Sông Hậu, đoạn qua thủy phận tỉnh Vĩnh Long.

Nhiều ý kiến xung quanh dự án kênh Funan Techo

(PLO)- Dự án kênh Funan Techo ảnh hưởng đến hàng triệu cư dân lưu vực sông Mekong.

Dự án kênh Funan Techo của Campuchia dự kiến xây dựng nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu quốc tế về sông Mekong và các nhà khoa học Việt Nam. Hiện thông tin về dự án này phía Campuchia cung cấp khá hạn chế, trong khi lo ngại những tác động của dự án với sông Mekong và những tác động xuyên biên giới lại chưa được làm rõ.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), về các luận cứ khoa học liên quan đến dự án này.

P23-chuyende-h1.jpg
Sông Hậu, đoạn qua thủy phận tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: VPCT

Dữ liệu, thông tin dự án hạn chế

. Phóng viên: Thưa PGS-TS Lê Anh Tuấn, ông nhận định như thế nào về dự án này?

P23-chuyende-h3.jpg
PGS-TS Lê Anh Tuấn trao đổi với PV. Ảnh: TD

+ PGS-TS Lê Anh Tuấn: Tháng 8-2023, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) nhận được văn bản từ Ủy ban sông Mekong Campuchia thông báo về dự án đường thủy nội địa kênh Funan Techo. Văn bản dài 15 trang nhưng phần thông tin dự án chỉ chưa tới bốn trang. Nội dung chỉ là tóm lược đơn giản nhất, dữ liệu chủ yếu là tổng quan, không có các thông số chi tiết…

Tôi được biết phía MRC đã lên tiếng đề nghị Campuchia cung cấp thêm thông tin về dự án này. Bởi dữ liệu, thông tin gói gọn như thế rất khó để có những đánh giá cụ thể và chi tiết về các tác động, ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của dự án này đối với sông Mekong.

Để cặn kẽ hơn, có thể tóm lược sơ bộ thế này: Để hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định Mekong 1995, MRC đã xây dựng năm bộ quy tắc về sử dụng nước, bao gồm: Thủ tục chất lượng nước; thủ tục trao đổi và chia sẻ thông tin số liệu; thủ tục giám sát sử dụng nước; thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính; thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA). Trong đó, PNPCA được thông qua vào tháng 11-2003.

“Dữ liệu, thông tin gói gọn như thế rất khó để có những đánh giá cụ thể và chi tiết về các tác động, ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của dự án này đối với sông Mekong.”

PNPCA gồm ba quy trình riêng biệt được các quốc gia thành viên MRC đồng ý áp dụng đối với những dự án sử dụng nước từ lưu vực sông Mekong với quy mô có thể làm thay đổi đáng kể dòng chảy hoặc chất lượng nước trên dòng chính của sông Mekong.

Đó có thể là các dự án thủy lợi, thủy điện, cấp nước quy mô lớn. PNPCA được xây dựng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường và sinh kế của cộng đồng người dân ven sông ở cả thượng lưu và hạ lưu.

Nhìn vào dữ liệu và thông tin ít ỏi về dự án thì rõ ràng dự án chuyển nước từ sông Mekong qua sông Bassac, sau đó tiếp nối trên sông Bassac một đoạn rồi vào đoạn 2 của kênh Funan Techo. Bởi sông Mekong khi chảy đến Phnom Penh thì chia ra làm hai phân lưu là sông Bassac và sông Mekong. Dự án kênh Funan Techo là chuyển nước từ sông Mekong về sông Bassac thông qua phân đoạn 1 của dự án kênh Funan Techo. Sau đó, nguồn nước sông Bassac được điều chuyển vào phân đoạn 2 của kênh Funan Techo để lưu thông suốt 180 km trước khi đổ ra biển.

Điều đó cho thấy kênh Funan Techo sau này khi đi vào vận hành sẽ lấy đi một lượng nước của sông Mekong. Chắc chắn lượng nước về hạ lưu và vùng ĐBSCL sẽ bị chia sẻ. Vấn đề là lượng nước ấy là bao nhiêu vào mùa mưa và mùa khô.

Ngày 11-4, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực ĐBSCL. Từ đó, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.

Cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ

. Thưa ông, như vậy liệu có đánh giá được tác động của việc chuyển nước này với sông Mekong và hơn cả là vùng ĐBSCL - nơi trên 80% tổng lượng nước ngọt phụ thuộc vào thượng nguồn sông Mekong?

+ Dự án này do các số liệu rất hạn chế, hồ sơ không có báo cáo dự kiến quy trình vận hành hệ thống kênh, trong khi có những bản vẽ kỹ thuật chi tiết không cần thiết so với các thông tin căn bản về nguồn nước, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Báo cáo gửi cho MRC chỉ đề cập đến chức năng kênh như một thủy lộ hay kênh giao thông thủy, không khẳng định chức năng khác của kênh có phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, lấy nước cho sinh hoạt và cung ứng cho hoạt động sản xuất công nghiệp hay không, ở mức độ khai thác như thế nào.

Do vậy, từ nghiên cứu sơ bộ, theo chủ quan của tôi đánh giá về các tác động chỉ mang định tính nhiều hơn định lượng. Qua số liệu phía nước bạn cung cấp, tính toán sơ bộ để ước lượng nhanh, nếu kênh đi vào vận hành sẽ làm dòng chảy về vùng ĐBSCL suy giảm mạnh (6%-10% vào mùa cạn). Tuy nhiên, qua phát ngôn của giới chức Campuchia thời gian gần đây cho thấy kênh này không chỉ phục vụ giao thông thủy mà còn cho mục tiêu phát triển nông nghiệp.

Với thêm mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp thì lượng nước lấy từ kênh, nếu xét cho mùa khô thực chất lấy từ sông Hậu, sẽ nhiều hơn lượng nước cho giao thông thủy. Do vậy, dự án này phải chuyển nước từ sông Tiền qua sông Hậu để cân bằng thêm cho nguồn nước. Đó có lẽ là lý do chính khi dự án kênh Funan Techo phải làm một đoạn kênh chuyển nước từ sông Tiền (Trans-Bassac) sang sông Hậu (Bassac) như chính sơ đồ mà phía Campuchia cung cấp.

Như vậy, theo bản đồ và ước tính trên, kênh Funan Techo đã lấy nước trực tiếp từ cả dòng chính sông Hậu và sông Tiền, chứ không phải một phụ lưu nào của hệ thống sông Mekong. Trong khi đó giới chức Campuchia khẳng định là “kênh này không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong, vì nó không nối trực tiếp với sông Mekong mà nối với sông Hậu”.

Khoa học cần có dữ liệu đầu vào thì mới có thể tính toán và phân tích để có những kết luận chuẩn xác để dự án này khi đi vào vận hành sẽ không ảnh hưởng đến cộng đồng gần 70 triệu dân lưu vực sông Mekong.

Nhiều ý kiến xung quanh dự án kênh Funan Techo
Ngã ba sông Hậu Giang, nơi dòng chảy đổ vào sông Cần Thơ. Ảnh: QUANG VINH

. Điều ông vừa phân tích đồng nghĩa với việc nếu dự án này triển khai thì vùng ĐBSCL sẽ đối mặt với nguy cơ đã thiếu lại càng thiếu nước?

+ Đó là điều không tránh khỏi. Giả sử dự án kênh Funan Techo hiện tại bị trì hoãn 1-2 năm nhưng sau này sẽ có những Funan Techo 1, 2, 3 hay 4… không thể đoán định được. Thế nên với vùng ĐBSCL, cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Thậm chí phải đưa những nguy cơ và thách thức như dự án Funan Techo vào để phân tích và đánh giá kỹ càng khi hoạch định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của vùng ĐBSCL.

Nước là nền tảng phát triển vùng ĐBSCL, đặc điểm thủy văn dòng chảy thay đổi có thể tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước của vùng. Các tiên đoán ảnh hưởng bất lợi khác theo quan điểm cá nhân tôi có thể là: Các công trình kiểm soát nước đã xây dựng như cống đập Trà Sư, hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao, vùng đê bao ba vụ, khu dân cư vượt lũ… sẽ thay đổi chức năng và giảm hiệu quả vận hành.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể phải điều chỉnh vì trước đó đã không xem xét yếu tố dự án kênh Funan Techo. Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao có thể bị ảnh hưởng do đặc điểm nguồn nước thiếu hụt. Nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở vùng ven biển Tây Nam sông Hậu có thể nặng nề hơn và tốn kém hơn để hạn chế. Thiếu hụt nước ngọt đến vùng ĐBSCL sẽ ảnh hưởng tới hàng chục dự án ứng phó với biến đổi khí hậu…

Dự án kênh Funan Techo

• Ngày 23-4, tại TP Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức họp tham vấn quốc gia về dự án kênh Funan Techo của Campuchia và kết quả thực hiện hướng dẫn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) xuyên biên giới của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).

• Dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180 km tuyến kênh/sông, bao gồm: (i) Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20 km) nối sông Mekong với sông Bassac; (ii) Đoạn thứ hai tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30 km); (iii) Đoạn thứ ba dài 130 km, nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 20 km) với cảng Kẹp của Campuchia.

Theo thông báo của phía Campuchia, các đoạn kênh này được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50 m, bề rộng mặt kênh 80-120 m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7 m) để các tàu có tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.

Dự án sẽ xây dựng ba cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135 m, chiều rộng 18 m, độ sâu 5,8 m. Dự án cũng tiến hành xây dựng 11 cầu giao thông (dài 161 m, rộng 12 m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.

Có thể đề nghị tạm dừng dự án để đối thoại sâu hơn

. Từ trường hợp dự án kênh Funan Techo, theo ông, có nên xem xét, bổ sung quy định tại Hiệp định Mekong 1995?

+ Hiệp định Mekong 1995 đã trải qua gần 30 năm, có lẽ các bên cần ngồi lại để soát xét và đánh giá để có thể cập nhật cho phù hợp với thực tiễn. Điều 5 Quy chế năm 1957 của Ủy ban sông Mekong đã quy định: Các quyết định của ủy ban phải có sự nhất trí của tất cả thành viên. Điều này trao đặt cho các thành viên quyền bảo vệ lợi ích của mình trước mỗi quyết định của Ủy ban sông Mekong. Đây cũng chính là sự bình đẳng.

P23-chuyende-h4.jpg
TP Cần Thơ, một đô thị sông nước đặc trưng thuộc lưu vực hạ lưu sông Mekong. Ảnh: QUANG VINH

Hiệp định Mekong 1995 dẫu không quy định về quyền được phủ quyết của một quốc gia đối với đề xuất sử dụng nước của quốc gia khác. Tuy nhiên, hiệp định này cho phép các quốc gia bị tác động có quyền yêu cầu các quốc gia có công trình phải đảm bảo phát triển bền vững sông Mekong. Đồng thời có trách nhiệm giảm thiểu tác động do các công trình gây ra.

Cạnh đó, nguyên tắc cơ bản trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên MRC là đồng thuận, bình đẳng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ. Các vấn đề liên quan hợp tác Mekong luôn được xem xét và giải quyết bằng các quá trình tư vấn rộng rãi ở nhiều cấp. Nguyên tắc sử dụng nước công bằng và hợp lý của quốc tế cũng được áp dụng.

Tôi nghĩ giữa các bên phải phối hợp và chia sẻ dữ liệu để có cơ sở đánh giá những tác động và xem xét những đánh đổi để tìm các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng. Trước mắt, Ủy ban sông Mekong Việt Nam có thể đề nghị tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu và đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia hay tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm và khách quan.

Chúng ta mong muốn cả hai nước Việt Nam và Campuchia đều có những điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có giá trị vô giá của sông Mekong.

. Xin cảm ơn ông!

Ông PHẠM HỒ QUỐC TUẤN, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ:

Cần một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án

P3-phamhotuan.jpg

Dự án kênh Funan Techo trong giai đoạn thực hiện và hoạt động sẽ có tác động đến khu vực hạ lưu sông, vùng biển. Tuy nhiên, mức độ tác động ít hay nhiều thì cần phải có nghiên cứu khoa học chuyên sâu, độc lập, mang tầm quốc tế. Từ đó, đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động và các giải pháp thích ứng để phát triển kinh tế - xã hội, môi trường ở khu vực hạ lưu và ở vùng ĐBSCL.

Tình hình tài nguyên nước và môi trường ở vùng ĐBSCL hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức. Từ đó, điều quan ngại về tác động của dự án kênh Funan Techo là đối với tài nguyên nước, môi trường, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển ở thượng nguồn.

Trong thông báo của Campuchia có đề cập tác động của dự án là không đáng kể. Tuy nhiên, các thông tin về dự án rất hạn chế, không đủ cơ sở để đưa ra kết luận. Vì vậy, theo tôi, nước bạn cần chia sẻ và minh bạch các thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả báo cáo khả thi và kết quả đánh giá tác động môi trường của dự án cho các bên liên quan.

Đồng thời, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cần hỗ trợ các quốc gia tiến hành một nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động. MRC cũng cần chia sẻ các kết quả đánh giá tác động cho quốc gia thành viên và các bên liên quan.

.........................................

Ông NGUYỄN BÁ CAO, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Nam:

Ba vấn đề cần xem xét

P3-nguyenbacao.jpg

Theo tôi, dự án cần được nghiên cứu, xem xét kỹ ở ba vấn đề. Thứ nhất, với độ dốc dòng nước như thông tin đưa ra, các âu thuyền có hay không thì dòng chảy vẫn hoạt động bình thường, vậy vấn đề âu thuyền cần xem xét lại.

Thứ hai, với lưu lượng dòng chảy thiết kế 3,6 m3/giây, 311.000 m3/ngày, 113.500.000 m3/năm, từ đó kéo theo lượng bùn, cát thoát ra biển với khoảng 11.600-34.000 tấn/năm. Con số này chưa được đánh giá rõ ràng trong các thông tin đưa ra. Vì vậy, nước bạn cần làm rõ thêm về chỉ số bùn, cát thoát ra biển Tây.

Với lượng bùn, cát như trên thoát ra biển Tây chắc chắn sẽ tác động lớn đến môi trường sinh thái biển. Trong khi đó, dự án mới có đánh giá đến sông mà chưa có đánh giá, đề cập nào về tác động đến biển nên cần phải bổ sung nội dung này.

Với lượng bùn, cát chảy ra biển mà theo thông tin về dự án thì gần như chảy thẳng ra Khu bảo tồn biển Phú Quốc - nơi có nhiều san hô và nhiều sinh vật khác là loại vô cùng nhạy cảm với môi trường biển. Vì vậy, cần có nghiên cứu đánh giá chung xuyên biên giới giữa các nước liên quan.

...................................

Ông VÕ ĐỨC PHONG, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang:

Cần tăng cường công tác giám sát, phối hợp

P3-voducphong.jpg

Việc Campuchia xây dựng kênh Funan Techo thực sự là vấn đề chuyển nước ra khỏi lưu vực sông Mekong. Đặc biệt, đây là công trình xây dựng kề bên Việt Nam nên các tác động của công trình rất nhanh, tức thời, là vấn đề mà các địa phương rất quan ngại.

Thực tế, thông tin xây dựng tuyến kênh Funan Techo phía Campuchia cung cấp còn rất sơ bộ. Vì vậy, cần có nghiên cứu đánh giá chi tiết về tác động của tuyến kênh này với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và các tác động khác.

Đồng thời đề nghị Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần tiếp tục hợp tác, giám sát chặt chẽ ngay từ khi nghiên cứu triển khai dự án nhằm phát hiện kịp thời các tác động bất lợi. Đồng thời đưa ra khuyến nghị trong thực thi các biện pháp giảm thiểu và chia sẻ thông tin cho các tỉnh vùng ĐBSCL nắm bắt và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.

Cạnh đó, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng cần tăng cường công tác giám sát và phối hợp với phía nước bạn Campuchia cam kết chia sẻ các thông tin liên quan đến tuyến kênh và trong quá trình quản lý, vận hành như một phần thể hiện sự hợp tác bền vững phát triển lưu vực.

THÙY DUNG

Đọc thêm