Vào những năm 1995, sự xuất hiện của những chiếc máy tính cá nhân trong những gia đình là điều rất quý giá, đặt biệt là ước mơ được tiếp cận những chiếc pc thời bấy giờ. Rồi thì những đam mê trổi dậy của các thế hệ 8x, những thế hệ mà có thể nói là may mắn được trải nghiệm và tìm hiểu về chiếc PC ấy. Nào là tìm cách sao chép game bên ngoài tiệm net bằng đĩa mềm (dù lúc đó bạn chỉ toàn sao chép tệp shortcut), nào là tìm cách cài Windows bằng những dòng lệnh trong MS-DOS...Dù cách này hay khác, các bạn đều “vô tình” nhìn thấy ổ đĩa có kí tự quen thuộc - Ổ “C” trên hệ điều hành Windows. Nhiều người thậm chí còn thản nhiên cho rằng ổ C là cái tên… mặc định của ổ cứng máy tính, giống như cách bạn gọi cái ghi-đông xe đạp là ghi-đông vậy (Trong tiếng Pháp gọi là Guidon).
Vậy thật sự, ẩn sau kí tự đơn giản “C” thường thấy này là những gì? Hãy cùng chúng tôi, đi ngược dòng thời gian để giải đáp bí ẩn này!
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao lại có ổ đĩa C chưa?
Trước hết các bạn nên nhớ rằng, ngày xưa các máy vi tính không gọn nhẹ như bây giờ đâu (nói vui thì đó đúng là những cỗ máy khổng lồ thật sự). Nên ngoài việc điều khiển những dàn máy móc có cân nặng lên đến hàng tấn, người ta còn phải quản lí phần “nhân” bên trong, tức là những thành phần cấu tạo nên cỗ máy đó. Mà ý tưởng đặt tên cho các linh kiện lưu trữ bằng các kí tự đơn giản để dễ dàng quản lí bắt đầu từ đâu? Đó chính là sự kế thừa từ hệ điều hành do IBM lập trình vào những năm 60, bắt đầu từ hệ thống CP-40, CP/CMS và sau đó là sự sao chép đến từ những nền tảng hệ điều hành CP/M, do Digital Research sáng tạo nên. Ban đầu những kí tự được tạo ra để “đánh dấu” cho ổ lưu trữ ảo (logical drive), nhưng sau đó nó lại dùng cho các ổ lưu trữ vật lí (physical drive) chuyên biệt.
Có câu chuyện tôi muốn kể cho các bạn, về nguồn gốc tại sao lại có cuộc gặp định mệnh giữa IBM và Microsoft, để rồi chúng ta có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ vượt bật của hệ điều hành huyền thoại này.
Bản hợp đồng bất thành và cơ duyên giữa IBM/Microsoft
Vào năm 1980, IMB có dự định sử dụng hệ điều hành CP/M (do Digital Research phát triển) trên những máy tính cá nhân của họ.Thế là có chuyện xảy ra, khi không có sự thống nhất giữa IBM và Digital Research về việc này. Theo lời đồn (tất nhiên khi mà chưa có một lời nói “thật” nào thì lời đồn vẫn khá là đáng tin cậy), khi ông Gary Kildall – người sáng lập ra CP/M bận đi vắng, thì IBM đã muốn vợ của ông, là bà Dorothy Kildall phải kí vào một hợp đồng (không được tiết lộ) để hoàn tất quá trình đàm phán này. Tất nhiên bà là một người phụ nữ mẫu mực, nên hoàn toàn từ chối quyền tự quyết trong vấn đề này, và yêu cầu phải nói chuyện với chồng của bà trước. Điều uẩn khúc trong này, đó là khi ông Gary vẫn thường giao cho vợ mình những công việc… theo kiểu này.
Nếu CP/M là “kẻ được chọn” liệu chúng ta có thể thấy được hệ điều hành Windows như ngày nay?
Những gì thật sự đang diễn ra bên trong sự việc này thật sự là một mớ lộn xộn (mà tính xác thực của nó vẫn chưa có ai biết ngoài người trong cuộc), mà nếu bạn muốn biết, có thể xem tiếp trong đoạn tóm tắt sau: Ông Gary có vẻ không có hứng thú với bản thỏa thuận của IBM về việc mang hệ điều hành CP/M lên những máy tính cá nhân của hãng này, mà theo như ông nói “IBM không hề coi trọng bản hợp đồng này”. Ông đề nghị sẽ có những cuộc gặp mặt riêng với đại diện của IBM sau chuyến công tác của mình. Có vẻ sự ngập ngừng từ hai bên đã khiến cho những thỏa thuận trên không bao giờ được thực hiện. Và điều kì diệu xảy ra ngay lúc đó, IBM quyết định sử dụng hệ điều hành do Microsoft phát triển, hệ điều hành Windows 1.0 dựa trên nền tảng x86 (hay còn gọi bằng cái tên quen thuộc MS-DOS), trên hệ thống máy tính cá nhân của họ.
Không cần phải nói về sự thành công của Windows, hẳn các bạn đều biết về sự thành công của nền tảng từng chiếm tới 90% hệ thống máy tính toàn cầu này.
Sự tương quan giữa hệ điều hành CP/M và kí tự “C” huyền thoại
Thật ra MS-DOS (tên viết tắt của Microsoft Disk Operating System – hệ điều hành quản lí ổ đĩa), là một bản sao của hệ điều hành CP/M, tất nhiên trong đó vẫn bao gồm khá nhiều nâng cấp và cải tiến để có thể chạy trên những thiết bị chuyên biệt lúc bấy giờ. Chính vì là bản sao, nên việc lấy một kí tự để đặt tên cho ổ đĩa, vốn dĩ xuất phát từ IBM, đã kéo dài tới tận ngày nay.
ỔC đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu của HDH MS-DOS
Thế là chúng ta đã giải quyết ẩn số về việc dùng kí tự để tượng trưng cho một ổ đĩa. Thế nhưng tại sao lúc nào cài lại Windows, hay một số hệ điều hành khác, ở đĩa chứa phân vùng hệ thống hầu như lúc nào cũng có tên là “C”. Theo một số lời bình hài hước, C tượng trưng cho Computer – tức là máy tính, nên ổ cứng máy tính phải là… C. Hay ngắn gọn hơn, “C” là Cứng, mà cứng thì tất nhiên đó phải là "Ổ Cứng" rồi.
Nếu những giả thuyết trên là đúng, thì quả thật MS hoàn toàn có khiếu hài hước không hề kém một chút nào. Nhưng để tăng tính khoa học cho bài viết, có một giả thiết khá đúng cho việc này.
Như các bạn đã biết (đặc biệt là những độc giả thuộc thế hệ 8x và 9x), chiếc đĩa mềm là vật bất ly thân của chúng ta, trong những ngày đầu chinh phục chiếc PC cứng đầu của mình. Cũng khá ngẫu nhiên, các ổ đĩa mềm trên những chiếc PC đầu tiêncũng đã nhanh chóng được đặt tên. Xuất phát từ việc dùng kí tự “A” cho ổ mềm 5 ¼-inch trên hệ điều hành MS-DOS (và một số hệ điều hành khác), sau đó là “B” trên ổ mềm 3.5-inch quen thuộc, nên sau này cứ nhắc đến ổ đĩa mềm là người ta gọi luôn là ổ A/B cho nhanh.
Cho đến khi ổ cứng bắt đầu có giá dễ chịu hơn một chút, và đã có thể trang bị cho các dàn PC cá nhân, người ta lại nghĩ đến việc… đặt tên cho ổ cứng. Bởi vì “ghế A và ghế B” đã có người ngồi rồi, nên ổ cứng phải “ngồi” ở ghế C là việc đương nhiên. Ta có thể coi đó chính là sự tích cho cái tên “ổ C chứa Windows”.
Dù sau này ổ đĩa mềm đã bị tháo khỏi hầu hết các dàn PC lẫn laptop, nhưng chính vì kí tự “C” đã tồn tại quá lâu và ăn sâu vào kí ức của người dùng, nên người ta vẫn giữ kí tự này cho đến bay giờ.