Những thuê bao mạng di động tại ba TP Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ ngày 15-6-2016 nhận được tin nhắn SMS của Bộ TT&TT thông báo: từ ngày 15-6-2016, Việt Nam ngưng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) ban đầu tại ba TP này với sáu kênh VTV6, VTV9, VTV5-TNB, VTC9, H2, và HTV7. Từ nay, các kênh này chỉ được phát dưới dạng kỹ thuật số (KTS) (digital) trên hệ thống truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Xu thế công nghệ mới
Chuyện chuyển đổi công nghệ truyền hình từ analog lên digital thật sự là một sự nâng cấp. Công nghệ analog được ứng dụng từ thuở ra đời của truyền hình có từ hơn 60 năm nay đã trở nên lạc hậu từ rất lâu lắm rồi, giống như chiếc xe ngựa kéo. Nó không chỉ cũ kỹ mà còn quá hạn chế so với các chuẩn mực và chất lượng nghe nhìn hiện đại.
Từ lâu nay, ngành truyền hình đã phải chịu đựng một tình trạng đầu voi đuôi chuột. Tất cả thiết bị sản xuất nội dung (máy quay phim, dựng phim,…) và thiết bị hiển thị (TV) đã sử dụng công nghệ KTS nhưng vẫn phải đeo mang thêm cái “cục nợ đời” phát sóng analog cho phù hợp với những hệ thống truyền dẫn và phát sóng analog từ ngày xưa còn lại, cũng như các “ông lão” TV analog còn sót lại trong các gia đình thu nhập thấp, chủ yếu ở vùng nông thôn.
Vì thế, lợi ích trước hết và thấy rõ nhất của truyền hình KTS là nâng cao chất lượng nghe nhìn. Đó là chỉ có truyền hình KTS mới có khả năng truyền phát được các nội dung có độ phân giải cao (HD) và cực cao (Ultra HD), kể cả nội dung 3D, hỗ trợ các loại TV LCD, LED có kích thước màn hình lớn và âm thanh Hi-Fi.
Truyền hình KTS cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn, trong lĩnh vực quản lý tần số. Chẳng hạn, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình với công nghệ analog nhưng có thể phát tới 20 chương trình với công nghệ KTS. Kết quả là người dân sẽ được xem nhiều chương trình truyền hình hơn (truyền hình cáp SCTV hiện phát hơn 200 kênh, HCTV hơn 150 kênh, truyền hình An Viên 130 kênh KTS vệ tinh,…).
Những chiếc tivi đời cũ không còn phù hợp với công nghệ mới và sắp chia tay người dùng. Ảnh: INTERNET
Còn cả một lộ trình
Không bàn cãi về mặt lợi ích, thực tế tiến độ số hóa truyền hình vì thế chủ yếu phụ thuộc vào khả năng Nhà nước hỗ trợ người dân xóa bỏ loại TV lạc hậu, cũng như tiếp tục bao cấp cho tất cả người dân được xem những kênh truyền hình công cộng miễn phí.
Vấn đề lớn nhất ở Việt Nam vẫn là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập thấp có được chiếc đầu thu KTS cho những chiếc TV thế hệ cũ mà họ đang xài. Giải pháp tốt nhất và căn cơ nhất là giúp người dân chuyển sang sử dụng những loại TV thế hệ mới hỗ trợ sẵn KTS. Hiệu quả kinh tế và xã hội sẽ thấy rõ ngay vì các TV thế hệ cũ ngốn điện dữ dằn và làm nóng môi trường hơn rất nhiều. Với đối tượng người dùng rộng rãi này, đâu cần tới những loại TV cao cấp, chức năng đỉnh có giá cao. Nếu kết hợp chính sách trợ giá với phương thức trả góp, trả chậm, tất cả các bên sẽ cùng… cười!
Ngay cả ở Mỹ, quá trình chuyển đổi truyền hình analog sang DTV cũng chẳng dễ dàng gì. Đạo luật Chuyển đổi KTS và An toàn công cộng năm 2005 ấn định ngày tắt sóng truyền hình analog của các đài truyền hình chính là 17-2-2009. Luật quy định liên bang tài trợ một phần chi phí mua hộp chuyển sóng cho những nhà có thu nhập thấp. Sau đó Đạo luật DTV Delay ra đời cho phép hoãn ngày cắt sóng tới tháng 6-2009 nhằm có thể giúp hàng triệu gia đình vẫn chưa tới lượt được nhận trợ cấp chuyển đổi không bị “tắt đài”. Tuy nhiên, vào đúng ngày “n” ban đầu đó, có 641 đài truyền hình (chiếm 36% tổng số đài truyền hình ở Mỹ) đã chuyển sang KTS. Cho tới giữa năm 2015, tôi vẫn thấy có những căn nhà vùng sâu, vùng xa ở Mỹ còn dựng những cột ăng-ten xương cá để thu truyền hình analog và ở ngay gần thủ phủ của bang California, tôi cũng từng được xem truyền hình analog với chất lượng buồn ơi là rầu.
Trên thế giới những nước đầu tiên chuyển sang truyền hình KTS là Luxembourg (năm 2006); kế đó là Hà Lan (2006); Phần Lan, Andorra, Thụy Điển và Thụy Sĩ (2007). Úc và New Zealand (năm 2013)… Lộ trình chuyển đổi của Anh từ năm 2008 tới 2012. Riêng về công nghệ thì truyền hình KTS có ba hình thức truyền phát tín hiệu: truyền hình số mặt đất (DVB-T2) phải dùng ăng-ten thu sóng từ các đài phát, truyền hình số hữu tuyến (DVB-C2) dùng cáp nhận tín hiệu từ các nhà cung cấp dịch vụ và truyền hình số vệ tinh (DVB-S2) dùng ăng-ten chảo thu sóng từ vệ tinh. |