Không gian trưng bày sản phẩm làm từ tre của anh Võ Tấn Tân (46 tuổi) đặt tại thôn Thanh Tam (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam).
Đây cũng chính là nơi anh Tân biến những khúc tre vô tri thành những kiệt tác bằng tre đẹp không tưởng, chinh phục du khách bốn phương.
10 năm trước, anh Tân bắt đầu công việc với cây tre bằng sản phẩm chủ lực là xe đạp. Đây là sản phẩm quyết định hướng đi của anh - thủ công mĩ nghệ. Anh đã tạo ra được những sản phẩm có giá trị kinh tế, nghệ thuật, cũng như nâng tầm cây tre.
Sau 4 năm chỉ sản xuất xe đạp tre, tài năng của anh được nhiều người biết đến. Anh đứng trước lựa chọn đầu tư làm công nghiệp hay thủ công.
Cuối cùng, anh chọn riêng cho mình cách làm thủ công, nhưng lần này đã đa dạng sản phẩm, mẫu mã hơn trước kia - chỉ làm xe đạp tre.
“Khi làm đa dạng sản phẩm, mình tận dụng được nguyên vật liệu, gần như sử dụng tất tần tật, không phải bỏ phí phần nào của cây tre. Cũng chính vì sự đa dạng sản phẩm đã làm đa dạng hình thức của xưởng mình lên.
Lúc đó thu hút được khách du lịch, người ta rất ngạc nhiên khi cây tre làm ra được rất nhiều sản phẩm khác nhau”, anh Tân nói.
Sau thời gian, xưởng của anh Tân bây giờ có nhiều sản phẩm chế tác các loại động vật, côn trùng khác nhau có kích thước khổng lồ. To nhất trong số ấy là con bọ ngựa, có kích thước lên đến 4m.
“Đó là cách mà mình muốn chinh phục cây tre. Khi mình có được ý tưởng lớn thì tìm cách chinh phục, làm sao tạo được những sản phẩm có kích thước lớn từ duy nhất một chất liệu là tre.
Đến bây giờ, gần như mình chinh phục được những thứ khó nhất, mọi yêu cầu của khách hàng mình đều có thể đáp ứng được”, anh Tân chia sẻ.
Song song với việc sản xuất, anh Tân tổ chức mô hình workshop cho du khách, học sinh, sinh viên trải nghiệm.
Anh cho rằng, đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh cây tre với bạn bè thế giới, tạo được ấn tượng với du khách. Những sản phẩm từ tre cũng là lời khẳng định rằng có nhiều thứ hoàn toàn có thể tạo ra được từ cây tre, không nhất thiết bằng nhựa, hay kim loại.
Khi bắt đầu khẳng định được bản thân, anh Tân nhận những đơn hàng với yêu cầu rất cao, nằm ngoài sự tưởng tượng. Khách hàng yêu cầu sản xuất những con vật có kích thước rất lớn, lúc đó anh thay đổi cách làm.
Anh và thợ nghiên cứu cho ra các sản phẩm lắp ráp từ tre. Khi khách hàng mua sản phẩm, thợ sẽ hướng dẫn và họ có thể tự lắp ráp lại với nhau, kết nối bằng các modun.
“Đây là thử thách mới, tre tạo ra modun rất khó. Anh em tìm cách và đã đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, cơ sở nhập và xử lý để tre thành vật liệu trường tồn với thời gian. Đến bây giờ thì mình chinh phục được các yêu cầu khó nhất về mặt kĩ thuật”, anh Tân nói.