Tàu ra vào cửa biển Gành Hào, Bạc Liêu.

Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Kinh tế biển - đòn bẩy giúp Bạc Liêu 'vươn khơi'

(PLO)- Là địa phương có nhiều tiềm năng về biển, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu xác định kinh tế biển là một trong năm trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bạc Liêu có 56 km bờ biển với ngư trường rộng, có lợi thế lớn không chỉ đánh bắt mà còn phát triển nuôi trồng thủy hải sản ven biển.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế biển và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh đã đề ra chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

kinh tế biển giúp bạc liêu vươn khơi
Tàu ra vào cửa biển Gành Hào, Bạc Liêu. Ảnh: CVNLD

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ biển

Theo chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển kinh tế biển, đảm bảo người dân sống được với biển, làm giàu từ biển và góp phần lớn vào GPD của tỉnh.

Tỉnh có 1.019 tàu, trong đó có 451 tàu đánh bắt xa bờ, đem lại nguồn giá trị thủy sản lớn cho tỉnh. Nhưng do nguồn tôm cá đang bị suy giảm nhiều nên tỉnh đã khuyến khích người dân chuyển đổi nghề nuôi trồng, khai thác tối đa tiềm năng biển để giải quyết việc làm cho ngư dân ven biển và đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

“Ở ngoài khơi, chúng tôi phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo khi đưa vào vận hành thương mại tám nhà máy điện gió có công suất gần 500 MW đóng góp hằng năm cho ngân sách tỉnh khá lớn” - chủ tịch tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng được xác định là một trong những khâu đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Bên cạnh đó, chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho biết việc mời gọi và thu hút đầu tư luôn được đẩy mạnh, thực hiện tích cực, thường xuyên, đa dạng, đổi mới về hình thức, chú trọng chiều sâu, hiệu quả ngày càng cao. Những nhà đầu tư vào các vùng như TP Bạc Liêu, Hòa Bình và Đông Hải làm điện gió, nuôi tôm biển… được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định.

Với những chính sách ưu đãi, Bạc Liêu đã thu hút được lượng lớn doanh nghiệp vào đầu tư và hy vọng sắp tới doanh nghiệp sẽ đến Bạc Liêu nhiều hơn, cùng với địa phương khai thác tốt hơn nữa nguồn lợi từ biển. Nhờ đó, nhiều năm qua tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đứng tốp đầu ở khu vực ĐBSCL.

Hinh_2-P2,3_Bac-Lieu.jpg
Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Việt Úc. Ảnh: HỒNG NHUNG

Trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước

Kinh tế trong chín tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát triển khá, các ngành, lĩnh vực kinh tế có phát triển. Đáng chú ý, sản lượng tôm tăng 13,58%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,94%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,69% so với cùng kỳ năm 2022, từng bước thực hiện hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước.

360.374

tấn là tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trong chín tháng đầu năm 2023, trong đó tôm 187.145 tấn, cá và thủy sản khác 173.229 tấn, đạt 71,08% kế hoạch, tăng 8,96% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng khai thác ước tính đạt 85.883 tấn, đạt 72,54% kế hoạch, tăng 4,55% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm ước tính thực hiện được 676,96 triệu USD, đạt 67,7% kế hoạch.

Ông Lưu Văn Tỷ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết tình hình nuôi trồng thủy sản những năm qua phát triển rất nhanh. Tổng diện tích nuôi 147.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 140.000 ha. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được triển khai mở rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

Đến thời điểm này, tỉnh có đến 25 doanh nghiệp và hơn 800 hộ dân thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất, sản lượng cao và ổn định. Hiện tỉnh có 45 nhà máy chế biến xuất khẩu, 70 cơ sở thu mua chế biến làm tôm nguyên liệu, thị trường xuất khẩu tập trung ở châu Á, một số ở châu Âu.

Hinh_3-P2,3_Bac-Lieu.jpg
Hoạt động mua bán tại chợ thủy sản phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Ảnh: HỒNG NHUNG

Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc là một trong những nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bạc Liêu, đi vào hoạt động từ tháng 8, bước đầu xuất khẩu được 30 tấn tôm, tương đương khoảng 0,27 triệu USD sang thị trường Hàn Quốc và đang tiếp tục tìm đơn hàng mới. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ tự động, thực hiện quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống, nuôi và chế biến xuất khẩu.

Hay mô hình nuôi tôm trong hồ tròn công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Long Mạnh cũng gây ấn tượng bởi hiệu quả mang lại và được xem là mô hình ưu việt nhất hiện nay, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng.

Anh Trương Văn Thư, kỹ thuật viên Công ty TNHH MTV Long Mạnh, cho biết hiện nuôi tôm thẻ chân trắng trong hồ tròn có ưu điểm giúp kiểm soát được dịch bệnh, tỉ lệ thành công và năng suất cao hơn so với nuôi ao thông thường. Chất lượng tôm nuôi cũng đáp ứng được quy chuẩn của thị trường châu Âu về khâu vệ sinh, xử lý chất thải ra môi trường, yếu tố kháng sinh trong tôm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao.

Nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp bền vững

Bạc Liêu là tỉnh duy nhất cả nước có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm và đã chọn được chín doanh nghiệp đầu tư vào khu, giai đoạn 2 đã thi công được 56% khối lượng.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài các mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì tỉnh còn có các mô hình nuôi tôm cải tiến kết hợp, nuôi tôm - lúa, tôm - rừng. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm - lúa phát triển rất ổn định và đây là một trong những mô hình được đánh giá là có khả năng phát triển ổn định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng được tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa là một trong những khâu đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Cần sớm tháo gỡ vùng trũng về giao thông

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, hiện Bạc Liêu chỉ có một tuyến giao thông trọng điểm là Quốc lộ 1A nhưng chật hẹp, xa TP Cần Thơ, TP.HCM nên rất khó khăn trong điều kiện xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có đi qua Bạc Liêu nhưng chỉ 7 km và nằm ở huyện vùng sâu, vùng xa nên cũng không thể khai thác được.

“Bạc Liêu có thể nói vẫn còn là vùng trũng về giao thông - bốn không: không sân bay, không cảng biển nước sâu, không đường sắt và không cao tốc nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh đang rất cấp bách, không thể chậm trễ được nữa. Rất mong Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm để Bạc Liêu xóa bỏ bốn không này, để Bạc Liêu tăng tốc phát triển, hòa vào đàn sếu của quốc gia” - chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Bên cạnh những nỗ lực của tỉnh, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đặc thù thực hiện đầu tư các công trình dự án cho phát triển kinh tế biển; có cơ chế huy động nguồn lực khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển và dân cư ven biển; thực hiện định hướng chiến lược phát triển về biển để tạo đột phá mạnh mẽ phát triển kinh tế biển.•

.......................................

PAPI cao phản ánh niềm tin của doanh nghiệp, người dân

Với phương châm việc dễ cho doanh nghiệp và người dân, việc khó cho các cơ quan nhà nước, Bạc Liêu là địa phương kiểu mẫu trong xây dựng chính quyền thân thiện.

Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, năm 2020, chỉ số PAPI của Bạc Liêu đứng thứ 55 cả nước. Sang năm 2021, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quyết liệt xây dựng lại chính quyền thân thiện với người dân từ cấp xã đến cấp tỉnh.

kinh tế biển giúp bạc liêu vươn khơi

Các lực lượng chức năng tuyên truyền cho người dân về các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Xây dựng chính quyền thân thiện

Bạc Liêu theo đuổi phương châm gần gũi, tôn trọng nhân dân và doanh nghiệp, không để chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính. Nhờ đó chỉ số PAPI của tỉnh được cải thiện vượt bậc, đứng thứ 11 cả nước.

Đến năm 2022, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn và được người dân đánh giá rất cao từ việc giải quyết thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, gần gũi doanh nghiêp, giúp đỡ người dân giải quyết an sinh xã hội nên chỉ số đã vươn lên vị trí thứ sáu cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL.

“Chỉ số là do đánh giá từ chính người dân nên bài học kinh nghiệm rút ra ở đây là chính quyền phải thân thiện với người dân, phải cho người dân thấy được “Chính quyền do dân, vì dân” thật sự chứ đừng chỉ nói mà phải chuyển hóa thành hành động cụ thể để khi người dân hay doanh nghiệp gặp khó phải gỡ ngay” - chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Ngư dân mong được hỗ trợ nhiều hơn

Có truyền thống ba đời làm nghề khai thác hải sản, ông Phan Thanh Bình (68 tuổi, ngụ khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) cho biết nhờ nghề đánh bắt hải sản mà kinh tế gia đình ông luôn ổn định.

“Để ngư dân bám biển thì Nhà nước phải có hình thức hỗ trợ cho bà con. Đơn cử như hỗ trợ dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ vì hiện giá dầu cao. Trước đây, chỉ cần khoảng 80 triệu đồng tiền dầu cho một chuyến ra khơi nhưng hiện tại phải bỏ ra không dưới 200 triệu đồng. Theo chính sách hiện tại, tàu phải chạy ra đến Trường Sa để xác nhận rồi vào mới được nhận chính sách hỗ trợ dầu. Tuy nhiên, khoảng cách đến đó thì mấy trăm hải lý, tốn khoảng một tuần nên chi phí tốn kém hơn nữa. Do đó, chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng xem xét lại quy định này” - ông Bình kiến nghị.

Tương tự, ông Đoàn Trung Quốc (ngụ phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) cho biết ông tham gia đánh bắt hải sản từ những năm 1987 đến nay. Chính nghề đánh bắt này đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 công nhân.

Tuy nhiên, khoảng 2-3 năm nay, hoạt động khai thác hải sản khó khăn hơn do nguồn hải sản ngày càng hạn chế, trong khi đó chi phí đánh bắt lại tăng cao.

“Giá dầu quá cao dẫn đến lợi nhuận thu về không còn được nhiều như trước. Như chiếc tàu vừa xuất bến của tôi chi phí dầu đã hơn 100 triệu đồng. Tôi có nghe nói ngành chức năng có hỗ trợ về dầu cho ngư dân nhưng hầu như ở đây rất ít người tiếp cận được. Bởi để nhận được hỗ trợ thì phải đi ra nhà giàn xa mấy trăm hải lý để đóng dấu, rất tốn kém” - ông Quốc cho biết.

Từ đó, ông Quốc cũng kiến nghị ngành chức năng xem xét lại quy định này để tạo điều kiện cho ngư dân dễ tiếp cận chính sách.

Đánh thức tiềm năng du lịch điện gió biển

Không chỉ nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản mà Bạc Liêu còn tận dụng tối đa lợi thế của địa phương vùng biển để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch.

Với bờ biển dài 56 km, gió mạnh và khá ổn định, bình quân tốc độ gió là 7 m/giây và có nắng hầu như quanh năm, giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày… điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng, rất ít ảnh hưởng bởi bão, lũ… đã giúp Bạc Liêu phát triển năng lượng tái tạo.

Từ đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL phát triển điện gió với khởi điểm là Nhà máy điện gió Bạc Liêu, đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu chính thức khánh thành vào năm 2016 với 62 trụ turbine bên bờ biển và được xem là công trình điện gió lớn nhất cả nước vào thời điểm đó.

Tỉnh tập trung vào nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đến nay Bạc Liêu đã thu hút, kêu gọi đầu tư và đã hoàn thành, đưa vào hoạt động tám dự án điện gió, với tổng công suất là 469,2 MW. Về điện mặt trời mái nhà, có 1.619 hộ lắp đặt, tổng công suất 151,9 MW.

Tính đến tháng 6-2022, tổng sản lượng điện gió, điện mặt trời mái nhà đạt 693,26 triệu kWh (trong đó điện gió là 478,46 triệu kWh). Từ năm 2016 đến tháng 10-2021 giúp tiết kiệm điện năng được 141.337.087 kWh, tương đương giảm 119,543 tấn CO2, phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án như Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (142 MW), Nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu - giai đoạn 1 (Đông Hải 2)… Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu với công suất 3.200 MW. Tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục để khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, dự kiến vận hành tổ máy đầu tiên 800 MW vào năm 2024.

Hiện Bạc Liêu có chín điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, trong đó có điểm du lịch điện gió. Hằng năm, lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%; sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm du lịch đã tạo thương hiệu trong khu vực và cả nước.

Đặc biệt, hiện tỉnh đang tập trung phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... có thể khai thác, phát triển du lịch theo hình thức các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với sinh thái nông nghiệp, tham quan điện gió. Du khách có thể trực tiếp trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của cư dân vùng ven biển như bơi xuồng len lỏi trong những cánh rừng phòng hộ, câu cá, đổ đó, bắt tôm hoặc bắt nghêu trên bãi bồi ven biển...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tỉnh đang rà soát, đánh giá các tài nguyên du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lắp giữa các tỉnh, TP trong khu vực và giữa các không gian ưu tiên phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là không gian du lịch ven biển TP Bạc Liêu; không gian du lịch vành đai sinh thái ven biển từ giáp ranh TP Bạc Liêu đến cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải.

Tỉnh trình Bộ GTVT bổ sung tuyến vận tải Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo vào danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo để có đủ cơ sở kêu gọi đầu tư khai thác và kết hợp phát triển du lịch; quy hoạch hai đảo Hòn Trứng Lớn và Hòn Trứng Bé thành các đảo du lịch kết nối với Côn Đảo để phục vụ phát triển du lịch biển của tỉnh.•

Đọc thêm