Những người “cứu” tương lai trong vài mẩu chuyện dưới đây đã có lúc bị gọi là “khùng”, nhưng họ đã chứng minh một điều tưởng chừng như “nhiệm vụ bất khả thi”: Biến rác thành cơ hội và thành “kho báu”.
Cách đây bốn năm, nhà sáng lập của PLASTICPeople, Nestor Catalan (Tây Ban Nha) đã từ bỏ công việc trong ngành quảng cáo để đi nhiều nơi trên thế giới, với mong muốn sống cùng với đam mê. Còn Nano Morante (Argentina) ngay từ thuở bé đã có ước mơ muốn thay đổi cả thế giới và làm điều gì đó khác biệt để kết nối mọi người.
Cả hai chàng trai đặt chân đến Việt Nam, họ đã gặp nhau ở một ý tưởng mang tên PLASTICPeople khi nhìn thấy những núi rác.
“Khi làm việc cùng với nhau, tôi và các cộng sự cố gắng tìm các giải pháp liên quan đến nhựa. Dù là giải pháp chung, giải pháp cụ thể hay bất kỳ giải pháp nào cũng phải hướng đến mục tiêu lâu dài.
Cụ thể, chúng ta phải tìm nguồn rác thải nhựa, xử lý rác thải nhựa, tìm các phương pháp để tái chế chúng và đặc biệt là tìm thị trường, tìm đối tượng khách hàng mua các sản phẩm đó vì nếu như không tìm ra được thị trường thì không có sự tuần hoàn cung cầu.
Do đó, chúng tôi lúc nào cũng cố gắng hết sức có thể để tạo ra sản phẩm và cố gắng tìm được thị trường tốt” - Nano Morante hào hứng chia sẻ.
Ý tưởng khởi đầu của PLASTICPeople đó là tái chế rác thải nhựa từ các đầu mối thu gom “đắc lực” như ve chai hay thu nhận rác thải từ hộ gia đình, trường học…
Sẽ dễ dàng để khởi đầu cho một ý tưởng khác biệt. Nano bị cho là “điên rồ” ngay từ lúc chia sẻ ý tưởng này với mọi người. Anh không tự ti, trái lại, điều đó thôi thúc anh phải làm bằng được để chứng minh cho mọi người thấy sự sáng tạo không giới hạn của mình. Nhiều định kiến, câu hỏi cũng được đặt ra về cái mà họ cho là mơ hồ như: Làm sao mà mở được doanh nghiệp, làm sao duy trì hoạt động và xoay nguồn tài chính…?
“Sự điên rồ của tôi thể hiện ở chỗ tôi không thoả mãn trong vùng an toàn. Nhưng đôi khi chúng ta cũng chẳng cần quan tâm đến quá nhiều lời nói. Hãy tự do sáng tạo và tìm những cộng sự thích hợp.
Khi đặt niềm tin vào việc mình lựa chọn, rồi đặt hết tất cả những thứ mình có vào trong đó, nỗ lực hết sức, đặc biệt mình có khả năng áp dụng ý tưởng vào cuộc sống thực, thì khi đó mọi thứ mới có thể thực hiện được” – Nano nói.
Từ hai chiếc máy nung và ép nhựa, Nano và Nestor đã tạo ra những tấm nhựa ép đầu tiên. Thoạt nhìn những tấm ván nhỏ xinh bằng lòng bàn tay có hoa văn nổi vân đẹp mắt, họ không kiềm chế được niềm hãnh diện, hạnh phúc của mình.
Thế nhưng, PLASTICPeople không dừng lại ở việc tạo ra những tấm ván nhỏ để “ngắm cho vui” mà còn làm ra những thứ hữu dụng trong đời sống như một chiếc lót cốc, một hộp đựng đồ thìa, nĩa, chậu hoa; mặt bàn ghế; xây dựng nhà ở, thiết kế các tiểu công trình… và thậm chí là thùng đựng rác cũng được làm từ rác.
Thay vì chỉ xử lý những chất liệu thông dụng, PLASTICPeople tiếp nhận tất cả các loại nhựa như vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ống hút cho đến bao bì dư thừa từ các nhà máy.
Không dừng lại ở đó, với việc tìm tòi và điều chế ra những vật liệu tái chế, họ cũng hoàn thiện dần phương pháp truyền thông và mở rộng mạng lưới nhân sự, cộng tác viên để tiến đến việc tự chủ nguồn nhiên liệu thô thông qua các chương trình hợp tác với những công sở, chung cư, trường học, hàng quán – những nơi cùng chia sẻ mối quan tâm về môi trường.
“Vì đây là sản phẩm từ rác thải nhựa nên chúng tôi phải nghiên cứu và hiểu về từng loại rác thải nhựa khác nhau, loại nào có khả năng cứng hơn, loại nào an toàn hơn, rồi sau đó chúng tôi mới tiến hành làm ra các sản phẩm từ chúng. – Nano cầm một miếng ván nhựa cho chúng tôi xem và phân tích.
Với 1 tấn rác thải nhựa, PLASTICPeople có thể tạo ra một tấm ván diện tích từ 15-20 m2 và thời gian hoàn thành khoảng 1,5 ngày. Giá cả của các sản phẩm phụ thuộc vào loại vật liệu và chất lượng. Nano tự tin “cá” với chúng tôi rằng, đây là những sản phẩm có một không hai trên thế giới.
“Đây là sản phẩm có một không hai trên thế giới” – Nano khẳng định
Người sáng lập PLASTICPeople nói, “Bất kỳ ai phân loại rác nhựa tại nhà đều có thể kết nối với chúng tôi thông qua Facebook. Chúng tôi có một lộ trình, cách thức, hướng dẫn để phân loại rác tại nguồn.
Mọi người cứ gửi “rác” đến, chúng tôi sẽ tái chế và biến chúng thành những tuyệt tác không thể ngờ tới: mái ngói, nội thất ở nhà hay các quán cà phê…
Một khi đồng hành cùng nhau, chúng ta sẽ có thể thay đổi. Và tôi cũng muốn nói rằng, tôi không phải là người làm thay đổi mọi thứ, tôi là “phương tiện”, là “nhịp cầu nối” cho mọi người cùng nhau hành động, thay đổi”.
Rất nhiều mục tiêu truyền cảm hứng ở phía trước khiến cho Nano và Nestor luôn luôn bận rộn. Hai chàng trai tin rằng, mỗi quốc gia họ lựa chọn đặt chân đến đều có sự tương đồng để cùng nhau hướng đến một điều tốt đẹp hơn.
Nano nói: “Tôi không hề muốn mình quá giàu có, mà đơn giản chỉ để chi trả cho các chi phí của cuộc sống của mình và trả lương cho các thành viên trong nhóm. Chúng tôi cũng có các nhà đầu tư và mang về doanh thu nhưng tất cả chúng tôi đều hướng đến một mục tiêu duy nhất là con người và cộng đồng”.
“Nhựa vẫn là nhựa, dù bạn có biến đối nó qua bảy chu kỳ hay làm bất cứ biến đổi nào đi chăng nữa thì đây vẫn là nhựa. Tôi muốn nói rằng, thay vì bạn vứt bỏ đi một loại rác thải nhựa nào đó, hay thậm chí những viên gạch, mái ngói mà chúng tôi đã tái chế ra mà chúng bị hư hỏng, thì cứ mang chúng đến cho chúng tôi, chúng tôi sẽ biến đổi, tái chế thậm chí đến 25 lần. Và cứ thế chúng cứ được tái chế, tái chế theo một vòng tuần hoàn, và hiển nhiên tác động của rác thải nhựa đến với môi trường hầu như được giảm đáng kể”.
Nano cùng các cộng sự không ảo tưởng việc tái chế sẽ giúp mọi người không sử dụng đồ nhựa nữa – “Vì đồ nhựa là một phát minh – nó tiện dụng và rẻ” – Nano nói, nhưng PLASTICPeople không chỉ mang đến giải pháp thiết kế hay những sản phẩm hữu dụng mà quan trọng là truyền cảm hứng cho mọi người để thay đổi nhận thức để bảo vệ môi trường.
