19 giờ tối, tại góc đường Phạm Ngũ Lão - vòng xoay Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) đông nghịt người, không ai quen ai nhưng đâu đó lại vọng lên liên tục những tiếng hỏi thân tình "Bà có đồ ăn chưa?", "Nước sôi... nước sôi", "Còn ai chưa có mì không?", "Ai đến ăn mì thì đậu xe bên đây để được giữ miễn phí nha bà con!"...
"Trạm dừng chân" của người lao động giữa Sài Gòn náo nhiệt
Hơn 6 tháng nay, cứ mỗi 19 giờ tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, hàng trăm người lao động khó khăn tại TP.HCM lại có dịp thưởng thức món mì gõ 0 đồng, ấm lòng giữa TP tấp nập.
Đó là quán mì gõ 0 đồng của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, quán nằm nép ngay một góc đường giữa trung tâm quận 1, lấy đèn đường làm ánh sáng duy trì hoạt động.
Trên không gian vỉa hè chỉ vài chục mét là hình ảnh nhộn nhịp của hàng trăm người dân, người lao động khó khăn ở TP.HCM. Mặc dù chen chúc nhau là thế nhưng tiếng nói cười rôm rả, tiếng mời gọi nhau nhộn nhịp cả một góc đường.
Những vị khách đặc biệt này đa phần là những người lao động khó khăn như người giao hàng, các cô chú lớn tuổi làm nghề nhặt ve chai, bán vé số,... Tuy vậy, ai đến đây cũng được tiếp đón nồng nhiệt như những vị khách hàng thực thụ.
Bất kì ai đến quán đều sẽ được các tình nguyện viên hướng dẫn gửi xe, phát dụng cụ ăn uống, sắp xếp chỗ ngồi. Sau đó, các tình nguyện viên sẽ mang mì đến tận chỗ phục vụ cho bà con.
Sau khi ăn xong, “khách hàng” sẽ mang bát đến một khu vực riêng, ở đó có một đội tình nguyện viên phụ trách rửa bát.
Như một thói quen, những khách hàng thân thiết này cứ đều đặn mỗi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần tìm đến chiếc quán nhỏ có nồi nước sôi nghi ngút khói để được phục vụ món mì gõ 0 đồng. Cứ như thế mọi người truyền tai nhau, quán ngày một đông, nhóm tăng thêm suất ăn để kịp phục vụ bà con, không bỏ ai lại phía sau.
Không ai bảo ai, họ tìm cho mình một chỗ ngồi ổn định, khi thì ngồi trên bàn, ghế, khi hết bàn ghế thì ngồi trên vỉa hè, dưới gốc cây. Có những người tụ tập đông đúc vừa ăn vừa nói chuyện, có người tìm cho mình một góc nhỏ, nép mình thưởng thức món mì gõ rồi vội vàng trở lại cuộc sống mưu sinh.
9 giờ 30 phút, vừa giao xong đơn hàng cho khách, anh LTM (38 tuổi, ngụ Bình Thạnh) nhanh chóng chạy về dãy trọ đón đứa con gái 4 tuổi đến quán mì.
Sau khi xếp hàng lấy hai tô mì nóng hổi, hai cha con ngồi tạm dưới lề đường, lấy dãy bê tông làm chiếc bàn tạm bợ đặt tô mì rồi ăn vui vẻ.
“Mì rất ngon, con gái tôi rất thích và căn dặn tôi mỗi tuần chở đến đây nên tôi tranh thủ thời gian đi làm về rồi chở con đến. Thấy con ăn ngon, mình cũng đỡ được ít chi phí nên tôi rất vui” - anh M ngậm ngùi.
Với nhiều người, một bữa ăn như thế không đáng là bao, nhưng với hai cha con anh M, bữa ăn giúp anh tiết kiệm được phần nào chi phí sinh hoạt trong thời giá đắt đỏ như hiện giờ.
Phục vụ hơn 700 người lao động mỗi đêm
Chia sẻ về quán mì gõ 0 đồng, anh Trần Thanh Long - trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm cho biết: "Quán đã hoạt động hơn 6 tháng nay. Ban đầu, mỗi đêm nhóm chỉ nấu khoảng 100 tô để phục vụ bà con. Nhưng càng về sau, quán được nhiều người biết đến, được bà con yêu thương nên mỗi đêm nhóm phục vụ hơn 700 suất ăn, có đêm lên tới cả ngàn suất".
Có những đêm hết nguyên liệu nhưng vẫn còn nhiều bà con chưa được ăn, anh Long và các thành viên trong nhóm xuất tiền túi đi mua thêm nguyên liệu về làm thêm suất ăn để phục vụ bà con với mong muốn bà con được no bụng sau một ngày làm việc vất vả.
Anh Long cho biết thêm chi phí duy trì quán mì 0 đồng mỗi đêm có khi lên đến gần 10 triệu đồng, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn đóng góp của các mạnh thường quân trong và ngoài nước.
Chia sẻ về kỷ niệm đặc biệt trong quá trình duy trì quán mì gõ 0 đồng, anh Long cho biết: "Trong một lần qua cơ sở mì gõ 0 đồng 2 tại vòng xoay Nguyễn Chí Thanh (quận 10) để phục vụ bà con, anh vô tình bắt gặp hình ảnh hai cho con đã được nhóm phục vụ trước đó tại cơ sở 1.
Anh nghĩ có thể vì hai cha con ăn chưa no và không biết quán phục vụ không giới hạn số lượng với mỗi khách hàng nên đã đi qua cơ sở 2 để được ăn thêm.
"Đôi khi số lượng người đến quá đông, mình không quản và không phục vụ được hết nên có lúc xảy ra sơ sót. Mong muốn của nhóm là “cho dư hơn bỏ sót” nên khi gặp hai cha con có hoàn cảnh như vậy làm mình thấy rất thương. Điều đó làm mình càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để phục vụ bà con tốt nhất" - anh Long nói.
Ở tuổi xế chiều, bà Hồ Thị Loan (70 tuổi, ngụ quận 7) nhanh nhẹn xé từng vắt mì rồi cẩn thận cho vào tô, sau đó chuyền đến khâu thêm nguyên liệu. Bà Loan cho biết đã tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng nhóm đã ba năm nay. Ban ngày bà Loan nấu cơm ở bệnh viện quận 2, một tuần hai bữa bà đến đây cùng nhóm phụ nấu mì cho bà con.
“Chồng và các con tôi đều ủng hộ tôi đến đây làm thiện nguyện. Thấy các cháu nhỏ rồi các anh tài xế, các cụ có hoàn cảnh khó khăn có bữa ăn ngon làm tôi thấy rất vui, làm bao lâu cũng không thấy mệt” - bà Loan bộc bạch.