GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đoàn kết, tự tin để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới

79 NĂM QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÓA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2-9-1945 – 2-9-2024)

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đoàn kết, tự tin để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới

(PLO)- Tự tin vào sức mạnh, tự tin vào tương lai và tự tin vào khả năng của mình thì dân tộc ấy mới có thể vươn tới đỉnh cao của tương lai.

“Giới nghiên cứu có một nhận xét khá giống nhau, rằng Việt Nam là một dân tộc đặc biệt, có một không hai trong lịch sử nhân loại” - GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, mở đầu cuộc trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM về tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vươn lên trong xây dựng, phát triển của đất nước.

Theo ông trong lịch sử, Việt Nam đã phải đương đầu với những đế quốc, những thế lực được coi là hùng mạnh nhất thế giới. Chúng ta cũng vượt qua tất cả. Dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất và không kẻ thù nào có thể khuất phục.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong.jpg
Lòng tin Nhân dân là tài sản vô giá của dân tộc và của các nhà lãnh đạo, giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (1-2-2018). Ảnh: TTXVN

Tự tin để bước vào tương lai

. Phóng viên: Một câu hỏi đặt ra, nhất là đối với giới trẻ hiện nay là một dân tộc oai hùng như thế, kiên cường như thế liệu có sánh vai được với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

+ GS.TSKH Vũ Minh Giang Trong lịch sử, chúng ta đã từng là cường quốc. Ví dụ như thế kỷ thứ XV, các nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam là một cường quốc mạnh nhất khu vực… Còn bây giờ, sau một thời kỳ vượt qua những khó khăn thời hậu chiến, rồi tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã có một cơ đồ. Chúng ta bắt đầu có một vị thế quốc tế chưa từng có trong lịch sử, bắt đầu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của thế giới vốn được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an của Liên Hợp quốc…

Thế nhưng có những thang bậc, có những cách xếp hạng, chúng ta mới là nước trung bình khá. Vậy làm sao vươn lên? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho cả dân tộc Việt Nam mà trước hết là những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước.

Chủ đề Đại hội XIII nêu ra cụm từ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”. Và cho đến gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi nhận nhiệm vụ đã nhắc tới những giải pháp để chúng ta khơi dậy khát vọng đó.

Nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những cơ hội, song cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, tối 29-8)

. Họp báo sau khi được Trung ương giao trọng trách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh 5 tựtự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Từ cảm nhận thời cuộc, ông thấy thế nào?

+ Tôi cho rằng điều chúng ta đang rất cần là hai chữ “tự tin”. Tự tin vào sức mạnh của dân tộc mình, tự tin vào tương lai của mình và tự tin vào khả năng của mình. Một dân tộc phải tin vào tương lai của mình, dân tộc ấy mới có thể vươn tới đỉnh cao của tương lai.

Vậy từ hai chữ “tự tin” ấy, chúng ta cần phải làm gì? Rõ ràng, chúng ta phải trở thành một đất nước có nền kinh tế, có đời sống xếp vào hàng quốc gia phát triển. Chẳng hạn, thế giới có tổ chức OECD của những nước phát triển thì chúng ta phải hướng tới trở thành thành viên những tổ chức như thế.

Tất nhiên chúng ta chỉ có thể hiện thực khát vọng của mình nếu khai thác tất cả những gì người Việt Nam mình có trở thành lợi thế cạnh tranh.

gs-tskh-vu-minh-giang-doan-ket-tu-tin-nhan-to-quyet-dinh-de-viet-nam-cat-canh.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân trao đổi với các đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Chương trình kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tối ngày 29-8. Ảnh: TTXVN

.Vậy theo ông điểm mạnh của Việt Nam là gì?

+ Tôi nghĩ rằng câu chuyện sâu xa chính là sức mạnh văn hóa. Văn hóa ở đây được hiểu là hồn cốt của dân tộc, là sức mạnh tảng nền của dân tộc.

Chúng ta không thể bắt chước mà phải học tất cả từ thiên hạ nhưng rồi làm theo cách của mình thì mới thành công.

Văn hóa còn là cách chúng ta ngoại giao với các quốc gia, cái gốc phải chắc, nguyên tắc phải vững vàng và hành động mềm dẻo…

Từ văn hóa, chúng ta phải tìm ra thế mạnh của mình. Đó là đồng tâm, nhất trí, là đoàn kết toàn dân. Như thế, với lòng “tự tin”, lúc này chúng ta cần gia cố ngày càng mạnh mẽ hơn, vững bền hơn hai chữ “đoàn kết”. Đoàn kết từ lãnh đạo đến đoàn kết toàn dân. Đoàn kết thì chúng ta mới phát huy được nguồn tài nguyên quý giá của dân tộc, đó là tài năng, nhân tài.

GS-TSKH-Vu-Minh-Giang.png
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Lòng tin của Nhân dân là tài sản vô giá

. Ở thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo này, không thể không nhắc tới di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Di sản ấy nằm ở đâu trong nhiệm vụ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” mà Đại hội XIII đã đặt ra?

+ Gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã phát triển lớn mạnh nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những biểu hiện mặt trái, những hạn chế trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một bộ phận mà đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng, tác động tiêu cực đến lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có ngoại lệ, không có vùng cấm là vì điều đó. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, thành công lớn nhất không chỉ là việc chúng ta truy thu được bao nhiêu, loại trừ được những "con sâu" nào, mà là lấy lại được lòng tin, củng cố được lòng tin của Nhân dân.

Nay chúng ta có một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là người đóng vai trò rất tích cực trong sự nghiệp ấy thì rõ ràng lòng tin của người dân càng tăng lên.

Trong bối cảnh này, lòng tin Nhân dân là tài sản vô giá của dân tộc mình và của các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo phải thể hiện được quyết tâm tiếp tục công cuộc làm trong sạch bộ máy nhưng thêm vào đó, cũng cần phải có những thành tựu phát triển kinh tế cụ thể, vừa để đất nước phát triển hùng cường, vừa để người dân tăng cường hơn nữa lòng tin của mình.

tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-hoan-thien-tong-ket-40-nam-doi-moi-de-trinh-bo-chinh-tri-va-trung-uong-10-1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam, ngày 22-8. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

. Thời điểm này, chúng ta đang tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới. Sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI và đến thời điểm này, chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu rất lớn như ông vừa nêu. Ông đánh giá thời giai đoạn này khác gì thời điểm ở giai đoạn như 1986?

+ Có thể ví một hình ảnh thế này, ở thời điểm trước năm 1986, chúng ta tạm coi như rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt lên trên chính mình, đổi mới về mặt tư duy, vượt qua những trói buộc trong chính tư duy của mình.

Còn bây giờ, nói một cách hình ảnh thì chúng ta đã đạt được những thành tựu của công cuộc đổi mới ấy. Đã xây được đường băng, đã mua được máy bay, đào tạo được phi công và đến thời kỳ cất cánh. Nhưng giai đoạn cất cánh đòi hỏi những yêu cầu cao hơn rất nhiều.

Giờ không còn là câu chuyện tự đổi mới, tự lột xác nữa mà chúng ta phải nhìn ra bên ngoài để “bay” như thế nào.

Thời kỳ cất cánh tức là không còn đơn giản như thời kỳ giải quyết những khủng hoảng trên mặt đất nữa. Phải nhận thức được những hạn chế của chính mình. Đây là thời kỳ của tự điều chỉnh, liên tục đổi mới, với ba chữ R trong tiếng Anh.

Phải luôn luôn “Review”, tức luôn lật đi lật lại, nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng tất cả. Phải có một trí tuệ để phân tích, nghiên cứu, tức là “Research”. Phải “Reform”, cải cách hiện nay không phải là một cuộc mà diễn ra liên tục, trong từng lĩnh vực cụ thể.

Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta rất cần những quyết định mang tầm trí tuệ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đoàn kết, tự tin để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài vào ngày 23-8. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Cơ hội là một dạng tài nguyên

. Dường như ông rất quan tâm tới tài nguyên con người và cũng kỳ vọng về những quyết định mang tầm trí tuệ của các nhà lãnh đạo. Vậy theo ông, mấu chốt ở đây là gì?

Đại hội XIII yêu cầu chuyển nhanh, chuyển mạnh tư duy quản trị quốc gia. Đây là điều rất mới. Trước đây, chúng ta chỉ nhấn mạnh “quản lý nhà nước”.

Quản lý tức là chỉ xoay quanh một chữ “đúng”: Có đúng với luật không, có đúng với quy định không? Mới nghe thì thấy rất chuẩn nhưng thực tế chưa chắc phát huy một cách tối ưu nhất mọi nguồn lực quốc gia.

Và phải chuyển sang tư duy “quản trị quốc gia” thì mới tận dụng được tài nguyên quốc gia. Người ta nói nhiều đến tài nguyên có khả năng tái tạo. Còn phi tái tạo như dầu khí, than đá… đã dần cạn kiệt rồi.

Khả năng tái tạo được tài nguyên trước hết chính là cơ hội. Ở một vị trí địa chính trị rất đặc biệt, cơ hội đến rất nhiều nhưng mình bỏ đi thì lãng phí, mà lãng phí ở đây chính là lãng phí tài nguyên.

Chúng ta phải huy động nguồn lực con người - những người tài năng mới, chớp được thời cơ và cũng đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng chiến lược nhân tài.

. Xin cảm ơn ông.

Mỗi khúc quanh, mỗi một khó khăn vượt qua được là bước phát triển nhảy vọt

Những người bạn nước ngoài của tôi, hầu hết đều có cái nhìn lạc quan đối với tương lai của Việt Nam, trên ba phương diện.

Thứ nhất, Việt Nam là một dân tộc có truyền thống văn hiến, có khả năng học tập, vươn lên. Đó chính là nhân tố quyết định.

Thứ hai, chúng ta là đất nước có địa - chiến lược rất đặc biệt, không phải nước nào cũng có. Điều này khiến thời cơ, cơ hội xuất hiện rất nhiều.

Thứ ba, nhìn vào lịch sử phát triển của Việt Nam, họ tin tưởng rằng mỗi một khúc quanh, mỗi một khó khăn mà người Việt Nam vượt qua được thì bao giờ sau đó cũng là bước phát triển nhảy vọt. Sau Bắc thuộc, chúng ta có văn minh Đại Việt. Sau kháng chiến chống Nguyên- Mông, chúng ta có một triều Trần- Lê hùng mạnh như một cường quốc khu vực. Sau Đổi mới, Việt Nam trở thành một đất nước gây ấn tượng mạnh với thế giới.

Và bây giờ chính là lúc người ta nghĩ rằng tương lai đang rất “sáng” đối với Việt Nam. Tất nhiên, họ cũng nói tới việc chúng ta phải làm sao có những giải pháp căn cơ để những cơ hội không bị mất đi, không bị bỏ phí.

Ngoài ra, chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến những nhân tài, bởi vì tinh hoa của nguồn lực con người là những tài năng. Rõ ràng, chúng ta cũng đang cố gắng nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn.

Cuối cùng, chúng ta đã quan hệ rất tốt với các nước, nhất là những nước lớn, nhưng phải lường trước tới đây còn phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, họ tin tưởng rằng lãnh đạo Việt Nam dày dạn kinh nghiệm chắc chắn có thể vượt qua được những thách thức nói trên.

GS.TSKH VŨ MINH GIANG

Đọc thêm