Sau hơn ba giờ làm việc, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương về tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 chiều 3-1 đã kết thúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đến tham dự hội nghị sáng 3-1. Ảnh: TTXVN |
Phản ứng chính sách còn chậm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới các cơ quan cần tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt theo cách “chọn từng bước làm chắc chắn, làm đến đâu dứt đến đó”.
“Như các vấn đề tồn đọng thì chọn dễ làm trước, khó làm sau, từ đó rút kinh nghiệm. Làm có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch bài bản dựa trên cơ sở thực tiễn”- Thủ tướng nói và định hướng các bộ ngành, địa phương cần nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng nhận định năm 2022 phát sinh nhiều sự việc ngoài mong muốn. Các vấn đề ngân hàng, các dự án lại có những vấn đề mới; mất rất nhiều thời gian về các vụ việc. Chính phủ đã có những chỉ đạo để chấn chỉnh, lành mạnh hóa các thị trường về vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…
“Phải xử lý những người không làm đúng để bảo vệ người làm đúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn nhiều cái phải khắc phục như chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động hiện chưa đạt. “Đây là chỉ tiêu đòi hỏi tăng năng suất lao động tổng hợp từ giáo dục, công nghệ đến hạ tầng, cải cách hành chính... Đây là chỉ số rất quan trọng, phải thực hiện đồng bộ”- Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề nhức nhối, có những cái vướng luật pháp, có những cái chững lại thì cần phân tích, mổ xẻ sâu hơn.
“Tại sao nghị quyết có rồi, chỉ thị có rồi, đôn đốc cũng có rồi. Chính phủ cũng đã thành lập 6 tổ công tác để giải quyết, thế thì điểm nghẽn ở đâu?”- Thủ tướng đặt câu hỏi và cho biết ngay cả các bộ, ngành cũng đang vướng.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc giải ngân đối với việc hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phân tích kĩ lưỡng hơn, rõ vấn đề hơn để cùng làm. Đồng thời, cần phân tích lại ba chương trình mục tiêu, chương trình phục hồi để thực hiện hiệu quả hơn.
Các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… Thủ tướng yêu cầu các tổ công tác của Chính phủ phối hợp với các địa phương, bộ, ngành có liên quan chọn vấn đề để giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, sản xuất kinh doanh trong một số ngành còn khó khăn, nhất là tiêu chuẩn việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người dân. Các bộ ngành, địa phương có liên quan cần nắm bắt tình hình, cơ cấu lại đội ngũ lao động, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đồng thời, cơ cấu lại cổ phần hóa doanh nghiệp; sắp xếp lại, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.
“Quan trọng nhất là phải tập trung cổ phần hóa những doanh nghiệp thua lỗ, không chạy theo số lượng bao nhiêu ngàn tỉ mà phải cơ cấu đúng tinh thần nghị quyết Trung ương Đảng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, phản ứng chính sách là điểm yếu của cả hệ thống; cần phải quan tâm khắc phục.
“Phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả thì sẽ hạn chế được hậu quả”- Thủ tướng nói.
Về huy động các dự án hợp tác công tư, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc với những quy định đã ban hành thì phải báo cáo, đề xuất lại. Đồng thời cố gắng để huy động, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước.
Rút ra bài học từ công tác chỉ đạo, điều hành trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phải hết sức bình tĩnh trước những diễn biến, có bản lĩnh suy xét, nắm chắc tình hình, phân tích thực tiễn, dựa vào đó làm chắc chắn từng bước, từng việc, từng cái để vượt qua khó khăn.
Đất đẹp nhất thì để cho sản xuất, kinh doanh
Từ thực tiễn đặt ra, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2023 cần tập trung thực hiện, đảm bảo chất lượng các tiến độ, đề án quan trọng.
“Các đề án này đặt ra từ cuộc sống, những vướng mắc, điểm nghẽn trong kinh tế xã hội. Những bộ, ngành được phân công cần cố gắng hoàn thành, vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng; tránh tình trạng hoãn, kéo dài”- Thủ tướng yêu cầu.
Thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển 6 vùng kinh tế- xã hội; hoàn thành chương trình hành động và quy hoạch của sáu vùng này.
“Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, có tầm nhìn xa và không thay đổi quy hoạch. Tránh tình trạng quy hoạch xong lại phải thay đổi, điều chỉnh vừa mất thời gian vừa mất nguồn lực. Việc này cần làm theo tinh thần không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”- Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các địa phương về vấn đề quy hoạch: “Đất nào đẹp nhất thì để sản xuất kinh doanh chứ không giao cho bất động sản...”.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, hiện chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn, có tác động lớn đến nền kinh tế vĩ mô nên phải nắm chắc tình hình.
“Cần tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất để không chao đảo, rung lắc. Cân bằng giữa tăng trưởng (phấn đấu ở con số 6,5%) và lạm phát (khoảng 4,5%). Trong điều kiện hiện nay, việc điều hành tiền tệ cần phải chắc chắn, linh hoạt”- Thủ tướng cho hay.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Thủ tướng nhìn nhận không thể thực hiện đa mục tiêu được, nên phải chọn vấn đề có trọng tâm trọng điểm để thực hiện.
Về phát triển hạ tầng, ngoài tích cực giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng phải huy động hợp tác công tư; nghiên cứu các hạ tầng khác như về y tế, giáo dục, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo để giảm giá thành…
Năng động, sáng tạo hơn nữa ở các cấp các ngành, hỗ trợ doanh nghiệp; đặc biệt phục hồi thị trường lao động; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để phục hồi thị trường lao động.
Đẩy mạnh thực chất, hiệu quả, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng; tập trung đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân; tập trung xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa…đảm bảo công tác an sinh xã hội...
Về công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc chống suy thoái trong tư tưởng cán bộ; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, năng lực, đạo đức ngang tầm với nhiệm vụ. Cùng đó, phải đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.