Android là hệ điều hành di động có lượng người sử dụng đông nhất hiện nay (chiếm 90% thị phần smartphone), do đó cũng không có gì khó hiểu khi Android luôn là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn 750.000 phần mềm độc hại (malware) mới được phát hiện trong quý đầu tiên năm nay, ước tính con số này sẽ tăng lên 3,5 triệu phần mềm độc hại vào cuối năm 2017, cao hơn 300.000 so với năm ngoái.
Số lượng phần mềm độc hại trên smartphone tăng nhanh mỗi năm. Ảnh: G Data
Theo tính toán, cứ mỗi 10 điện thoại di động trên thế giới thì có khoảng 9 thiết bị chạy Android. Số liệu của Google cho thấy, tính đến hết tháng 4-2017 thì chỉ mới có 4,9% smartphone và tablet chạy Android 7 (Nougat) trong khi nó đã được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 8-2016.
Phiên bản Android được sử dụng nhiều nhất vẫn là Android 5.0 (Lollipop) với 32%, kế đến là Andoird 6.0 (Marshmallow ) với 31,2% và vị trí thứ ba thuộc về phiên bản Android 4.4 với 20%.
- Gingerbread (2.3 - 2.3.7): 0,9%
- Ice Cream Sandwich (4.0.3 - 4.0.4): 0,9%
- Jelly Bean (4.1.x - 4.3): 10,1%
- KitKat (4.4): 20%
- Lollipop (5.0-5.1): 32%
- Marshmallow (6.0): 31,2%
- Nougat (7.0-7.1): 4,9%
Để hạn chế bị tấn công, bạn cần phải cập nhật ứng dụng và hệ điều hành Android lên phiên bản mới nhất, không tải và cài đặt các phần mềm bên ngoài Google Play.
Kiểm soát quyền hạn của ứng dụng là cách đơn giản để tránh bị mất mát dữ liệu. Ảnh: MINH HOÀNG
Ngoài ra, người dùng cũng nên thay đổi mật khẩu hoặc mã PIN thường xuyên, kiểm soát kỹ quyền hạn của ứng dụng trước khi cài đặt hoặc gỡ bỏ các phần mềm không sử dụng bằng cách vào phần Settings (cài đặt) trên smartphone, tìm đến mục Apps (ứng dụng) > Permission (quyền hạn) và vô hiệu hóa bớt các yêu cầu không cần thiết.