Trong bối cảnh thế giới nóng lên bởi những nguy cơ bất ổn, có người hỏi rằng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba liệu có xảy ra? Người thì lo rằng nó xảy ra ở Đông Âu, kẻ lại ngó về biển Đông ở châu Á, người quan ngại tới khu vực Tây Á với lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo IS. Thế nhưng dường như mọi chuyện là bắt đầu ở một nơi khác và một không gian khác.
Khả năng tin tặc là vô tận
Trong một báo cáo công bố tại Hà Nội ngày 25-5, công ty an ninh mạng FireEye (Mỹ) cho biết có một chiến dịch tấn công trên mạng nhằm vào khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Một nhóm tin tặc trình độ siêu đẳng gọi là APT30, được nghi ngờ là ở Trung Quốc, đã cài hàng trăm mã độc (malware) vào hệ thống máy tính của các cơ quan quan trọng ở các nước này, trong đó có Việt Nam để theo dõi, đánh cắp thông tin và làm những trò gì đó. Điều gây sốc là bọn này đã hoạt động như vậy từ ít nhất là năm 2005, nghĩa là trong suốt một thập niên qua.
Từ thực tế là trong suốt 10 năm qua, nhóm tin tặc trên chỉ sử dụng một cơ sở hạ tầng duy nhất, không thay đổi xoành xoạch như các tin tặc thông thường và có khả năng tấn công hàng ngàn máy tính cùng một lúc, các chuyên gia Mỹ cho rằng chúng có nhiều khả năng được “chính phủ nào đó” bảo trợ để theo dõi các nước khác. Bằng chứng là APT30 đã tấn công vào các cơ quan, tổ chức có nhiều thông tin mật về chính trị, quân sự, kinh tế… mà các chính phủ nước ngoài thích nắm được. Trong số các nạn nhân bị theo dõi đó có nhiều tờ báo của Việt Nam. Thật là đáng để sợ khi các chuyên gia an ninh mạng Mỹ cho biết nhóm tin tặc APT30 đã sử dụng công nghệ tấn công vào mạng tuyệt đối, chủ yếu là các mạng nội bộ không có kết nối Internet thông thường. Nghĩa là không cần phải vào Internet cũng bị tấn công.
Các chiến binh mạng đang quan sát một cuộc thử nghiệm trận chiến ảo tại Bộ Chỉ huy trung tâm ở căn cứ không quân Eglin (Mỹ). Ảnh: Internet
Chiến tranh bằng truyền thông xã hội
Trước đây là lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban ở Afghanistan, sau đó là tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda và hiện nay là lực lượng IS đã cho thấy khả năng khai thác thế mạnh của các mạng truyền thông xã hội để tuyên truyền, tấn công kẻ thù.
Từ sáu năm nay, Bộ Quốc phòng Israel đã thành lập đơn vị truyền thông New Media Desk (NMD) với nhiệm vụ dùng các phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến như Twitter, Facebook và cả YouTube để giúp thế giới “hiểu và thông cảm” cho hoạt động của quân đội Israel. Những cuộc đấu khẩu trên mạng xã hội thường nổ ra giữa quân đội Israel và các tổ chức Hồi giáo. Chẳng hạn như ngay sau khi loan báo đã triệt hạ được thủ lĩnh Al-Jabari của phiến quân Hồi giáo, quân đội Israel đưa lên mạng Twitter tuyên bố nhằm thẳng vào Hamas: “Chúng tôi khuyến cáo rằng không có một thành viên Hamas nào, dù là nhà lãnh đạo cấp thấp hay cấp cao, có thể chường mặt ra trên mặt đất trong những ngày tới”.
Được truyền cảm hứng từ cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2011 mà phe đối lập biết tận dụng các mạng xã hội để huy động dân chúng, người Palestine ở Dải Gaza cũng sử dụng các phương tiện trực tuyến này cho cuộc đấu tranh chống cả quân đội Israel lẫn phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas.
Nâng cấp “lính biên phòng” trên mạng
Về truyền thống ở các nước, lực lượng biên phòng bảo vệ biên giới trên đất liền, hải quân bảo vệ vùng biển, phòng không - không quân bảo vệ bầu trời. Thế nhưng hiện nay xuất hiện thêm một đội ngũ mới là các chuyên viên an ninh mạng. Lực lượng này đang phát triển ngày càng đông và mạnh hơn, tỉ lệ thuận với quy mô điện toán hóa của quốc gia và tay nghề của bọn tin tặc.
Báo Indian Express (28-5) cho biết nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong một chuyến viếng thăm đã yêu cầu nhà lãnh đạo Ấn Độ cho các chuyên gia tin học nước mình hợp tác với Đức để cùng chống lại cuộc chiến tranh trên mạng. Bà cho biết việc có một triệu máy tính ở Đức đã bị lây nhiễm virus Botnet cho thấy nước châu Âu này dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng. Ấn Độ cũng chẳng hơn gì, năm ngoái đã bị thiệt hại 4 tỉ USD vì các cuộc tấn công mạng.
Báo Washington Times (1-4-2015) cho biết Bắc Kinh đang chạy đua với Mỹ trong cuộc chiến tranh mạng. Sau khi kết luận rằng các chương trình mạng quân sự của mình “thua xa lắc xa lơ Mỹ”. Hiện nay, Bắc Kinh đầu tư cho lĩnh vực chiến tranh mạng lượng ngân sách nhiều hơn 20%-30% so với những năm trước. Với ngân sách quốc phòng năm 2015 khoảng 143,6 tỉ USD, Trung Quốc đã nâng phần đầu tư cho chiến tranh mạng từ hàng trăm triệu đồng lên hàng tỉ USD.
Do hậu quả của suy thoái kinh tế kéo dài, Mỹ có phần bị đuối hơn trước trong đầu tư tăng cường sức mạnh an ninh mạng. Quân đội Mỹ đang yêu cầu khoản ngân sách dành cho các hoạt động mạng trong năm tài chính 2016 vào khoảng 5,5 tỉ USD. Hầu hết số tiền này được tập trung cho cơ sở hạ tầng mạng. Chỉ có khoảng 8% trong ngân sách này được dành cho Bộ Tư lệnh mạng (Cyber Command) và việc triển khai các lực lượng chiến binh mạng.
Thôi thì ai có mạng thì ráng mà giữ mạng kẻo mất mạng như chơi!