Cuộc sống của những blouse trắng sau cánh cửa cách ly

Cuộc sống của những blouse trắng sau cánh cửa cách ly

(PL)- Phía sau cánh cửa cách ly, nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 luôn có những con người nhiệt huyết với công việc và ấm áp tình người.

“Good afternoon Mr/Ms”, lời chào vang lên sau tiếng gõ cửa, điều dưỡng Nguyễn Thành Trung bước vào phòng cách ly đặc biệt, nơi có bệnh nhân dương tính với COVID-19 đang điều trị.

Anh Trung với chất giọng vui tươi, hình ảnh cơ mắt nhăn lại, thông điệp của những nụ cười được phát đi. Lời chào hỏi cũng được đáp trả bằng nụ cười của người bệnh. Sau một đoạn hội thoại thăm hỏi, công việc kiểm tra sức khỏe được bắt đầu sau câu hỏi “bạn đã sẵn sàng chưa” bằng tiếng Anh.

Đó là những điều bệnh nhân thấy được! Còn ngay bên ngoài cánh cửa phòng cách ly, nơi được bao quanh với những biển báo “không phận sự cấm vào” và đặc biệt ở cánh cửa cuối, nơi được gắn dòng chữ “khu vực nhiễm” luôn có một đội ngũ y bác sĩ đã trải qua những áp lực, luôn căng mình với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Cuộc sống của những blouse trắng sau cánh cửa cách ly ảnh 2
22 giờ, Hồ Thị Mỹ Duyên, nữ điều dưỡng tuổi 29 nhận được cuộc điện thoại từ ban lãnh đạo bệnh viện điều động ra khu cách ly tại cơ sở 2 bệnh viện Trung ương Huế. Hôm đó là 8-3, ngày quốc tế phụ nữ. Việt Nam ghi nhận ca dương tính thứ 30, một phụ nữ quốc tịch Anh khi đang lưu trú tại Huế.

Tắt điện thoại, Duyên thông báo với gia đình rồi nói với con trai 3 tuổi “mẹ phải đi chống dịch”. Duyên ôm con vào lòng cho đỡ nhớ rồi trao lại cho bà ngoại, cô lên đường. Nhiều công việc phải làm để chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân ngay trong đêm.

Sau mỗi ca trực về khu vực cách ly, những cuộc gọi nhỡ hiện lên trên điện thoại. Duyên gọi trở lại. “Sao mẹ không về, con nhớ mẹ”, con trai Duyên hỏi. “Xong việc mẹ sẽ về với con” - chị Duyên đáp. “Mẹ phải về ngay” - Duyên thấy con trai mình nói và khóc trên màn hình điện thoại. “Con ngoan, mẹ đi chống dịch, khi nào hết dịch mẹ về”- Duyên tiếp tục khuyên con. “Thế khi nào mẹ về” - đầu dây bên kia vẫn tiếp tục hỏi. Chị quay mặt, nước mắt tuôn dài...

“Sao mẹ chưa về”- câu hỏi tiếp tục mở đầu cuộc thoại trong ngày hôm sau và cho đến hôm nay, 18 ngày hai mẹ con chưa gặp nhau.

- Biết rằng làm việc tại đây sẽ phải bị cách ly, phải xa con một thời gian dài, vậy sao Duyên vẫn tự nguyện tham gia ra tuyến đầu chống dịch? – tôi hỏi.

- Đây là công việc của mình, mình đã sẵn sàng từ lâu rồi! – Duyên đáp rồi nói tiếp: từ khi dịch bệnh bùng nổ trên thế giới, sau đó đến Việt Nam có một số ca nhiễm thì ban lãnh đạo bệnh viện cùng với các y bác sĩ ở đây đã sẵn sàng vào cuộc.

- Đi chống dịch, không phải là một vấn đề đơn giản vì nó có rất nhiều rủi ro? – tôi hỏi tiếp.

- Đúng rồi! nhưng những y bác sĩ ở đây luôn có quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Và yêu cầu quan trọng nhất của ban giám đốc giao xuống là phải đảm bảo an toàn nhất đối với những người tham gia chữa bệnh. Có những đồng nghiệp nữ, họ đã không tiếc nuối khi tự nguyện cắt ngắn mái tóc của mình, để thuận tiện hơn trong môi trường đặc biệt. - Duyên nói.

Những y bác sĩ tại khu vực cách ly làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Sau giờ làm họ sẽ được nghỉ ngơi tại khu cách ly ngay trong bệnh viện, nơi không phận sự miễn vào. 

Để tránh khả năng tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm, hai điều dưỡng cùng một đội sẽ ở cùng phòng với nhau. Mỗi người mỗi niềm riêng, mỗi nỗi lo riêng nhưng từ ngày được gọi “lên tuyển”, những y bác sĩ ở đây điều chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chiến đấu.

“Vì tâm lý người ta đi du lịch, nhưng khi bị cách ly để điều trị bệnh thì ban đầu người ta khó chịu vì thay đổi chỗ ở, thay đổi môi trường, nên có bệnh nhân không hợp tác tốt”- anh Trung nói.

Tìm hiểu về mạng xã hội những bệnh nhân sử dụng, anh Trung cùng đồng nghiệp đã tải về cài đặt vào điện thoại và kết bạn với những người đang nằm trong phòng cách ly. Để dễ thuyết phục hơn, các điều dưỡng đã kết bạn với cả những người thân của họ ở nước ngoài để trò chuyện.

“Mình làm mọi thứ để người ta hiểu, sau thời gian ngắn thì người bệnh hiểu được tinh thần của y bác sĩ ở đây mong muốn họ hết virus, các bác sĩ ở đây muốn hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân, để họ về nước an toàn tốt nhất”- anh Trung tâm sự.

Có trường hợp một bà âm tính COVID-19 nhưng thuộc diện phải cách ly tại bệnh viện, lúc nhập viện bà bị bệnh rất nặng không thể tự vệ sinh cá nhân các điều dưỡng phải làm vệ sinh giúp. “Mình phải an ủi, phải đút cho bà ăn, phải cắt tóc, chải và sấy tóc cho bà, rất nhiều công việc. Như chính ba mẹ của mình vậy” - chị Duyên nói.

Để làm người bệnh khỏi cô đơn trong khu cách ly, những điều dưỡng còn xem thông tin cá nhân trên passport, nếu trúng ngày sinh nhật phải tặng hoa cho họ. Ngày 8-3 vừa qua, nữ bệnh nhân cũng nhận được hoa chúc mừng.
Cuộc sống của những blouse trắng sau cánh cửa cách ly ảnh 8