Phát biểu tại tỉnh Takeo ngày 11-4, Thủ tướng Campuchia - ông Hun Manet bác bỏ các quan ngại xoay quanh siêu dự án kênh đào Funan Techo, tái khẳng định kênh đào này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Campuchia và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.
Ông Hun Manet cho biết kênh đào Funan Techo được xây dựng vì lý do kinh tế, theo tờ Khmer Times.
Theo ông Hun Manet, hơn 40 chuyên gia đã cùng nghiên cứu trong suốt 26 tháng qua để thiết lập công nghệ ngăn nước biển xâm nhập vào sông Mê Kông từ con kênh.
Dự án kênh đào Funan Techo được thống nhất sẽ khởi công vào cuối năm nay và sẽ mất 4 năm để hoàn thành. Chi phí xây dựng kênh đào là 1,7 tỉ USD và sẽ được Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tài trợ.
Dự kiến kênh đào Funan Techo sẽ dài 180 km, và đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Ông Hun Manet nói thêm rằng kênh đào sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển container, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí vận chuyển hàng hoá.
Chính phủ Campuchia tuyên bố rằng kênh đào sẽ không có tác động tiêu cực đến môi trường hoặc sinh thái, cũng như đảm bảo rằng dự án sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mê Kông.
Đề cập quan ngại tàu chiến Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào này, thủ tướng Camphuchia nhấn mạnh "kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng Campuchia làm bệ phóng cho hành vi gây hấn chống lại bất kỳ quốc gia nào khác".
Việt Nam đề nghị Campuchia chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Funan Techo
"Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam cùng Ủy hội sông Mê Kông trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực".
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt thông tin như vậy trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, chiều 11-4, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các nước ven sông Mê Kông.