Trong đó tác giả đã tiết lộ lý do chủ yếu dẫn tới quyết định gỡ bỏ trò chơi gây sốt trên toàn thế giới, cũng như những cảm xúc và dự định mới của mình. Bản đầy đủ sẽ đăng trên tạp chí in Rolling Stone số 27/3/2014.
Rolling Stone là tạp chí âm nhạc hàng đầu thế giới, nhưng thường có những bài viết chân dung cô đọng và sắc sảo về những nhân vật nổi tiếng, từ chính trị gia, ngôi sao ca nhạc, thể thao, nhân vật của công chúng có uy tín lớn. Chỉ riêng việc xuất hiện trên tạp chí này đã là một niềm vinh hạnh đối với nhiều người, chứng tỏ vai vế của họ trong xã hội.
Chia sẻ với Kushner - cất công bay từ Mỹ sang để sắp xếp cuộc phỏng vấn độc quyền, như các nhân vật nổi tiếng mà tạp chí thường thực hiện – Đông nói rằng những trò game gắn bó với tuổi thơ của mình như Super Mario của Nintendo đã ảnh hưởng lớn tới những sáng tạo của anh sau này.
Bận rộn và luôn luôn chuyển động, đó là điều mà anh nghĩ tới khi sáng tạo nên Flappy Bird, chú chim mặt ngu làm điên đảo thế giới, trên nền tảng trò chơi tưởng đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều sáng tạo, cũng như mang trong đó những yếu tố đặc trưng của thế hệ trẻ bây giờ.
Cuộc trò chuyện giữa Đông và phóng viên Rolling Stone quay trở lại với thời điểm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 năm ngoái, khi Đông lần lượt sáng tạo ra những trò chơi khác như Shiriken Block, rồi Super Ball Juggling cho tới Flappy Bird, quá trình mà cả ba trò đều lọt vào top 10 trên Apps Store. Rồi sau đó là cơn sốt truyền thông làm đảo lộn cuộc sống của Đông, dẫn tới quyết định gỡ bỏ “con đẻ” của mình.
“Tôi nhận được rất nhiều thư từ trách móc. Một phụ nữ nói tôi đã khiến trẻ em trên toàn thế giới xao nhãng chuyện học hành. Một người khác thì nói 13 học sinh ở trường của cô đã đập điện thoại chỉ vì trò game, và chúng vẫn chơi vì đó là thứ gây nghiện,” Đông kể lại với Rolling Stone.
Đông còn chia sẻ về chuyện một công nhân đã mất việc, một bà mẹ không thèm nói chuyện với cậu con trai, tất cả đều vì Flappy Bird, và đó là lý do chính khiến cậu quyết định từ bỏ trò chơi.
Nhiều người đã nghi ngờ động cơ của Đông khi cậu nêu lý do gỡ bỏ Flappy Bird nhưng thực sự là chính cậu từng có trải nghiệm cay đắng vì mê mải trò game Counter-Strike (giới trẻ Việt Nam gọi là Đột kích) mà thi hỏng khi còn ngồi ghế nhà trường.
Đông chia sẻ, hồi đầu tháng Hai vừa rồi, khi cơn sốt truyền thông về Flappy Bird lên tới đỉnh điểm, khi xuất hiện những lời chỉ trích hay buộc tội vô căn cứ, cậu đã mất ngủ, không thể tập trung và chỉ muốn giấu mình ở trong phòng.
Tình trạng của Đông khiến cha mẹ cậu lo lắng. Những dòng tweet cũng trở nên "u ám" hơn. "Tôi coi Flappy Bird là thành công của mình, nhưng nó cũng hủy hoại cuộc sống của tôi. Vì thế tôi ghét nó." Vì thế, cậu nhận ra rằng mình cần phải làm một điều bắt buộc: Gỡ bỏ trò chơi.
Theo Rolling Stone, trò chơi đã đạt tới 10 triệu lượt tải trong vòng 22 giờ kể từ khi Đông thông báo quyết định cho tới lúc Flappy Bird chính thức biến mất trên các "kệ hàng."
"Tôi làm chủ số phận của mình và suy nghĩ độc lập," Đông chia sẻ với Rolling Stone.
Trong bài phỏng vấn, Đông cũng cho biết trò Flappy Bird vẫn đem lại thu nhập cho anh bởi vẫn có hàng chục ngàn trong số hàng triệu người đã tải trò chơi vẫn tiếp tục cho chú chim ngu "bay" trên điện thoại của mình.
Đông đang suy tính đến việc mua một chiếc Mini Cooper và một căn hộ. Cậu cũng đã làm hộ chiếu (lần đầu tiên), và dĩ nhiên là vẫn tiếp tục làm game, điều mà cậu đam mê hơn cả.
Bên tách trà, Đông tiết lộ với phóng viên Rolling Stone về trò chơi mới chưa đặt tên với nhân vật chính là một chàng cao bồi bắn súng, một trò chơi khác cũng liên quan tới chuyện bay nhảy là Kitty Jetpack và một "game cờ hành động" có tên Checkonaut, dự định sẽ phát hành cuối tháng này. Nhưng dù mang tên gì thì nó cũng vẫn mang phong cách của Đông: luật chơi đơn giản, đồ họa mang tính hồi cố và... thực sự khó ghi điểm.
Đông cũng nói, kể từ khi gỡ Flappy Bird, cậu trở nên tự tin hơn. "Tôi không thể quay lại cuộc sống trước đây, nhưng giờ tôi cảm thấy ổn." Đông cũng vẫn từ chối những lời đề nghị mua lại trò game hay làm việc cho một nhà sản xuất lớn nào đó, đồng thời tiết lộ đang cân nhắc để "chim mặt ngu" đập cánh lại một lần nữa.
Biết đâu đấy, "nhưng hãy cứ nghỉ ngơi một thời gian đã," Đông bộc bạch.
Theo Vietnam+
Tác giả bài viết về Nguyễn Hà Đông trên Rolling Stone là David Kushner, một nhà báo và tác gia đã đoạt nhiều giải thưởng. Ngoài việc cộng tác với Rolling Stone, Kushner còn viết cho các tạp chí danh tiếng như The New Yorker, Vanity Fair, Wired, New York Times Magazine, New York, GQ.
Các cuốn sách của ông được nhắc đến nhiều, nhất là "Masters of Doom," hay "Jonny Magic and the Card Shark Kids." Ông còn là nhà sản xuất và cây viết cho website âm nhạc tiên phong SonicNet vào giữa thập niên 1990.
Kushner còn là nhà bình luận về văn hóa digital trên đài phát thanh NPR và là giáo sư báo chí của Đại học New York. Một số sách và bài bài của Kushner đang được dựng thành phim truyện hoặc phim truyền hình.