Steve Jobs qua đời là một trong những sự kiện công nghệ nổi bật năm 2011.
Huyền thoại Steve Jobs qua đời
Năm 2011, những người yêu công nghệ đã phải đau buồn chứng kiến sự ra đi của Steve Jobs, người đã “biến đổi” cả thế giới với iPhone và máy tính bảng iPad. Những sản phẩm nhỏ bé nhưng chứa đựng vô vàn những sáng tạo, thể hiện được hầu hết những mong muốn hay mường tượng của con người về một thiết bị giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng, tinh tế; mong manh nhưng vô cùng mạnh mẽ.
Đã gần 3 tháng kể từ khi Steve Jobs ra đi (5/10/2011), nhưng ở đâu đó, hình ảnh của ông gắn liền với quả táo khuyết được những người yêu mến ông nhắc lại và truyền tay nhau. Hẳn người ta sẽ khó có thể quên được hình ảnh một người đàn ông với chiếc áo cổ rùa quen thuộc và nâng niu trên tay những đứa con tinh thần, những sản phẩm được hàng triệu người mơ ước tại các buổi ra mắt iPhone và iPad.
"Chiến tranh" bản quyền bùng nổ giữa Apple và SamSung
Năm 2011, cạnh tranh trên thị trường smartphone càng trở nên khốc liệt. Các vụ kiện vi phạm bản quyền nhằm trả đũa nhau sôi sục và gây hoang mang dư luận bằng một loạt đấu đá trên các tòa án khắp thế giới, với sự góp mặt của tất cả người chơi lớn. Trận chiến nảy lửa nhất chính là giữa Apple và Samsung. Apple cáo buộc dòng sản phẩm Galaxy của đối thủ Hàn Quốc đã “ăn cắp trắng trợn” iPhone và iPad và thành công khi giành được lệnh cấm Galaxy tại Đức. Cặp đôi này đang “khóa chân” nhau trong các vụ tranh chấp diễn ra tại 10 quốc gia.
Tuy nhiên, nạn nhân chính gián tiếp của kiện tụng chính là hệ điều hành Google Android. Tháng 8/2011, Google tuyên bố sẽ trả 12,5 tỉ đô-la để mua lại mảng di động của Motorola. Cái giá được xem là quá cao tuy nhiên xứng đáng với chiếc “áo giáp” bằng sáng chế Google sẽ có được để phòng thủ trước tấn công ồ ạt từ các gã khổng lồ khác sau khi thôn tính Motorola Mobility. Cuộc chiến càng rõ nét sau khi Steve Jobs – đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Apple qua đời, mối “thâm thù” đối với Android được tiết lộ. “Vũng lầy” pháp luật đã thu hút được ít nhất 21 công ty, bao gồm cả các hãng sản xuất và công ty phần mềm lớn như Oracle và “gã lùn” công nghệ, vốn chỉ tồn tại để “hút máu” từ việc cấp giấy phép sử dụng bằng sáng chế.
Nokia “bắt tay” Microsoft
Trước sự đổ bộ của iPhone và smartphone Android, “đại gia di động” Nokia trở nên lép vế và ngậm ngùi để Android qua mặt, tiếm ngôi hệ điều hành phổ biến nhất thế giới. Công ty Phần Lan không còn cách nào khác ngoài việc “rũ bỏ” nền tảng Symbian lạc hậu và bắt tay ngay với đối tác mới: Windows Phone của Microsoft. Cuối năm 2011, Nokia đã tung hai mẫu smartphone Lumia 800 và Lumia 710 đầy hứa hẹn. Nói về mối hợp tác, tạp chí Forbes nhận định: “Nokia và Windows Phone đang ở giao lộ quan trọng – hoặc hai kẻ chết đuối dìm nhau xuống, hoặc khởi đầu hứa hẹn cho cựu vô địch đi đúng hướng”.
Ngoài ra, giới công nghệ 2011 cũng được dịp chấn động trước mức độ “chịu chơi” của Google khi “vung” 12,5 tỉ đô để mua lại Motorola Mobility. Động thái này tạo ra phản ứng trái chiều cho các đối tác của Google: vừa khiến họ tự tin hơn khi Google sẽ có trong tay 17.000 bằng sáng chế và 7.500 bằng sáng chế khác chờ xét duyệt nhưng lại gây hoang mang khi Google sẽ giành quyền ưu tiên tiếp cận tính năng cập nhật mới nhất của Android cho Motorola. Thậm chí, HTC – đối tác thường xuyên của Google đã tuyên bố sẽ mua hệ điều hành mới.
Kỉ nguyên Ultrabook bắt đầu
Tại Diễn đàn nhà phát triển Intel - IDF 2011, Intel đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới Ultrabook, loại máy tính xách tay siêu di dộng có nhiều đặc điểm giống với Macbook Air của Apple như thời lượng dùng pin kéo dài (ít nhất 5 tiếng) , kiểu dáng mỏng (dày không quá 20 mm), nhẹ (dưới 1,4 kg) và có hiệu suất mạnh mẽ với cấu hình cao đáp ứng tức thời nhu cầu của người sử dụng (thời gian khởi động không quá 7 giây).
Trong năm nay hàng loạt các hãng đã cho ra đời những "Ultrabook" siêu mỏng, siêu nhẹ, mạnh mẽ để đối đầu với MacBook Air của Apple, như Acer Aspire S3, Asus Zenbook UX31E, Lenovo IdeaPad U300s và Toshiba Portege Z835.
Intel vẫn đang nỗ lực đưa Ultrabook trở thành xu hướng chiến lược chính trong năm 2012. Triển lãm điện tử tiêu dùng CES đầu tháng 1 tới hứa hẹn sẽ có sự góp mặt của từ 30 đến 50 mẫu ultrabook và theo công ty phân tích thị trường iSuppli, số lượng ultrabook bán ra sẽ tăng từ 1 triệu chiếc năm 2011 lên đến 136,5 triệu chiếc năm 2015.
Năm lộng hành của tin tặc
Năm 2011 có thể coi là năm xảy ra nhiều sự cố trong thế giới mạng, với hai nhóm hacker “khét tiếng” Anonymous và LulzSec. Từ tháng 03/2011, website của một loạt các công ty và dịch vụ Internet lớn như Google, Sony, FBI, CIA, cảnh sát Tây Ban Nha, YouTube, quân đội Mỹ, nhà thầu quốc phòng Nhật bị tấn công. Sự lộng hành của Anonymous và LulzSec khiến nhiều người lo ngại hacker có thể là thủ phạm châm ngòi chiến tranh ảo giữa các quốc gia.
Nhóm tin tặc Anonymous
Ngoài ra, đầu tháng 08/2011, các chuyên gia an ninh còn khám phá ra một loạt các cuộc tấn công được coi là lớn nhất trong lịch sử nhằm vào 72 tổ chức bao gồm cả Liên Hợp Quốc, các chính phủ và công ty lớn khắp thế giới. Phó chủ tịch nghiên cứu nguy cơ của Công ty an ninh McAfee phát biểu: “Các công ty và chính phủ đang bị xâm phạm và “cướp phá” mỗi ngày. Họ đang đánh mất các lợi thế kinh tế và bí mật quốc gia vào tay những đối thủ cạnh tranh vô nguyên tắc. Đây là vụ đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ lớn nhất trong lịch sử. Quy mô của những gì đang diễn ra thực sự, thực sự đáng sợ.”
Trong số các tổ chức, có thể nói Sony là nhân vật đứng đầu “sổ đen” của hacker. Từ ngày 14/04/2011 tới giữa tháng 10/2011, hãng này liên tiếp hứng các cuộc tấn công từ nhỏ tới lớn của tin tặc, làm một loạt các dịch vụ của Sony bị ngừng hoạt động, rò rỉ thông tin khách hàng và ảnh hưởng lớn tới uy tín của hãng.
Bê bối nghe lén điện thoại gây chấn động thế giới
Tờ báo in khổ nhỏ News of the World (NoW) (Anh) có lịch sử hoạt động 168 năm đã phải đóng cửa sau khi vụ bê bối nghe lén điện thoại lịch sử bị phanh phui. Các nguồn tin cho thấy tờ báo này đã bí mật xâm nhập vào điện thoại của Milly Dowler, 13 tuổi, mất tích và bị sát hại vào năm 2002, xóa các tin nhắn để tiếp tục theo dõi tin nhắn mới từ người thân và bạn bè cô. NoW không những nghe lén điện thoại di động của một số nạn nhân trong các vụ án mạng, mà còn có dấu hiệu theo dõi luôn gia đình của những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 7 tháng 7 năm 2005. Theo cảnh sát Anh, có hơn 4.000 người đã được xác định có thể là nạn nhân bị theo dõi bởi các thám tử tư được NoW thuê. Vụ việc bị lật tẩy đã làm sôi sục các mặt báo, chính trị gia, nhà làm luật cũng như đông đảo độc giả. Ấn phẩm cuối cùng của NoW phát hành ngày 10/7/2011.
“Trợ lí ảo” Siri làm nên điều kì diệu của iPhone 4S
Ngày 4/10, thế giới nín thở chờ đợi sự kiện iPhone của Apple. Trước đó, người ta đồn thổi, người ta gần như chắc chắn rằng sự kiện này sẽ có iPhone 5. Có lẽ chính vì vậy mà sau đó, rất nhiều người tỏ ra buồn bã, thất vọng, thậm chí là “quở trách” Apple vì chỉ có iPhone 4S. Tuy vậy, họ vẫn không thể nào làm ngơ hay quay lưng lại với iPhone 4S. iPhone 4S đạt mức kỉ lục 1 triệu đơn đặt hàng đặt trước trong vòng 24 giờ đầu tiên và phá vỡ kỉ lục của mọi “anh em” trong gia đình iPhone với 4 triệu máy bán ra trong ba ngày.
Ông già Noel dùng Siri trong quảng cáo mới của Apple
Bên cạnh chip A5, hệ điều hành iOS 5, camera 8MP, điều làm nên điều kì diệu cho iPhone 4S chính là trợ lý giọng nói Siri. Siri là sự kết hợp của trí thông minh nhân tạo cùng sự hóm hỉnh và hài hước. Siri đã vượt qua khái niệm nhận diện giọng nói thông thường, có thể hiểu được những cách nói rất tự nhiên, không gò bó hay uốn nắn câu chữ, giống một cuộc trò chuyện hơn là ra lệnh theo khuôn mẫu. iPhone 4S và Siri, một sự kết hợp khó có thể không gây tò mò và thích thú.
Google+ - đối thủ xứng tầm của Facebook
Trong nhiều năm qua, Google luôn cố gắng cạnh tranh được với Facebook bằng cách cho ra đời hai mạng xã hội như Wave, Buzz và mua hai công ty cung cấp dịch vụ mạng và thông tin giao thông là Dodgeball và Slide, nhưng đều thất bại. Sau những nỗ lực bất thành đó, Google đã gặt gái được thành công nho nhỏ với Google+. Mạng xã hội này được cho ra mắt rất rầm rộ hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7. Nó đã khuấy động sự cạnh tranh trong thế giới mạng xã hội mà bấy lâu nay Facebook đang là “bá chủ”.
Google+ có hơn 40 triệu người sử dụng trong chưa đầy 6 tháng. Mạng xã hội này có một số lợi thế cạnh tranh rất lớn như tính năng Hangout (cho phép tới 10 chat video thời gian thực), khả năng tích hợp với các dịch vụ khác của Google. Giới quan sát dự báo, 2012 sẽ là năm cột mốc đánh dấu sự sụp đổ hoặc thành công của Google+.
Siêu máy tính IBM Watson – đẳng cấp mới của trí tuệ nhân tạo
Tháng 02/2011, siêu máy tính Watson đã tham gia cuộc thi đố vui kiến thức Jeopardy được phát đi trực tiếp trên các kênh truyền hình Mỹ, so tài với các nhà vô địch Jeopardy là Ken Jennings và Brad Patter. Tại đây, siêu máy tính của IBM đã vượt qua hai nhà vô địch này với khả năng phản ứng siêu việt trước câu hỏi của MC (mặc dù không được tìm kiếm thông tin trên Internet).
Đó cũng là lần đầu tiên IBM tiết lộ về thông số của chiếc siêu máy tính Watson: IBM Watson được trang bị 2.800 nhân xử lý khác nhau thông qua 10 server được đặt tại một phòng riêng, cho khả năng xử lý siêu việt, nhanh hơn cả suy nghĩ của não người. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, toàn bộ các kiến thức mà siêu máy tính này được trang bị sẽ tích hợp trong chiếc smartphone của bạn.
Tên miền .xxx chính thức hoạt động
Sau một thập kỷ tranh cãi, tháng 03/2011, Tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) cuối cùng cũng đưa tên miền .xxx vào sử dụng chính thức trên mạng Internet. Và từ ngày 07/09/2011, những tên miền này đã chính thức được rao bán. Quyết định này của ICANN phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trái chiều và gây ra những cuộc tranh cãi quyết liệt. Nhiều người cho rằng sự ra đời của tên miền .xxx giống như “vẽ đường cho hươu chạy” hoặc công nhận nội dung khiêu dâm một cách chính thống.
Tên miền .xxx bị nhiều người phản đối
Tuy nhiên, dù có đồng ý với quyết định này hay không, nhiều trường đại học, bảo tàng, các hãng sản xuất, và nhiều tổ chức nổi tiếng đã đổ xô đi mua tên miền .xxx nhằm “đón đầu” trước những tổ chức khiêu dâm muốn dùng tên tuổi của họ để kinh doanh trên “phố đèn đỏ trực tuyến”.
(Theo ICTnews)