Hiến pháp 1946 trong dòng chảy 10 năm thi hành Hiến pháp 2013: Đặt lợi ích dân tộc trên hết, vì Nhân dân phụng sự

Hiến pháp 1946 trong dòng chảy 10 năm thi hành Hiến pháp 2013: Đặt lợi ích dân tộc trên hết, vì Nhân dân phụng sự

(PLO)- Nhà nước phải luôn luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lấy đó làm mục tiêu để cố gắng, để thể hiện và khẳng định.

Trong dịp Quốc khánh 2-9 này, những giá trị thời đại của Hiến pháp 1946 cần được ôn lại trong dòng chảy thành tựu 10 năm thi hành Hiến pháp 2013.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập Hiến pháp 2013 về vấn đề này.

GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập Hiến pháp 2013. Ảnh: PHI HÙNG

GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập Hiến pháp 2013. Ảnh: PHI HÙNG

77 năm một khát vọng

. Phóng viên: Chúng ta đang ở năm thứ 10 tổ chức thi hành Hiến pháp 2013. Trong dịp Quốc khánh 2-9 này, ông có liên tưởng gì về lịch sử lập hiến nước nhà?

+ GS Hoàng Thế Liên: Trong những ngày này, giới pháp lý có lẽ nghĩ nhiều về Bác Hồ, về Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946. Tuyên ngôn độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam (VN) mới của chúng ta, mà còn là áng văn thể hiện khát vọng mang giá trị thời đại của Nhân dân ta, dân tộc ta. Đó là khát vọng về quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong đất nước độc lập, dân tộc tự do và hòa bình.

Chỉ hơn một năm sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, ngày 9-11-1946, hiến pháp đầu tiên của nước VN Dân chủ Cộng hòa được ban hành, khẳng định mọi quyền bính trong đất nước đều thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ nhân của đất nước, dựng nên Nhà nước, trao quyền cho Nhà nước, giám sát hoạt động của Nhà nước.

Nhà nước theo Hiến pháp 1946 do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo xây dựng là công bộc của Nhân dân, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân, vì Nhân dân mà tận tụy phụng sự. Trong tổ chức và mọi hoạt động của mình, Nhà nước phải luôn luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lấy đó làm mục tiêu để cố gắng, để thể hiện và khẳng định sự chính danh của Nhà nước.

Một giá trị đặc biệt nữa không thể không nhớ tới là Hiến pháp 1946 đã khẳng định quyền lập hiến thuộc về Nhân dân. Hiến pháp dù đã được dự thảo dân chủ, được Quốc hội thông qua bằng thủ tục hiến định nhưng phải được Nhân dân phúc quyết mới có hiệu lực. Đấy là biểu hiện tập trung nhất tư tưởng về chủ quyền Nhân dân, về lấy dân làm gốc của Bác Hồ mà giới pháp lý nhớ đến với đầy ý nghĩa thiêng liêng.

Hiến pháp 1946 đặt quyền con người, quyền công dân là mục tiêu phục vụ của Nhà nước. Ảnh: TƯ LIỆU

Hiến pháp 1946 đặt quyền con người, quyền công dân là mục tiêu phục vụ của Nhà nước. Ảnh: TƯ LIỆU

. Đặt trong dòng chảy những giá trị hiến định ở nước ta thì Hiến pháp 1946 cần được nhìn nhận như thế nào?

+ Đây là một vấn đề khó. Tuy nhiên, theo tôi, điều có thể khẳng định được là Hiến pháp 1946 có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử lập hiến VN.

Trước hết, vì đó là hiến pháp đầu tiên của dân tộc VN, khởi nguồn, đặt nền móng cho các hiến pháp dân chủ ngày càng hoàn thiện sau này của nước ta.

Từ rất sớm, vào năm 1919, trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, Bác Hồ đã viết: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Trong tác phẩm Nhời hô hoán cùng Hội Vạn quốc, Bác Hồ của chúng ta cũng khẳng định: “Nếu được độc lập thì nước chúng tôi sắp xếp một nền hiến pháp theo những lý tưởng dân quyền”.

Và ngay sau khi giành được độc lập, dù trong muôn vàn khó khăn, Bác Hồ vẫn đặt ra cho Chính phủ mới nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng, ban hành Hiến pháp 1946.

Văn kiện chính trị pháp lý này thể hiện cô đọng và đầy đủ bản chất dân chủ Nhân dân của chế độ ta theo tư tưởng của Bác: “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra”.

Vậy nên Hiến pháp 1946 đặt quyền con người, quyền công dân là mục tiêu phục vụ của Nhà nước. Quyền lực nhà nước được tổ chức trên cơ sở phân công rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ giữa Nghị viện, Chính phủ và cơ quan tư pháp.

Trải qua những biến động của lịch sử, mỗi bản hiến pháp sau này dù nhằm tập trung giải quyết một số nhiệm vụ chiến lược đặt ra trong giai đoạn lịch sử nhất định nhưng những giá trị trường tồn của Hiến pháp 1946 vẫn là hồn cốt.

Mỗi bản Hiến pháp sau này dù nhằm tập trung giải quyết một số nhiệm vụ chiến lược đặt ra trong giai đoạn lịch sử nhất định nhưng những giá trị trường tồn của Hiến pháp 1946 vẫn là hồn cốt. Ảnh: TƯ LIỆU

Mỗi bản Hiến pháp sau này dù nhằm tập trung giải quyết một số nhiệm vụ chiến lược đặt ra trong giai đoạn lịch sử nhất định nhưng những giá trị trường tồn của Hiến pháp 1946 vẫn là hồn cốt. Ảnh: TƯ LIỆU

Hiến pháp 2013 trong lịch sử lập hiến nước nhà

. Đặt trong dòng chảy như vậy, Hiến pháp 2013 có thể được coi là kết quả của một cuộc cải cách hiến pháp?

+ Theo tôi, Hiến pháp 2013 là nấc thang cao về chất trong lịch sử lập hiến của nước ta, thể hiện sự kế thừa, đổi mới và phát triển nhằm kiên định thực hiện những giá trị mà Nhân dân ta, dân tộc ta đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đó là quy định đầy đủ hơn phương thức thực hiện quyền làm chủ, nhất là quyền dân chủ trực tiếp. Đề cao trách nhiệm của tất cả cơ quan nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đặt ra cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước vì dân chủ, quyền con người, quyền công dân. Yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, nền tư pháp bảo vệ công lý, tính tới cơ chế bảo vệ sự tôn nghiêm của hiến pháp...

Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, cho rằng Hiến pháp 2013 là nấc thang cao về chất trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. Ảnh: PHI HÙNG

Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, cho rằng Hiến pháp 2013 là nấc thang cao về chất trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. Ảnh: PHI HÙNG

. Vậy theo ông, 10 năm thi hành Hiến pháp 2013 đang mang lại những kết quả gì?

+ Đây là câu hỏi lớn. Với tư cách là nhà khoa học, bằng cảm nhận riêng của mình, tôi chỉ nêu vài kết quả.

Đó là trên những nhận thức mới, giá trị mới mà Hiến pháp 2013 mang lại, chúng ta đã tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; đặt quyền lực nhà nước trong giới hạn Nhân dân ủy quyền, hạn chế lộng quyền, lạm quyền; cụ thể hóa quyền dân chủ trực tiếp. Kết quả là chúng ta đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016…

Các đạo luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, tạo khuôn khổ rõ ràng, đầy đủ hơn để vận hành hiệu quả nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực. Bộ máy nhà nước tinh gọn, theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Với nhận thức thống nhất trong hiến pháp về giới hạn quyền lực nhà nước, pháp luật hiện hành không cho phép cơ quan nhà nước được tự đặt thêm quyền hạn cho chính mình. Người dân được trang bị đầy đủ hơn các công cụ pháp lý để thực hiện các quyền khiếu nại, khởi kiện cơ quan, quan chức nhà nước…

Các chuyển động thể chế ấy đang thu hẹp một cách đáng kể sự tùy tiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lực lượng chức năng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hôm 26-8. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lực lượng chức năng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hôm 26-8. Ảnh: TTXVN

Nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị

. 10 năm thi hành Hiến pháp 2013 cũng là giai đoạn mà Đảng dốc sức hoàn thiện hệ thống quy định của mình, theo hướng công khai, minh bạch hơn. Chẳng hạn, nhờ đó mà người dân được biết về khung tiêu chuẩn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... Nếu gọi đây là quá trình hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo thì có thể đặt ở đâu trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN?

+ Theo tôi, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân. Song song đó, với tư cách lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cũng liên tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo.

Điều 4 Hiến pháp 2013 nêu các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Và điều này thời gian qua, nhất là từ sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, đã thể hiện rất rõ. Hợp hiến là một trong những tiêu chí để rà soát, rà soát rất kỹ khi dự thảo các văn bản, quy định của Đảng.

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhất là Đảng đẩy mạnh công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng nên đặt trong dòng chảy đó. Đây là nhu cầu tự thân của Đảng, vừa để hóa giải nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, vừa để củng cố năng lực lãnh đạo công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg, tháng 12-2022. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại Công quốc Luxembourg, tháng 12-2022. Ảnh: VGP

. Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN. Nếu đặt trong dòng chảy hiến pháp thì Nghị quyết 27 của Đảng có gì làm sâu sắc hơn tư tưởng, tinh thần, giá trị của Hiến pháp 2013?

+ Hiến pháp ghi nhận vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tức là Đảng cũng phải lãnh đạo việc tổ chức, thi hành hiến pháp, trong đó có việc lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27 ngày 9-11-2022, đúng ngày Pháp luật VN, tròn 76 năm Quốc hội khóa I ban hành Hiến pháp 1946, chính là để lãnh đạo sự nghiệp lớn lao ấy.

Hiến pháp của chúng ta nêu rõ nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, cùng với đó là các nguyên tắc cơ bản của một nhà nước pháp quyền. Trong tinh thần ấy, Nghị quyết 27 đưa ra chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo tổ chức triển khai, đồng thời phát triển, làm sáng rõ hơn các giá trị của hiến pháp.

Những hành khách tham gia trải nghiệm chạy thử tuyến metro số 1. Ảnh: TRANG TIẾN
Những hành khách tham gia trải nghiệm chạy thử tuyến metro số 1. Ảnh: TRANG TIẾN

Ở tầm tư tưởng, Nghị quyết 27 nhấn mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền “là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Nghị quyết hệ thống hóa các quy định, tư tưởng, tinh thần của Hiến pháp 2013 để rồi lần đầu tiên chỉ ra đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN VN, lấy đấy là sợi chỉ đỏ cho công cuộc đổi mới hệ thống chính trị.

Nghị quyết 27 đưa ra năm quan điểm chỉ đạo, trong đó rất đáng chú ý là quan điểm “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”. Như thế là Đảng ta tư duy rất biện chứng, rất mở chứ không khép.

Toàn tuyến Metro 1, TP.HCM được chạy thử toàn tuyến hôm 29-8. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Toàn tuyến Metro 1, TP.HCM được chạy thử toàn tuyến hôm 29-8. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Vậy nên Nghị quyết 27 của Đảng cũng là một trong những kết quả quan trọng của 10 năm thi hành Hiến pháp 2013, mở ra định hướng mới cho việc tiếp tục hiện thực hóa những giá trị lập hiến VN.

Pháp luật không chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội

Với những nhận thức mới, giá trị mới của Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật nước ta được xây dựng và hoàn thiện theo hướng ngày càng tiếp cận đầy đủ hơn với yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền, thể hiện ở chỗ:

(i) Quy trình xây dựng và ban hành pháp luật bảo đảm ngày một dân chủ, công khai, gắn với đời sống xã hội hơn.

(ii) Nội dung pháp luật thể hiện đầy đủ hơn ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, bảo đảm giá trị công bằng, dân chủ và bình đẳng, không những vì mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền công dân, mà còn bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và an toàn pháp lý.

(iii) Tính minh bạch, khả thi, thống nhất, đồng bộ, ổn định, dễ tiên liệu và dễ tiếp cận của pháp luật ngày càng được nâng cao.

(iv) Pháp luật vì vậy không còn chỉ là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý xã hội, mà quan trọng hơn đang từng bước trở thành thiết chế để Nhân dân thể hiện và thực hiện quyền lực của mình, giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ông HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp

-----------

Quyền con người thể hiện trong các luật ban hành sau Hiến pháp 2013

Quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng là quá trình mà chính các cơ quan làm chính sách nhận thức lại và xây dựng nên những nhận thức mới về nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vậy nên ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, một chương trình lập pháp nhằm cụ thể hóa các giá trị, tư tưởng của bản hiến pháp mới đã được ban hành.

Bộ Tư pháp được giao chủ trì hoặc phối hợp với các bộ khác tham mưu giúp Chính phủ dự thảo nhiều luật quan trọng.

BLHS 2015 là một kết quả như vậy từ sửa đổi toàn diện BLHS 1999. Về mặt câu chữ, các điều khoản đều được chỉnh sửa thấm đẫm nguyên tắc suy đoán vô tội. Đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội - một quan điểm lớn từ Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp được cụ thể hóa trong BLHS.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính – Bộ Tư pháp.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính – Bộ Tư pháp.

Chẳng hạn, với BLHS 1999 thì gần như bất cứ ai bị tòa tuyên là có tội thì bị coi là có án tích. Điều kiện xóa án tích cũng rất ngặt nghèo, với thời hạn dài hơn, phải thi hành toàn bộ bản án. Đến BLHS 2015 thì giảm bớt điều kiện xóa án tích, điều kiện về thời hạn ngắn hơn và chỉ cần hoàn thành hình phạt chính. Như vậy, những người nghèo khó, không có khả năng thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án không bị án tích suốt đời. Ngoài ra, người dưới 16 tuổi phạm bất cứ tội gì cũng không bị coi là có án tích, người dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý cũng không bị coi là có án tích…

Cũng với quan điểm đề cao, bảo vệ quyền con người, tội bức cung theo BLHS 2015 được thiết kế sát hơn với tinh thần Công ước năm 1966 của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị. Theo đó, “người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc” thì đã đủ cấu thành tội phạm. Đây là thay đổi về chất so với BLHS 1999, vốn đòi hỏi phải có hậu quả “khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đặc biệt, trên quan điểm mới của hiến pháp là hạn chế quyền con người, quyền công dân phải bằng luật nên khi soạn thảo BLHS 2015, Quốc hội đã cụ thể hóa tối đa các yếu tố định lượng trong tội phạm. Như vậy, khắc phục tình trạng như BLHS 1999 là có tới 20 thông tư của các bộ, ngành quy định các nội dung có thể dẫn tới một người bị coi là có tội hay vô tội…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp 2013. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp 2013. Ảnh: QH

Luật Tiếp cận thông tin, Chính phủ chuẩn bị từ năm 2008 nhưng quan điểm còn khác nhau và khá lúng túng trong hướng tiếp cận. Bởi hiến pháp lúc đó đặt công dân ở thế bị động, “có quyền được thông tin”. Sang Hiến pháp 2013, công dân ở chế chủ động, có quyền “tiếp cận thông tin” thì Luật Tiếp cận thông tin mới có lối ra.

Theo đó, quy định rõ loại thông tin mà người dân không được tiếp cận hoặc tiếp cận hạn chế. Còn lại thì về nguyên tắc là phải công khai, minh bạch, người dân có quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin…

Đây là những bước tiến pháp lý rất quan trọng liên quan đến những quyền rất cơ bản của công dân từ sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành.

NGUYỄN THỊ KIM THOA, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính – Bộ Tư pháp

-----------

8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

- Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

- Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.

- Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

- Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.

- Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

- Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

(Nghị quyết 27 ngày 6-11-2022 của BCH Trung ương)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với nhà thầu thi công khi tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với nhà thầu thi công khi tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên. Ảnh: VGP

------------

Niềm tin của Nhân dân!

Cách mạng tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính là cuộc cách mạng của toàn dân, của tất cả mọi người con dân đất Việt. Đại bộ phận người dân Việt Nam khi ấy không phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần giai cấp đã tự nguyện đứng dưới lá cờ tập hợp của Mặt trận Việt Minh với chương trình và mục tiêu đúng đắn là giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Còn nhớ, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, thế nhưng bằng niềm tin vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, niềm tin vào sự chí công, vô tư vì nước, vì dân của Chính phủ, nhiều gia đình tư sản giàu có đã đóng góp nhiều tiền của cho cách mạng. Như cụ Ngô Tử Hạ - một nhà tư sản lớn ở Hà Nội đã mua đấu giá chiếc áo trấn thủ của cụ Hồ với giá nhiều vạn đồng Đông Dương khi ấy. Hay căn nhà 48 Hàng Ngang Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập là tư dinh của cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ….

Sở dĩ cách mạng Tháng 8 thành công nhanh chóng là bởi Nhân dân tin vào đường lối của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Trong cuộc cách mạng ấy, nhiều quan lại, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cũng đã đứng về phía Nhân dân, bởi họ cũng tin tưởng vào đường lối của Mặt trận Việt Minh khi ấy, tin vào những nhà cách mạng đã từng vào tù, ra khám đấu tranh vì nền độc lập tự do của đất nước.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà được thành lập, trong bức “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “…nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau đó, Bác căn dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Không thể không tự hào nói rằng sau 78 năm, đất nước và dân tộc chúng ta đã tiến những bước tiến rất dài trên con đường độc lập, phồn vinh và hạnh phúc, song vẫn còn đó những điều xảy ra khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đó là các hạn chế, yếu kém mà chính các nghị quyết của Đảng cũng mạnh dạn chỉ ra như: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Đảng đã và đang tiến hành rất mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, trừng trị những cán bộ thoái hóa, biến chất. Những vụ án như “Chuyến bay giải cứu”, và nhiều đại án tham nhũng khác… đã được đưa ra xét xử công khai, khiến nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

Chúng ta đang đẩy mạnh việc học và làm theo Bác Hồ. Học và theo Bác Hồ, nhất thiết phải khắc cốt, ghi tâm và thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Bác ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, đó là: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Muốn củng cố niềm tin của Nhân dân hoàn toàn không khó nếu tất cả nói đi đôi với làm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

TS VŨ TRUNG KIÊN

Đọc thêm