Ứng phó với xâm nhập mặn, thiên tai bất thường 2024

(PLO)- Năm 2024, nắng nóng xuất hiện dài ngày, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ phối hợp với Sở TN&MT tỉnh An Giang, Sở NN&PNT tỉnh An Giang tổ chức “Hội nghị Tổng kết tình hình Khí tượng Thủy văn năm 2023; nhận định tình hình mưa, lũ năm 2024 và đánh giá thực thi pháp luật khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ” tại An Giang.

Thời tiết diễn biến phức tạp, dị thường

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua.

Trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Đây cũng là năm nóng nhất từ thời kỳ tiền công nghiệp đến nay.

Ứng phó với xâm nhập mặn, thiên tai 'dị thường' 2024
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NC

"Từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như những đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ dưới 15 độ C độ và vùng núi dưới 13 độ C.

Riêng khu vực Nam Bộ, nắng nóng xuất hiện dài ngày, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp" - ông Hoàng Đức Cường thông tin.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đó được xác định do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino. Từ đầu năm 2024 đến nay, ĐBSCL hầu như không mưa, ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi.

Xâm nhập mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và của năm 2023. Xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8-3 đến 13-3 tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, vào sâu tới 70-76km tùy theo sông.

Các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh Nam sông Hậu, điều này có thể gây bất lợi đối với sản xuất lúa.

Đáng lo ngại hơn, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về khu vực ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

lay nuoc o ben tre- xam nhap man.jpg
Xâm nhập mặn khiến người dân ở Bến Tre thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo báo cáo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa nắng nóng năm 2024 kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm.

Nửa đầu tháng 5 vẫn còn những đợt nắng nóng trên diện rộng dài ngày. Năm nay có khoảng 7-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Trong đó có hai đến bốn cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Khả năng có một đến hai cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực Nam Biển Đông.

Những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài ngày ở Miền Tây Nam Bộ xảy ra nhiều trong tháng 7, 9, 10. Cần đề phòng những đợt gió mùa tây nam mạnh, gây thời tiết nguy hiểm trên biển trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10.

Kiên quyết di dời dân khi có nguy cơ sạt lở

Với những thông tin dự báo về tình hình thiên tai, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó trong thời gian qua và sắp tới.

Liên quan công tác ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang thực hiện phương án vận chuyển nước ngọt bằng xà lan từ thượng nguồn về ao Phú Thạnh, xã Phú Thạnh và ao 06 ha xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông để sản xuất nước sạch cấp cho người dân sử dụng.

Cạnh đó, tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty Cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm bơm gạn nguồn nước thô từ sông Tiền, lập kế hoạch điều tiết nước và chịu trách nhiệm về chất lượng nước với khách hàng khi sản xuất nước sạch...

Theo Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu-Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, để phòng chống thiên tai, sắp tới ban sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát, lắp đặt các biển cảnh báo sạt lở.

Đồng thời kiên quyết di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu rạn nứt, sụt lún nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Ngoài ra ban cũng sẽ rà soát, xác định các trọng điểm xung yếu của những công trình thủy lợi cần duy tu, sữa chữa...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường đề nghị các sở, ban ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trong việc tiếp nhận, truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo đến cộng đồng.

Cùng với đó, chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng ngừa thiên tai từ sớm, từ xa; tiếp tục quan tâm triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời ban hành các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn trên địa bàn địa phương quản lý.

Dự báo sớm, giảm thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo xâm nhập mặn có xu thế chung giảm chậm trong thời gian tới nhưng vẫn ở mức cao. Mặn còn xâm nhập lên xuống theo triều nhưng không sâu hơn ranh mặn sâu nhất trong tháng 3-2024. Từ khoảng tháng 5, xâm nhập mặn giảm nhanh và sang tháng 6 xâm nhập mặn mới lùi xa về phía cửa sông.

"Mùa khô năm 2024 khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mê Kông chảy về ĐBSCL thấp, gió Đông Bắc mạnh, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ tới sớm và mức độ gay gắt hơn. Các tỉnh ĐBSCL mùa khô năm nay tính đến thời điểm này, thiệt hại về nông nghiệp do xâm nhập mặn là không lớn, các địa phương chủ yếu thiếu nước ngọt cho sinh hoạt..."- Ông Lê Đình Quyết thông tin.

Cụ thể, tại Bến Tre hiện nay lúa đã thu hoạch gần xong, còn vài chục ha ở huyện Ba Tri bị ảnh hưởng giảm năng suất khoảng 30%.

Tại Sóc Trăng, diện tích lúa Đông Xuân xuống giống muộn (Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú ) bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt chủ yếu ở 2 huyện Long Phú và Trần Đề với diện tích khoảng 1.408ha.

Tại Tiền Giang, lúa đông xuân đã thu hoạch gần xong, còn khoảng hơn 1.000 ha, giai đoạn chín, tất cả lúa và cây ăn trái đến thời điểm này an toàn chưa bị ảnh hưởng. Cây ăn trái mẫn cảm với xâm nhập mặn là sầu riêng, tuy nhiên các cống ngăn mặn hoạt động hiệu quả nên đã tránh được thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm