Ngày 29-2, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nghị quyết về việc thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045.
Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa- lịch sử- tâm linh
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 7.578 ha và phần khai thác không gian biển khoảng 140 ha. Thời hạn quy hoạch, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia.
Đồng thời, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, Côn Đảo hiện có các sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, phù hợp với chủ trương, định hướng về phát triển Côn Đảo đến năm 2045 được đề ra tại Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị.
Điều này cũng góp phần đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Quy hoạch cũng nhằm mục tiêu hướng tới phát triển Côn Đảo là khu du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; Khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; Khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển, đất ngập nước của quốc gia và quốc tế...
Việc thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo cũng làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch này theo quy định. Đồng thời theo dõi, bám sát, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương kịp thời bổ sung, giải trình rõ những nội dung liên quan khi có yêu cầu...
Nhiều định hướng phát triển đột phá cho Côn Đảo
Theo đồ án, dự báo đến năm 2030, dân số Côn Đảo khoảng 24.500 người, trong đó dân số thường trú khoảng 14.000 người. Đến năm 2045 dân số khoảng 44.500 người, trong đó dân số thường trú khoảng 24.500 người.
Dự báo đến năm 2030, quy mô khách du lịch và dịch vụ lưu trú là khoảng 1-1,2 triệu khách/năm; đến năm 2045 là khoảng khoảng 1,7 - 2 triệu khách/năm.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là khu vực bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên rừng và biển, kết hợp khai thác tham quan du lịch.
Khu trung tâm Côn Sơn là khu vực đô thị di sản - đô thị du lịch, với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ,...Trong đó, khu di tích cấp quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo được quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đảm bảo theo Luật di sản...
Côn Đảo cũng được quy hoạch một sân Golf 18 hố (khu cây xanh sử dụng hạn chế) về phía Bắc và Nam sân bay quy mô khoảng 63 ha. Tổ chức giao thông kết nối bằng tuyến đường hầm qua sân bay tại vị trí phía Đông đường băng sân bay đảm bảo các yêu cầu an toàn của ngành hàng không.
Về quy hoạch giao thông, mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm thành cảng tổng hợp và chuyển vị trí quy hoạch cảng hành khách quốc tế trước đây từ Bãi Ông Đụng về khu vực Bến Đầm... Phát triển các tuyến đường biển nối Côn Đảo với đất liền Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ, Sóc Trăng...
Trên đảo sẽ xây dựng giai đoạn 2 tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo kết nối từ đường Ma Thiên Lãnh với khu vực Cỏ Ống, hoàn thiện cấu trúc giao thông toàn đảo tạo thành một vòng khép kín có quy mô phù hợp với mục tiêu bảo vệ sinh thái.
Nâng cấp, quy hoạch mới các trục đường chính đô thị tăng cường kết nối các hướng Bắc – Nam, Đông – Tây giữa khu vực trung tâm Côn Sơn với các khu vực Cỏ Ống và Bến Đầm...
Xây dựng hai hầm chui tại dốc Trâu Té và hầm núi Tàu Bể kết nối tuyến trục chính trung tâm rút ngắn thời gian từ sân bay về khu vực trung tâm và một hầm chui qua sân bay Côn Đảo tăng cường kết nối giữa khu vực phía Bắc và phía Nam sân bay....
Cạnh đó, điều chỉnh và bổ sung các tuyến cáp treo, tổ chức ba tuyến cáp treo đi lên đỉnh núi Thánh Giá, núi Chúa, Nhà Bàn và liên kết với khu Cỏ Ống.
Về nhu cầu điện, xây dựng đường dây 110 kV từ Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cấp điện đến Côn Đảo. Đề xuất đến 2030 mở rộng công suất nhà máy điện An Hội thêm 4 tổ máy công suất 6MW, nâng tổng tổng công suất nhà máy lên 17.82MW phục vụ cho nhu cầu cấp bách của toàn huyện; có thể nghiên cứu thêm các hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 1-3MW.