phương, Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, chợ cá Nam Trung Bộ, Bộ đội biên phòng, Hải quân đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo IUU Khánh Hòa, đến hết tháng 2-2024, các số liệu về tàu cá đã được cập nhật đầy đủ trên phần mềm Vnfishbase và hồ sơ được lưu trữ tại Chi cục Thủy sản đảm bảo tính minh bạch và chính xác.

Tuyên truyền ngay trên ngư trường Trường Sa

Sáng 29-3, trên đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chủ trì tổ chức, phối hợp với Đồn Biên Phòng 394, Biên phòng tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Âu tàu Trường Sa, Hải đoàn 129 tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho 86 tàu cá và 345 ngư dân khi vào neo đậu tại Âu tàu đảo Trường Sa.

Theo chỉ huy Vùng 4 Hải quân, thời gian qua công việc trên thường xuyên được thực hiện nhằm góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu - EC đối với Việt Nam.

2.jpg
345 ngư dân được tuyên truyền chống khai thác IUU trên đảo Trường Sa. Ảnh: ĐÌNH DIỆN

Tại buổi tuyên truyền, Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, đã thông tin đến nhân dân trên đảo và ngư dân những nội dung cơ bản về tình hình biển, đảo trong thời gian gần đây, đặc biệt là tình hình khai thác thủy sản bất hợp pháp của ngư dân Việt Nam trong thời gian qua.

Đồng thời, giải đáp các thắc mắc của ngư dân về thực hiện quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chi phí nhiên liệu khi ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ.

Theo Trung tá Trần Quang Phú, tại buổi tuyên truyền, các đơn vị đã phát hơn 550 tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt thủy, hải sản an toàn, bền vững trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tặng 100 lá cờ Tổ quốc, 50 áo phao cho ngư dân.

“Các hoạt động tuyên truyền giúp cho nhân dân trên đảo và ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân về khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt nam, vùng biển quốc tế và nước ngoài”, Trung tá Trần Quang Phú nói.

Ngư dân ủng hộ chống khai thác IUU

Đang chuẩn bị cho chuyến biển câu khơi cả tháng trời ở ngư trường Trường Sa, ông Phạm Văn Quang, thuyền trưởng tàu KH 95258-TS, cho biết đã làm đầy đủ thủ tục với ban quản lý cảng và biên phòng. “Trước và sau mỗi chuyến đi tôi luôn thực hiện nghiêm chỉnh việc khai báo, có nhật ký khai thác, máy giám sát hành trình đầy đủ” ông Quang nói.

Theo ngư dân này, ngoài tuyệt đối chấp hành không đánh bắt sang vùng biển nước ngoài, hàng ngày thuyền trưởng tàu đều phải ghi sổ nhật ký khai thác cẩn thận, chính xác từng loài cá với sản lượng được khai thác ở vùng biển cụ thể được ngư dân khai báo rõ ràng.

khai-thac.jpg
Chỉ huy đảo Trường Sa, Âu tàu Trường Sa tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho ngư dân vào neo đậu tại Âu tàu Trường Sa. Ảnh: ĐÌNH DIỆN

Còn ông Trần Quốc Hoàn, chủ tàu KH 99234, cho biết, theo quy trình kiểm tra trước khi tàu thuyền cập cảng một giờ, chủ phương tiện, thuyền trưởng thông báo lực lượng trực tại cảng nắm rõ thời gian. Sau khi tàu thuyền vào cập cảng, chủ phương tiện trình nhật ký và sổ tàu thuyền để đơn vị kiểm tra và phối hợp với Chi cục Thủy sản xác nhận thông tin tàu thuyền cập cảng cùng sản lượng hàng hóa.

“Ngày trước còn bỡ ngỡ về các thủ tục nhưng giờ ngư dân đều quen với việc khai báo, đặc biệt là luôn ý thức được việc không đánh bắt bất hợp pháp”, ông Hoàn chia sẻ.

Công khai danh sách tàu cá

Theo Ban chỉ đạo IUU Khánh Hòa, qua rà soát đến tháng 2-024, toàn tỉnh có 124 tàu cá thường xuyên hoạt động ở ngoài tỉnh.

Trong đó, TP Nha Trang có 103 tàu thường xuyên hoạt động ở các tỉnh, như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn thị xã Ninh Hòa có 15 tàu thường xuyên hoạt động tại các tỉnh Bình Thuận, Kiên Giang; TP Cam Ranh có năm tàu thường xuyên hoạt động tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Phú Yên; huyện Vạn Ninh có một tàu thường xuyên hoạt động tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Ban chỉ đạo IUU Khánh Hòa, danh sách các tàu cá trên đã được các lực lượng chức năng gửi đến các tỉnh bạn để phối hợp trong trao đổi thông tin tình hình tàu cá nhằm quản lý hiệu quả đội tàu khai thác.

13_zing.webp
Khánh Hòa đang nỗ lực kiểm soát chặt khai thác IUU. Trong ảnh: Cảng cá Hòn Rớ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, cho biết thời gian qua ý thức của bà con ngư dân đã được thể hiện rõ ràng thông qua việc hình thành thói quen đi khai, về trình báo. Đặc biệt, ngư dân tại Cảng đã nhận thức được các quy định của Luật Thủy Sản 2017.

Ngoài ra, để ngăn chặn hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có hiệu quả, tỉnh Khánh Hòa làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU.

Ban quản lý Hòn Rớ đã phối hợp với Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Bộ đội Biên phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, cùng với các tỉnh, thành ven biển trong cả nước, Khánh Hòa đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và các hành vi khai thác bất hợp pháp khác, hướng đến mục tiêu gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

“Chính quyền chỉ là điều kiện cần, cái chính yếu để giải quyết dứt điểm khai thác bất hợp pháp vẫn ở chính ngư dân”, ông Quang nói.

Có thể bạn quan tâm