Con đường dẫn vào ngôi nhà lắp ghép thông minh của ông Phan Trọng Hoàn tại ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An toàn… rác là rác. Nhưng vượt qua sự mất thiện cảm ban đầu đó, là sự ngỡ ngàng, bởi trên một khoảnh đất nền cỏ xanh mướt, có một ngôi nhà nhỏ xinh với kiểu dáng hiện đại mọc lên.
Một ngôi nhà làm từ thứ mà mọi người bỏ đi: Rác!
Vật liệu xây dựng để làm nên căn nhà này là từ vỏ trấu và rác thải nhựa. Rác thải nhựa được ông Hoàn thu gom, làm sạch và nghiền, sau đó thêm một số phụ gia chống cháy và chống ẩm mốc. Sau khi có nguyên liệu, ngôi nhà được hoàn thành chỉ khoảng năm ngày, chi phí chưa đến 200 triệu đồng.
Rác bỏ đi được ông Hoàn sử dụng để làm vật liệu xây nhà, ngôi nhà với diện tích khoảng 60 m2 được xây dựng vào 2013.
Ban đầu, ông Hoàn thử thách bản thân chỉ riêng với rác thải nhựa nhưng sau một thời gian nghiên cứu, ông Hoàn cho biết hiện có thể sử dụng nhiều loại rác thải để làm vật liệu mà không cần phải phân loại.
Ý tưởng làm nên ngôi nhà này xuất phát từ một chuyến công tác về miền Tây của ông Hoàn cách đây nhiều năm:
Cũng trải qua nhiều lần thất bại, nhưng ông Hoàn luôn kiên trì bền bỉ, không đầu hàng. Kết quả ông đã tạo ra một loại nguyên liệu xây nhà, hoàn toàn có thể thay thế tốt với những nguyên liệu khác.
Ông Hoàn chia sẻ, ngoài ngôi nhà rác ở Long An, cũng đã có nhiều căn nhà khác làm từ vật liệu này ở nhiều tỉnh, thành khác.
Chia sẻ về cuộc đời ông Hoàn, chắc có lẽ đây là một nhân vật “kỳ lạ”. Mặc dù đã ở độ tuổi ngoài 70, nhưng với vẻ bề ngoài vạm vỡ, khoẻ mạnh, bên trong toát lên tinh thần nhiệt huyết trong công việc, hơn cả một thanh niên đôi mươi.
“Mỗi ngày tôi ngủ rất ít, tôi đam mê nghiên cứu có khi đến quên ăn. Tôi xuất thân từ nghề cơ khí, chứ không phải ngành môi trường, nhưng có lẽ có nhiều cơ duyên đưa tôi đến với môi trường, tôi nghĩ ai cũng phải có trách nhiệm với môi trường mình sống.
Để bảo vệ được môi trường, chúng ta hoàn toàn không thể làm một ngày một bữa mà phải thật sự kiên trì. Hiện nay nhiều người chỉ thấy cái lợi trước mắt mà tàn phá môi trường, sử dụng nhựa vô tội vạ mà lại không có giải pháp hạn chế hoặc tái chế. Với cách làm này, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ môi trường sống của mình, đồng thời chúng có thể giúp chúng ta phát triển nền kinh tế tuần hoàn”.
Không ít lần gặp vấn đề về sức khoẻ, nhưng sau khi bình phục, ông Hoàn lại nghĩ và đưa ra nhiều sản phẩm mới:
“Sau những căn nhà làm từ vật liệu là rác thải, tôi có còn nghĩ dùng nhựa tái chế làm đê chắn sóng biển, làm nhà nổi, nhà trên biển. Phải xoay vòng đời của rác thải, để chính nó là một nguồn mang lại hiệu qủa kinh tế chứ không hẳn chỉ mang ý nghĩa là rác như cái tên mà nhiều người né tránh khi nghe đến”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàn cho rằng “khởi nghiệp” ở tuổi nào cũng không thành vấn đề. Với ông, đừng coi rác là rác mà hãy coi nó là…kho báu. Bất chấp những thách thức, ông Hoàn vẫn tiếp tục làm việc và nghiên cứu, bởi có quá nhiều điều nhức nhối về môi trường đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày…