Ngày 17-4, tại tỉnh Bến Tre, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở VHTT&DL các tỉnh ĐBSCL tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3, năm 2024 với chủ đề “Du lịch xanh – Phát triển bền vững”.
Nhiều chương trình liên kết có ý nghĩa
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM đã triển khai chương trình với các nội dung chính là liên kết hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; Liên kết phát triển sản phẩm du lịch; Liên kết hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Liên kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch; Liên kết hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; Tham gia các hoạt động du lịch của 14 địa phương trong vùng liên kết…
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về định hướng của mỗi địa phương trong mối liên kết, những giải pháp, kế sách thúc đẩy sự phát triển du lịch trong mối liên kết vùng trong thời gian tới.
PGS.TS Phạm Trung Lương- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam chia sẻ: ĐBSCL có thế mạnh chung là du lịch sông nước, có những nét văn hóa tương đồng nên sản phẩm du lịch ở các địa phương vùng ĐBSCL có sự trùng lặp nhau, chưa có dấu ấn riêng.
Để tránh sự trùng lặp này, các địa phương cần thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch nhằm phát huy được thế mạnh đặc trưng riêng của từng địa phương, kết nối quảng bá cho du khách khi đến các điểm du lịch của nhau.
“Việc liên kết này sẽ tạo ra hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh doanh du lịch. Nếu liên kết tốt chúng ta sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh các điểm đến.” - PGS TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Khai thác lợi thế văn hóa bản địa
Vùng ĐBSCL với lợi thế về giá trị văn hóa bản địa, trong đó nổi bật là giá trị của đờn ca tài tử (ĐCTT) đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nhâm Hùng- soạn giả, nhà nghiên cứu, người đã có nhiều nghiên cứu để văn hóa Nam Bộ ứng dụng vào phát triển du lịch cho rằng, ĐCTT từng rộ lên một thời tại nhiều khu, điểm du lịch ở ĐBSCL nhưng rồi lại lắng dần.
“Việc đầu tư xây dựng, nỗ lực chuyển đổi ĐCTT từ sản phẩm du lịch thô thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh mang đặc trưng văn hóa bản địa ĐBSCL là hết sức cần thiết”- Ông Hùng góp ý.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở VHTT&DL 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Báo Tuổi Trẻ, Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội tổ chức Lễ phát động “Chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024”.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng liên kết phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, cho rằng TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL có thể xây dựng thương hiệu du lịch vùng, trở thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam, cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực.
Nhân sự kiện này và sắp vào mùa cao điểm du lịch nội địa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các tỉnh, thành trong liên kết quan tâm chỉ đạo doanh nghiệp phát triển các sản phẩm dịch vụ chất lượng, có hàm lượng văn hóa, lịch sử cao, riêng có của từng địa phương.
Đồng thời, xây dựng nhiều chương trình ưu đãi để khuyến khích “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, để khách du lịch có cơ hội tận hưởng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng với chi phí phù hợp.