Xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, vì nước

KỶ NIỆM 78 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, vì nước

(PLO)- Cùng với việc nghiêm trị, “không có vùng cấm, ngoại lệ” đối với cán bộ hư hỏng, tham nhũng; cần phải xây dựng lớp cán bộ đủ đức, đủ tài, phụng sự nhân dân, đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ - những người có vai trò quyết định rất lớn đến thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu liên hoàn từ tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng đến những chính sách dành cho họ. Trong đó, khâu đầu tiên và vô cùng quan trọng là khâu lựa chọn (tuyển chọn) cán bộ.

Người khẳng định: “Khâu chọn giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”, “Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”. Đó là chia sẻ của PGS-TS Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về công tác nuôi dưỡng, đào tạo cán bộ.

Bác Hồ trong lần thăm quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2-3-1963. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ trong lần thăm quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 2-3-1963. Ảnh: TTXVN

Cán bộ phải bản lĩnh, vì dân

. Phóng viên: Như PGS-TS vừa chia sẻ về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ, vậy các tiêu chí trong khâu lựa chọn “hạt giống” tốt trong công tác cán bộ của Bác là gì?

+ PGS-TS Trần Minh Trưởng: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí, đó là những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng.

Ngoài ra, đó còn phải là những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.

Người lãnh đạo đúng đắn là người khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.

PGS-TS Trần Minh Trưởng.

PGS-TS Trần Minh Trưởng.

. Từ những quan điểm đó của Bác Hồ, áp vào thực tế hiện nay, ông thấy như thế nào?

+ Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Đảng đã chỉ rõ cần đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ... Mặt khác, việc sử dụng đúng cán bộ phải trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, công tác cán bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở các cơ quan tham mưu soạn thảo, ban hành hệ thống quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ khá đầy đủ và khoa học. Đội ngũ cán bộ qua đào tạo được kiện toàn từ trung ương đến địa phương, cơ quan ban ngành, đoàn thể...

Tuy nhiên, công tác cán bộ vẫn còn một số hạn chế, bất cập như công tác tham mưu còn nhiều kẽ hở. Việc tuyển chọn cán bộ có nhiều trường hợp chưa thật đúng, chưa sát đối tượng.

Thực hiện đúng quy trình nhưng sai đối tượng; nhiều trường hợp bố trí “tài không xứng chức”. Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thể hiện trong việc “chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển mà gần đây trung ương đã nêu rõ tại Quy định 114 ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ.

Đảng khẳng định sẽ xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong ảnh: Cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trước khi về tiếp quản Thủ đô (19-9-1954). Ảnh: HOCHIMINH.VN

Đảng khẳng định sẽ xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong ảnh: Cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trước khi về tiếp quản Thủ đô (19-9-1954). Ảnh: HOCHIMINH.VN

Nghiêm trị cán bộ hư hỏng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch

. Suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết trừng trị những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất; nhiều cán bộ tham ô, tham nhũng đã bị xử lý rất mạnh tay, không có “ngoại lệ, vùng cấm”. Điều này đã có tác động thế nào đối với nhận thức của cán bộ và việc xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vì nước, vì dân, thưa ông?

+ Nhận rõ tính chất nguy hại của tệ nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu, từ Đại hội X, rồi Đại hội XI của Đảng đến nay đã đề ra nhiều chủ trương về công tác phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, biến chất và thực hiện các chủ trương đó một cách kiên quyết, đồng bộ và mạnh mẽ. Đảng khẳng định xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, Đảng cũng có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương nhân rộng những gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Liên hệ với thực tiễn hiện nay, chúng ta thấy tham nhũng, tham ô và lãng phí xảy ra dưới những hình thức khác nhau. Đặc biệt có nhiều nơi tệ nạn này xảy ra nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất cho đất nước, ảnh hưởng xấu đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân.

Thời điểm này, cùng với việc nghiêm trị cán bộ hư hỏng, biến chất, tham ô, tham nhũng, hơn bao giờ hết đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả mỗi chúng ta phải nghiêm túc thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Phải nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, chống các tệ nạn xấu xa... để đưa đất nước vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong công tác cán bộ cần chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để họ bắt kịp với đòi hỏi sự phát triển của đất nước. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong công tác cán bộ cần chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để họ bắt kịp với đòi hỏi sự phát triển của đất nước. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc nghiêm trị cán bộ thoái hóa, biến chất, chúng ta cần làm thế nào để chọn được những cán bộ ưu tú, có đức, có tài giúp dân, giúp nước?

+ Tôi cho rằng để làm được điều đó thì khâu lựa chọn cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của công việc để tìm người. Trước hết, phải có cơ chế thu hút, phát hiện những cán bộ thực sự có năng lực thông qua hiệu quả hoạt động lãnh đạo quản lý của cán bộ (để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm).

Bên cạnh đó, phải có sự tổng kết, đánh giá về chủ trương trẻ hóa cán bộ của Đảng để khẳng định tính đúng đắn và rút kinh nghiệm về thành công và hạn chế. Trên cơ sở đó, chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ, có tiêu chí để sàng lọc từ những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn.

Mặt khác, phải tiếp tục đổi mới chính sách cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng khâu đánh giá phải khách quan, sử dụng phải đúng người, đúng năng lực, bố trí cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, giữa cán bộ trẻ, cán bộ mới với cán bộ lâu năm. Đồng thời, phải chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ bắt kịp với đòi hỏi sự phát triển của đất nước.

“Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch”

. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là gì và làm sao để trị nó, thưa ông?

+ Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa, bao trùm của các căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu là chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người. Người coi chủ nghĩa cá nhân là một trở lực nội tại và là nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm, trở lực khác.

Đặc biệt, Người nhấn mạnh trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, mỗi cán bộ phải thường xuyên rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Ngày 17-3-1952, tại Hội nghị cán bộ các ngành về chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, Bác Hồ nhấn mạnh: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, nếu không nó sẽ làm hại đến công việc của ta”.

-----------

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Cán bộ là gốc của mọi công việc

Về công tác cán bộ, Bác đã đề cập trong nhiều tác phẩm nhưng tập trung nhất là ở tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết vào tháng 10-1947. Trong tác phẩm đó, Bác dành hẳn một chương về công tác cán bộ. Bác nêu quan điểm mà chúng ta hay nhắc lại đó là “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Khi nói đến cán bộ là gốc của mọi việc, Bác cũng đề cập đến công tác bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng, tức là Đảng phải hết sức chăm lo, bồi dưỡng cán bộ. “Chăm chút cán bộ giống như người làm những vườn chăm sóc những cây quý” thì mới có cán bộ tốt, cán bộ giỏi.

Một khía cạnh khác được Bác đề cập đến là rèn luyện chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, coi đó là cái gốc của người cách mạng. Bác Hồ đã viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Muốn có đạo đức thì người cán bộ phải tự tu dưỡng, rèn luyện, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải biết rời bỏ, xóa bỏ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham lam, trục lợi, có những hư hỏng trong lối sống.

----------

Trung tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:

Đổi mới quan niệm đánh giá, lựa chọn cán bộ

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã quyết liệt đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Vừa qua, Đảng đã phanh phui rất nhiều vụ việc tham nhũng, trừng trị cán bộ làm sai, triệt tiêu những tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, góp phần lấy lại niềm tin của người dân. Đó là đường hướng rất đúng đắn.

Có thể nhận thấy xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị gắn liền với công cuộc xây dựng đội ngũ cán bộ bởi Đảng phải gắn với cán bộ, trong xây dựng Đảng thì cán bộ là khâu then chốt.

Do đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vì nước, vì dân thì trước hết người cán bộ phải có tâm, hết lòng, hết sức vì mọi người. Nhưng có tâm thôi thì chưa đủ mà cán bộ còn phải có tầm, có đủ năng lực, trình độ để thực hiện công việc được giao.

Nói thôi thì thấy dễ nhưng để có được một đội ngũ cán bộ như thế, chúng ta phải đổi mới quan điểm đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cốt cán và người đứng đầu. Đây là yêu cầu khẩn trương, cấp bách nhưng phải hết sức cẩn trọng. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.

Song song đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay, cán bộ phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua thực trạng với cách nghĩ, cách làm đã và đang lỗi thời để giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững.

------------

Ông NGUYỄN HỮU CHÂU, quận 3, TP.HCM:

Hiểu, lắng nghe và trăn trở trước khó khăn của dân

Tiêu chuẩn cán bộ của Bác Hồ là phải yêu nước, yêu dân chân thành, trung thực, rèn luyện đạo đức, dám hy sinh vì nghĩa lớn; song song đó phải trau dồi năng lực chuyên môn, mà năng lực đó phải thể hiện bằng những sản phẩm có hiệu quả thiết thực.

Đó còn là người cán bộ phải có tinh thần cống hiến vì lợi ích chung, chống cho được chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, không sa ngã trước tiền tài và danh vọng. Cuối cùng, cũng là điều hết sức quan trọng là phải lấy dân làm gốc, làm mọi việc phải vì dân dù ở bất cứ nhiệm vụ nào.

Tôi cho rằng để hiểu dân thì cán bộ phải đi thực tiễn cơ sở, lăn lộn trong phong trào của nhân dân, dùng năng lực chuyên môn để thí điểm những cách làm mới, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, thương dân là phải làm ra sản phẩm cụ thể.

Cán bộ hiện nay đi cơ sở chỉ là tới nói vài ba câu chuyện, vỗ tay vài cái rồi ra về. Chúng ta phải lăn lộn với đời sống của người dân, lắng nghe, hiểu người dân muốn gì, trăn trở trước những khó khăn của người dân, chứ thấy dân khó khăn mà cán bộ dửng dưng thì sao làm được cán bộ tốt. Và nếu thực sự thương dân thì cán bộ sao có thể sa ngã trước tiền tài, danh vọng.

LÊ THOA - VIẾT THỊNH ghi

Đọc thêm