Đồng bằng sông Cửu Long vào cao điểm xâm nhập mặn

(PLO)- Từ ngày 10 đến 15-3 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua tại các tỉnh Nam Bộ xảy ra nắng nóng kéo dài. Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đều nhận định, từ ngày 10 đến 15-3 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, ngày 8-3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này.

xâm nhập mặn.jpeg
Từ ngày 10 đến 15-3 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh triển khai ngay các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng nêu rõ các tỉnh nêu trên theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo cung cấp thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước trên sông Mê Công và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT được giao tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến để có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân.

Đồng thời chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nghiên cứu, triển khai các phương án để từng bước chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm…

Hơn 29 ngàn ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn

Theo báo cáo của Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), hiện nay còn khoảng 29.260 ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đây là diện tích vụ đông xuân muộn được sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15-1-2024. Trong đó, Tiền Giang có 1.400 ha; Bến Tre 2.500 ha; Trà Vinh 13.000 ha; Sóc Trăng 5.000 ha; Cà Mau 6.360 ha.

Cục Thuỷ lợi khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xấp nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa, nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm