Ngày 23-4, tại Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức họp tham vấn về dự án kênh Funan Techo của Campuchia và thực hiện thủ tục tham vấn sử dụng nước của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
Ban thư ký Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết sau khi Campuchia thông báo chính thức dự án từ tháng 8-2023, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các địa phương, nhà khoa học, tổ chức về sự quan ngại khi Campuchia xây dựng kênh Funan Techo.
Qua cuộc họp tham vấn hôm nay, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam xin ý kiến về mối quan tâm của đại biểu đối với dự án Kênh đào Funan Techo. Các ý kiến này sẽ được Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chuyển cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
Tại buổi tham vấn, TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu đến từ trường Đại học Cần Thơ bày tỏ “lo lắng” không phải lượng nước qua kênh phục vận tải thủy mà là lượng nước phục vụ tưới tiêu vào mùa khô.
Theo TS Tuấn, việc xây dựng kênh đào này làm cho mùa khô của ĐBSCL ở Việt Nam đã thiếu nước lại càng thêm trầm trọng hơn, ảnh hưởng đa dạng sinh học. Ngược lại, về mùa mưa nó là một con đê chắn lũ về ĐBSCL, nước ít hơn, phù sa ít hơn, tất cả các công trình đã làm cho khu Tứ giác Long Xuyên không còn ý nghĩa gì nữa…
Theo đại diện Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ban này đã nhận được thông báo của Campuchia về dự án đường thủy nội địa “Kênh đào Funan Techo” vào tháng 8-2023.
Thông báo này cho biết mục đích của dự án là kết nối giao thông đường thủy nội địa và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng một tuyến đường thủy dài 180 km, mở rộng và đào sâu các kênh hiện có cũng như đào một số đoạn mới nối biển với sức tải tàu 1.000 DWT và ba âu thuyền đường thủy để duy trì mực nước cho giao thông thủy.
Dự án nằm trên nhánh của sông Mekong tại Preak Takeo - tỉnh Kandal cho đoạn đầu tiên và trên nhánh của sông Bassac cho phần thứ hai tại Preak Ta Hing - tỉnh Kandal, kết nối với dòng chảy tự nhiên hiện có đến các tỉnh Takeo, Kampot và Kep.
Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công tiếp tục nghiên cứu trong khuôn khổ Hiệp định Mekong năm 1995; Ủy hội sông Mê Công đề nghị cần nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của Campuchia trong việc cung cấp thêm thông tin liên quan đến kênh đào Funan Techo như nghiên cứu khả thi và các báo cáo khác có liên quan.
Dựa trên các kịch bản khác nhau, các khía cạnh khác nhau của các tác động đối với lưu vực hạ lưu sông Mekong sẽ được đánh giá gồm tác động đến chế độ dòng chảy sông Mekong, phù sa, bùn cát, xâm nhập mặn, các khía cạnh sinh thái và môi trường. Đồng thời yêu cầu Campuchia cung cấp thông tin về kênh, cống, đánh giá tác động xuyên biên giới…