Ngày 25-11, phiên tòa xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil), cùng 14 bị cáo khác tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKSND và đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo.
Theo đó, đại diện VKS đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 20 năm tù về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; từ 10-12 năm tù về tội đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Về tội nhận hối lộ, VKS đã đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) từ 3- 4 năm tù; Nguyễn Lộc An (cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương) từ 4-5 năm tù; Lê Duy Minh (cựu cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) từ 6-7 năm tù; Trần Duy Đông (cựu vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) 7-8 năm tù; Hoàng Anh Tuấn (cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) 7-8 năm tù và Đặng Công Khôi (phó cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính) từ 2-3 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) bị đề nghị tuyên phạt từ 6-7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Lê Đức Thọ bị đề nghị 15-15 năm 6 tháng về tội nhận hối lộ và từ 13-13 năm 6 tháng đối với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tổng hợp hình phạt từ 28-29 năm tù.
Cáo bị cáo còn lại bị VKS đề nghị mức hình phạt về tội đưa hối lộ từ 18 tháng tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị buộc bị cáo Hạnh nộp lại số tiền hơn 1.400 tỉ đồng đã chiếm đoạt.
Theo đại diện VKS hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm và xâm phạm đến các quy định về an toàn năng lượng. Trong đó, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người chủ mưu, cầm đầu và phải chịu trách nhiệm chính nên cần có hình phạt nghiêm khắc.
Kết quả điều tra thể hiện bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, vi phạm các quy định về sử dụng quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản nhà nước với số tiền là 1.463 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ Bình ổn giá hơn 219 tỉ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường hơn 1.244 tỉ đồng.
Cụ thể, để Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016, năm 2021; bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát quỹ BOG; được ưu đãi khi mua hàng xăng dầu và được Cục Thuế TP.HCM chậm ban hành quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế và xin phê duyệt hạn mức tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil. Từ năm 2016 đến năm 2022, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần với tổng số tiền hơn 31,5 tỉ đồng cho các cán bộ, quan chức ở Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Cục Thuế TP.HCM và tỉnh Bến Tre để được ưu ái, cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do không đủ điều kiện được cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nên bị cáo Hạnh đã liên hệ nhờ ông Hải giúp đỡ và sẽ gửi quà cảm ơn.
Qua giới thiệu của bị cáo Hải, bị cáo Hạnh liên hệ bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu phó vụ trưởng Vụ TTTN - Bộ Công Thương) để được hướng dẫn. Sau đó, ông Tuấn đã thống nhất với ông Trần Duy Đông (Vụ trưởng) tạo điều kiện giúp đỡ Xuyên Việt Oil.
Trên cơ sở đề xuất Xuyên Việt Oil đủ điều kiện cấp phép lại của bị cáo Tuấn, bị cáo Hải đã ký ban hành giấy phép cho Xuyên Việt Oil. Sau khi được cấp giấy phép, bị cáo Hạnh đã đưa cho ông Hải túi quà đựng 50.000 USD để cảm ơn.
Còn đối với bị cáo Lê Đức Thọ đã nhận hối lộ từ bị cáo Hạnh hơn 13 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỉ đồng để tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil cấp hạn mức tín dụng.
Các bị cáo còn lại như Đồng Xuân Dũng, Nguyễn Văn Thắng, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Tấn Long...đã giúp sức cho bị cáo Hạnh đưa hối lộ cho các bị cáo có chức vụ trong vụ án nên việc truy tố các bị cáo về tội đưa hối lộ là có căn cứ.