Tình hình hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây diễn biến rất phức tạp. Tình trạng này khiến 4 tỉnh trong khu vực, bao gồm Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, công bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán, xâm nhập mặn.
Là khu vực có ngành nông nghiệp làm chủ lực, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, chăn nuôi của người dân vùng ĐBSCL. Nghiêm trọng hơn, tình trạng thiếu nước ngọt còn xảy ra ở nhiều vùng tại khu vực.
Trước tình hình hạn mặn kéo dài tại ĐBSCL, báo Pháp Luật TP. HCM đã có cuộc trao đổi với PGS Edward Park - công tác tại Cơ quan Quan sát Trái Đất Singapore (ĐH Công nghệ Nanyang - Singapore) để tìm hiểu về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.
Xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên hơn
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn năm nay là do nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi cao, nguồn nước thượng lưu về ĐBSCL ở mức thấp. Ngoài ra, hiện tượng El Niño cũng góp phần khiến tình hình nắng hạn ở khu vực này thêm nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, El Niño xảy ra trung bình từ 2 đến 7 năm một lần và thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng. El Niño ảnh hưởng đến thời tiết và các kiểu bão ở các nơi khác nhau trên thế giới. Hiện tượng El Niño hiện tại hình thành từ giữa năm 2023 và dự kiến kéo dài đến giữa năm nay.
Dưới tác động của El Niño, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia cũng bị nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, PGS Park cho rằng hiện tượng nước biển dâng cũng góp phần gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
“Việc dòng chảy của các con sông bị thay đổi là một mặt. Mặt khác, biến đổi khí hậu khiến băng tan trong những năm gần đây đã dẫn đến hiện tượng nước biển dâng. Nước biển dâng là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng xâm nhập mặn, vì nó tạo nên sự dịch chuyển từ từ của nước mặn vào tầng nước ngọt” - ông Park nói.
Nước biển dâng không chỉ khiến tình trạng xâm nhập mặn thêm trầm trọng mà còn đe dọa khu vực ĐBSCL. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Trong đó, ĐBSCL là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo kịch bản về biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2020, nếu mực nước biển dâng 80 cm, sẽ có khoảng 31,94% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập; nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ có khoảng 47,29% diện tích ĐBSCL bị ngập.
Nhận xét về tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong những năm gần đây, ông Park cho rằng tình hình đang rất nghiêm trọng.
“Nhìn vào các đợt xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong những năm gần đây, chúng ta thấy tần suất của chúng đang tăng dần. Năm 2020 được xem là năm khu vực này chịu hạn mặn nặng nề. Trong những năm qua, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng thường xuyên hơn, ngày càng trở nên dữ dội hơn”, theo ông Park.
Dựa trên cách nhìn nhận này, ông Park cho rằng diễn biến hạn mặn trong tương lai thậm chí còn tồi tệ và thường xuyên hơn.
“Chúng tôi dự đoán có thể trong tương lai, xâm nhập mặn có thể xảy ra hàng năm” – ông Park nói.
Theo Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn có thể khiến khoảng 4.642 ha chanh và cây ăn quả ở ĐBSCL giảm năng suất.
Giải pháp ứng phó hạn mặn từ kinh nghiệm quốc tế
Đề xuất giải pháp ứng phó tình trạng xâm nhập mặn, PGS Park cho rằng cách tốt nhất hiện tại là thích nghi.
Ông Park đề xuất nông dân khu vực ĐBSCL, đặc biệt là khu vực ven biển nên điều chỉnh văn hóa nông nghiệp bằng việc luân canh giữa các sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Vị chuyên gia dẫn chứng rằng tỉnh Kiên Giang đã khá thành công với mô hình luân canh giữa lúa và tôm.
Mô hình nuôi tôm vào mùa khô, nước mặn và đợi đến mùa mưa để trồng lúa là “phương án thích ứng hoàn hảo” và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Park, mô hình nuôi tôm vào mùa khô, nước mặn và đợi đến mùa mưa để trồng lúa là “phương án thích ứng hoàn hảo” và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh việc sử dụng tài nguyên nước hợp lý, mô hình luân canh tôm - lúa cũng giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước và giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững vì nuôi tôm trong ruộng lúa nên tôm chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh. Ngược lại, việc sản xuất lúa cũng giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học.
Nhắc lại rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, PGS Park lưu ý rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
“Thành thật mà nói, các quốc gia đơn lẻ thực sự không thể làm được nhiều việc. Tất nhiên, chúng ta luôn phải giảm lượng khí thải carbon nhưng thật khó để giải quyết vấn đề này vì đây là vấn đề có quy mô toàn cầu” - ông Park nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể áp dụng để quản lý tốt nguồn nước, ngăn ngừa hạn mặn, ông Park nói rằng một số quốc gia châu Âu đã xây hành lang ngăn mặn, trữ ngọt. Ngoài ra, một số nước châu Âu cũng hạn chế sử dụng nước sông trong mùa khô - khi lượng nước sông ít - để ngăn tình trạng xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý rằng bất kỳ giải pháp nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn việc xây đập ngăn mặn sẽ gây khó khăn hơn cho các quốc gia nằm ở hạ nguồn trong việc kiểm soát thủy văn. Do đó, để tăng nguồn nước, ông Park đề xuất các quốc gia cần nỗ lực hợp tác xuyên biên giới về quản lý nguồn nước.
“Việc muốn kết nối sinh thái giống như một trò chơi cần nhiều người chơi” - ông Park nhận định, cho rằng việc hợp tác xuyên biên giới về quản lý nguồn nước không khó như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng cần nhiều nỗ lực từ các quốc gia.
Xâm nhập mặn giảm dần trong tháng 5
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ khoảng tháng 5 tình hình xâm mặn ở Nam Bộ giảm nhanh và sang tháng 6 xâm nhập mặn có thể lùi xa về phía cửa sông.
Cụ thể, tại Bến Tre, xâm nhập mặn được dự báo giảm dần trong tháng 5 nhưng vẫn còn xâm nhập theo triều ở mức cao từ khu vực cách cửa sông 48 đến 50 km trở xuống. Tình hình này sẽ giảm mạnh và kết thúc trong tháng 6.
Tại Sóc Trăng, từ cuối tháng 5, xâm nhập mặn sẽ giảm dần. Ranh mặn 4‰, trên sông Hậu xâm nhập sâu khoảng 49 đến 54 km; trên sông Mỹ Thanh xâm nhập sâu khoảng 57 đến 62 km.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn tại ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu hướng giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé, xâm nhập mặn giảm dần từ nửa cuối tháng 5.
“Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn” - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo.