Hậu Giang tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn

(PLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu cơ quan chức năng cập nhật kịp thời, chính xác đầy đủ các số liệu mặn để báo cáo cho UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả xâm nhập mặn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-3, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành văn bản yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN), lãnh đạo các sở ngành liên quan và các địa phương tăng cường giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN duy tu, sửa chữa, khai thác có hiệu quả hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh. Từ đó, cung cấp đầy đủ thông tin độ mặn cho người dân biết để ứng phó có hiệu quả, giảm bớt thiệt hại.

Hậu Giang tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn
UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Ảnh: THANH TOÀN

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước từ các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn... Đồng thời, phối hợp chặt với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi, dự báo, cảnh báo tình hình xâm nhập mặn, theo dõi độ mặn tại các cửa sông chính.

Qua đó, kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây vào địa bàn tỉnh và có kế hoạch dự báo, cảnh báo sớm được khả năng xuất hiện, diễn biến hạn, xâm nhập mặn làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

“Phối hợp với địa phương nắm số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ cho người dân phù hợp với thực tế tại vùng bị hạn, xâm nhập mặn không để dân bị thiếu nước sinh hoạt” - văn bản nêu.

Người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi. Đồng thời, tổ chức nạo vét bùn bồi lắng tại các cửa cống đảm bảo ngăn mặn trữ ngọt triệt để và sử dụng nước có hiệu quả.

Ngoài ra, chỉ đạo bộ phận chuyên môn theo dõi chặt chẽ, dự báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Từ đó, thông tin kịp thời, bố trí cơ cấu mùa vụ cho hợp lý, cung cấp nguồn nước ngọt, đủ tưới trong thời kỳ sinh trưởng của cây lúa, đặc biệt bảo vệ vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024.

Mặt khác, hướng dẫn kỹ thuật đẩy mạnh phát triển thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước ngọt hạn chế. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.

Khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa hoặc khi nguồn nước đảm bảo cung cấp ổn định và theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính. Khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Cạnh đó, triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học... không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm