Shara Tibken - một cây bút kì cựu của trang công nghệ Cnet đã thực hiện bài viết này khi cô tới Hà Nội để tìm hiểu về nền công nghệ ở Việt Nam.
Bphone và những câu chuyện xung quanh
Vào đầu tháng Sáu, một vài tuần trước khi tôi đến đây, Bkav đã ra mắt Bphone, sản phẩm này được chào hàng là chiếc smartphone đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Theo một số cách nào đó, Bkav đang dần đi theo bước chân của Xiaomi bằng cách sản xuất smartphone giá rẻ cho thị trường nội địa nhằm tăng độ uy tín trên toàn thế giới.
Anh Tạ Minh Hoàng - Giám đốc sản phẩm di động của BKAV cho tôi thấy smartphone thông minh đầu tiên của công ty
Có thể thấy người Việt Nam không hề ngại chi tiền cho các thiết bị điện tử, điển hình là vào hồi năm ngoái, 24 triệu thiết bị di động đã được bán ở Việt Nam (dân số tổng cộng khoảng 94 triệu người), theo báo cáo của Strategy Analytics.
Vấn đề là người Việt Nam không hề đòi hỏi một chiếc điện thoại made in Vietnam, bởi họ đã và đang hài lòng với iPhone hoặc Samsung Galaxy. Với những người có thu nhập chỉ 3 - 4 triệu/tháng (150 USD) thì Bphone còn quá đắt. Ngoài ra, bản chất khoe khoang của CEO Bkav cũng đi ngược lại sự khiêm nhường, khiến nhiều người hoài nghi về việc Bphone được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
"Nếu bạn không thể chứng minh được một bộ phận bất kì trên điện thoại được sản xuất tại đây, thì làm sao có thể nói Bphone được sản xuất tại Việt Nam?” - một người dùng có biệt danh No Banh Nha Lau (tạm dịch Nổ Banh Nhà Lầu) đã để lại nhận xét trong một bài viết về Bphone hồi tháng 5 vừa qua.
Nhà máy sản xuất Bphone là một khu phức hợp công nghiệp được che phủ bởi những tấm tôn màu xanh lá cây, chỉ cách trụ sở Bkav khoảng 10 phút lái xe. Khi tôi đến thăm nhà máy lắp ráp điện thoại của Bkav, có khoảng ba chục người đang làm việc tại đây với trang phục xanh và trắng (làm tôi liên tưởng đến trang phục của bác sĩ và công nhân cơ khí). Mọi người đều đeo găng tay vải trắng, mặt nạ phẫu thuật và mũ vải màu xanh với vành để giữ cho các sợi tóc không rơi vào các bộ phận trên smartphone.
BKAV đã chi khoảng 20 triệu USD, cùng hơn 200 kỹ sư và mất 4 năm để phát triển điện thoại thông minh Bphone. Bkav đã thiết kế mọi thứ từ bo mạch chủ cho đến hệ điều hành BOS dựa trên nền tảng Android, đi kèm theo đó là nhiều ứng dụng do công ty thiết kế, bao gồm trình duyệt (Bhrome) và một ứng dụng gọi điện (Btalk).
Trước khi thiết bị được tung ra thị trường, một số người đã tự hỏi liệu Bphone có phải thực sự được thiết kế và sản xuất ở Việt Nam hay nó thực chất chỉ là một sản phẩm của Trung Quốc, giống như nhiều nhà cung cấp khác, chẳng hạn như MobiiStar đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất Trung Quốc để thiết kế smartphone, sau đó họ đặt thương hiệu của mình lên trên.
"Tại sao một số người nghĩ rằng Bphone không phải là một chiếc điện thoại Việt?” - CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết qua email. “Bởi thật khó để tin rằng Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.”
Đôi điều về Nguyễn Tử Quảng
CEO 40 tuổi của Bkav đã xây dựng phiên bản đầu tiên của phần mềm chống virus Bkav khi còn đang là sinh viên đại học năm thứ ba vào năm 1995. Sau đó, anh thành lập công ty để thương mại hóa các sản phẩm trong 10 năm sau đó. Hôm nay, Bkav đang là một trong những công ty phần mềm an ninh lớn nhất tại Việt Nam, với một chi nhánh tại Mountain View, California - Trung tâm của Silicon Valley.
Nguyễn Tử Quảng được biết đến như là một người nghiện làm việc, và ông cũng được đặt cho rất nhiều biệt danh như "Quảng nổ” hay “Quảng quăng bom” do tính chất khoe khoang.
Nguyễn Việt Phú, một cư dân Hà Nội (41 tuổi) đang làm việc cho đài truyền hình Việt Nam cho biết anh đã mua một Bphone 64GB gold ngay sau khi nó có sẵn. Anh muốn xem thử một chiếc smartphone Việt sẽ có gì sau khi bị mất chiếc iPhone 5S. "Bphone thực sự là một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp," anh cho biết qua e-mail. "Tôi rất hài lòng với thiết bị."
Tuy nhiên, còn rất nhiều người Việt khác không hề biết đến sự tồn tại của Bphone. Đặc biệt hơn, tại Việt Nam bạn sẽ thấy có rất nhiều cửa hàng bán iPhone và sử dụng logo của Apple để thu hút khách hàng, thậm chí là nó được in trên mọi thứ từ mũ bảo hiểm xe máy, áo thun,… mặc dù Apple không có một cửa hàng nào ở Việt Nam.
"Giá Bphone là quá cao", một người dùng có tên Anh Tuấn đã nói như vậy. "Tôi là một người yêu nước và sẵn sàng hỗ trợ các sản phẩm made in Việt Nam, miễn là nhận được các giá trị xứng với chi phí bỏ ra. Tuy nhiên đừng để lòng yêu nước của bạn được sử dụng như một mưu đồ tiếp thị.”