Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam (Long John Đồng Nai) vừa nhanh chóng đạt thỏa thuận đền bù cho Microsoft và Lạc Việt. Theo đó, Long John cam kết thực hiện mọi yêu cầu đặt ra từ Microsoft và Lạc Việt. Cụ thể là công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại 100% giá trị phần mềm vi phạm, khoảng hơn 1 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ sau hơn hai tháng TAND Đồng Nai chính thức thụ lý vụ kiện, các bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải. Long John đã phát đi thông báo công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt trên các phương tiện truyền thông do hành vi sử dụng phần mềm Microsoft Windows, Microsoft Office và từ điển Lạc Việt MTD không có bản quyền trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp này cũng thừa nhận hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm của Microsoft và Lạc Việt là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Qua sự kiện này, Microsoft và Lạc Việt đưa ra thông điệp đồng thời cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ “Sẽ không ngại khởi kiện bất kỳ đơn vị nào vi phạm bản quyền phần mềm của mình”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 17-6-2013, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng 4/C50, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã thực hiện cuộc kiểm tra đột xuất tại Công ty Long John Dong Nai. Các cơ quan này đã tìm thấy một lượng phần mềm lớn không có bản quyền của Lạc Việt và Microsoft cài đặt bất hợp pháp trong 69 máy tính sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Đại diện Long John Dong Nai đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận có hành vi sao chép, sử dụng phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho rằng:“Song song với việc tuyên truyền pháp luật về sở hữu trí tuệ thì cần phải có những biện pháp thực thi mạnh mẽ. Đứng về phía cơ quan Nhà nước, quan điểm của chúng tôi là khuyến khích các chủ sở hữu quyền tác giả nếu thấy các sản phẩm của mình bị xâm phạm thì nên đưa đơn ra tòa dân sự để giải quyết và có thể lấy lại được các thiệt hại do các đối tượng gây ra. Các biện pháp này cũng nhằm cảnh báo cho các đối tượng khác, từ đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm”.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ:“Cá nhân tôi, khuyến khích các doanh nghiệp khởi kiện, bởi giải quyết bằng luật là cách giải quyết tốt nhất, triệt để nhất và hướng tới phải giải quyết theo hướng này chứ không phải chỉ xử lý hành chính như lâu nay”. Ông Thành cũng cho rằng, cần phải nâng cao năng lực hoạt động của toà án, giảm bớt những phiền phức, nhiêu khê. Đồng thời, tiến tới các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đều giải quyết thông qua toà án thì cần có những thẩm phán chuyên nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Theo BSA Liên minh phần mềm cùng các thành viên chia sẻ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam bị kiện ra tòa. Có nghĩa là nhiều doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm bất hợp pháp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện.