Theo các chuyên gia bảo mật, số lượng malware (phần mềm độc hại), ransomware (mã độc tống tiền) và trojan trên di động đang có chiều hướng gia tăng đáng kể so với những năm trước. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi Android chiếm đến 90% thị phần smartphone trên thế giới, vượt mặt cả Windows để trở thành hệ điều hành có lượng người dùng đông nhất hiện nay.
Xem thêm: Thủ thuật khôi phục dữ liệu đã xóa trên ổ cứng và USB - Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều phần mềm hỗ trợ người dùng khôi phục dữ liệu miễn phí, tuy nhiên, nổi trội hơn cả vẫn là EaseUS Data Recovery Wizard.
Phần mềm độc hại có rất nhiều cách để xâm nhập vào smartphone hoặc tablet bởi loại thiết bị này thường chứa rất nhiều thông tin quan trọng như email, tin nhắn và các ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Làm thế nào để nhận biết smartphone hoặc tablet đã bị dính phần mềm độc hại và cách khắc phục?
6 dấu hiệu cho thấy smartphone đã bị nhiễm phần mềm độc hại
- Sử dụng nhiều dữ liệu: Khi điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại, lượng dữ liệu di động (3/4G) sẽ hao hụt nhanh hơn so với bình thường bởi phần mềm độc hại sẽ liên tục chạy nền và thu thập dữ liệu cá nhân của bạn, sau đó gửi về máy chủ được chỉ định. Nếu không thiết lập kế hoạch hoặc giới hạn định mức sử dụng dữ liệu, người dùng sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện thoại lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng.
- Ứng dụng bị lỗi: Nếu các ứng dụng thường dùng bỗng nhiên bị lỗi đột ngột (crash), nhiều khả năng phần mềm độc hại đã xâm nhập vào thiết bị và làm xáo trộn mọi thứ. Để hạn chế tình trạng trên, bạn hãy cập nhật tất cả ứng dụng lên phiên bản mới nhất thông qua Google Play.
- Pop-up: Nếu thấy các trang web thường hay truy cập bỗng nhiên xuất hiện nhiều quảng cáo lạ dưới dạng pop-up, đánh lừa người dùng với nội dung “Thiết bị của bạn đã bị nhiễm virus, hãy cài đặt UC Browser để khắc phục”, chắc chắn smartphone của bạn đã bị nhiễm phần mềm độc hại hoặc mã độc quảng cáo. Việc bạn cần làm lúc này là truy cập vào phần cài đặt trên trình duyệt, sau đó xóa toàn bộ cookies và lịch sử lướt web.
- Điện thoại thường xuyên bị trừ tiền: Đây là vấn đề rất thường xảy ra và luôn khiến người dùng phải đau đầu. Đã có không ít trường hợp người dùng vừa nạp tiền điện thoại nhưng chỉ ít phút sau tổng đài đã thông báo hết tiền. Nguyên nhân thường là do người dùng cài đặt các phần mềm bên ngoài, không để ý đến các điều khoản mà ứng dụng yêu cầu. Ví dụ, nếu thấy một ứng dụng chụp ảnh nhưng lại yêu cầu quyền được gửi tin nhắn SMS thì bạn cần phải cân nhắc.
- Xuất hiện các ứng dụng không mong muốn: Phần mềm độc hại thường chạy ngầm, hiển thị quảng cáo và âm thầm cài đặt thêm các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Do đó, khi thấy trên smartphone xuất hiện các phần mềm lạ, bạn hãy tiến hành gỡ bỏ chúng ngay lập tức.
- Hao pin: Dấu hiệu nhận biết cuối cùng chính là việc smartphone nhanh hết pin so với bình thường. Để hạn chế tình trạng trên, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) > Apps (ứng dụng) và kiểm tra các ứng dụng đáng ngờ, sau đó nhấn Uninstall để gỡ bỏ.
Nhìn chung, trên đây chỉ là một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết smartphone đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Tất nhiên, không phải tất cả mọi thiết bị đều có dấu hiệu giống nhau, do đó, người dùng cần phải thực sự cẩn trọng khi cài đặt ứng dụng và hạn chế truy cập vào các trang web bậy bạ.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Xem thêm: Khắc phục lỗi smartphone bị dính quảng cáo độc hại - Nhiều người dùng cho biết cứ mỗi lần mở trình duyệt là ngay lập tức quảng cáo lại xuất hiện dồn dập, cảnh báo thiết bị đã bị nhiễm malware và yêu cầu cài đặt thêm tiện ích để khắc phục?