Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ảnh: TTXVN |
Ba tiêu chuẩn của người cán bộ
Xuất phát từ chính yêu cầu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định những tiêu chuẩn cơ bản để xây dựng đội ngũ cán bộ.
Trước tiên, người cán bộ phải có đạo đức, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Người cán bộ giữ được bốn đức này sẽ không trở nên hủ bại, không biến mình thành sâu mọt của nhân dân, mà là công bộc của nhân dân. Ngoài ra, người cán bộ phải luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, phải là người gánh vác công việc chung cho nhân dân, không được “làm quan cách mạng”, không được “đè đầu cưỡi cổ” nhân dân.
Thứ hai, người cán bộ phải là người có năng lực lãnh đạo, quản lý, có năng lực quyết định vấn đề cho đúng, năng lực vận động quần chúng và tổ chức kiểm soát cho đúng.
Thứ ba, người cán bộ phải là người có phong cách và tác phong công tác gồm tác phong quần chúng, dân chủ, thẳng thắn, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Cán bộ phải nói đi đôi với làm, sâu sát, thận trọng, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, phải luôn tự mình nêu gương cho cấp dưới.
Từ những tiêu chuẩn trong xây dựng đội ngũ cán bộ, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Năm 1925, khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người đã rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ tiền thân cho Đảng gồm những người vừa có trình độ lý luận, có năng lực công tác và đặc biệt là có đạo đức cách mạng cao đẹp.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” - là tài liệu giảng dạy cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Người đã chỉ ra 23 điều thuộc về tư cách của một người cán bộ cách mạng làm cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ. Từ đó về sau, trong các giai đoạn quan trọng của cách mạng, Hồ Chí Minh đều chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thông qua việc trực tiếp huấn luyện cán bộ, lựa chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm và cất nhắc những cán bộ ưu tú cho Đảng và Nhà nước.
Những quan điểm chỉ đạo và đóng góp về mặt thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ ưu tú cho cách mạng Việt Nam, từ đó làm nên những thắng lợi to lớn cho dân tộc Việt Nam.
TS Thạch Kim Hiếu, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM. |
Nghe dân trăn trở để có quyết định đúng đắn
Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực và phong cách theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng đặc biệt, quyết định đến sự phát triển của đất nước qua mọi thời kỳ.
Chỉ khi người cán bộ lãnh đạo, quản lý có đạo đức, có phẩm chất trong sáng, biết suy nghĩ và hành động vì lợi ích chung của nhân dân thì mới có thể tạo ra được uy tín trước nhân dân, mới có khả năng thuyết phục và vận động được nhân dân thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, người cán bộ phải có tác phong dân chủ, gần gũi và sâu sát với nhân dân, vì khi đó mới có thể lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với những vấn đề mà người dân đang quan tâm, trăn trở để từ đó có những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Người cán bộ vì nhân dân còn phải là người nói đi đôi với làm, có tinh thần tự phê bình và phê bình, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chỉ như vậy, người cán bộ mới có được sự đồng cảm, ủng hộ và đồng thuận của nhân dân trước những quyết định của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước sẽ được củng cố khi chúng ta thật sự có một đội ngũ cán bộ như vậy từ trung ương đến cơ sở.
Còn với những cán bộ suy thoái, có hành vi tiêu cực, tham nhũng cần phải được trừng trị một cách nghiêm minh. Điều này vừa giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, vừa góp phần giáo dục cho toàn bộ đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị về tính liêm chính cũng như tinh thần vì dân.
Việc xử lý cán bộ tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai còn cho thấy tính nghiêm minh trong kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước trước những vi phạm của đội ngũ cán bộ, góp phần thanh lọc những cá nhân suy thoái, không còn giữ được phẩm chất đạo đức của một người cán bộ chân chính, người cán bộ vì dân.
Hiệu quả lâu dài của công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ từng bước hình thành văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng”.
Đây là nền tảng quyết định cho niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển của dân tộc.
Xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, vì nước, thiết nghĩ cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.
Vì mỗi cán bộ đều được trưởng thành từ một đơn vị cơ sở nên nếu đơn vị đó có tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết cùng một người đứng đầu gương mẫu, trách nhiệm thì sẽ là một môi trường thuận lợi nhằm giáo dục, rèn luyện cán bộ ngay từ gốc cả về đạo đức, năng lực cũng như phong cách. Đồng thời phải chú trọng xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cần được cụ thể hóa thành những quy định riêng đối với từng ngành, từng lĩnh vực.
Ngoài ra, phải từng bước xây dựng quy định về những điều không được làm với cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ tùy theo từng vị trí công tác và phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện những quy định này.
Từ đó sẽ từng bước ngăn chặn những hành vi dù là nhỏ nhất của cán bộ, công chức, viên chức xâm hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.