Theo Bloomberg, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump đã ngăn chặn việc công ty Broadcom (một nhà sản xuất chip của Singapore) mua lại Qualcomm (nhà sản xuất hàng đầu về modem điện thoại) với giá 117 tỉ USD. Chính quyền Mỹ cho biết lý do hủy giao dịch vì lo ngại Broadcom có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.
Động thái này đã khiến CEO của Broadcom - Hock Tan giận dữ dù vài tháng trước đó Trump từng ca ngợi Tan hết lời tại Nhà Trắng. Không lâu sau, mối quan tâm của Mỹ lập tức chuyển sang công ty công nghệ Trung Quốc Huawei.
Huawei là công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc nếu tính theo doanh thu, với doanh số bán hàng lớn hơn 60% so với công ty JD. Huawei là một trong những nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ đã cấm các nhà mạng lớn như AT & T, Verizon, T-Mobile và Sprint bán hoặc sử dụng thiết bị của Huawei. Bên cạnh đó, thị phần smartphone Huawei trên thế giới cũng ngày một tăng, những yếu tố trên đã khiến công ty này trở nên đáng sợ đối với nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ.
Chuck Grassley, một Thượng nghị sĩ lâu đời nhất của Đảng Cộng hòa tỏ ra lo lắng về viễn cảnh khi các công ty viễn thông Mỹ phụ thuộc vào một nhà sản xuất Trung Quốc. Grassley cho biết: “Tôi không thể phát âm tên của họ, nhưng nó bắt đầu bằng chữ H và kết thúc bằng WEI (tích lũy năng lượng, không phung phí vào những việc vô ích, chờ thời cơ đến để bung tỏa)”.
"Với thị phần khoảng 11%, Huawei đang là nhà sản xuất smartphone đứng thứ 3 trên thế giới, sau Samsung và Apple".
Nỗi sợ hãi này xuất phát từ một phần thành công của Huawei khi công ty có tốc độ phát triển nhanh hơn Apple và Samsung. Ngoài ra, với những công nghệ đang nắm giữ, Huawei sẽ có nhiều lợi thế hơn Qualcomm trong việc chạy đua phát triển 5G, hứa hẹn tạo ra kết nối siêu nhanh cho smartphone, xe tự lái, thiết bị y tế điều khiển từ xa và thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, lí do chính vẫn là nguy cơ an ninh bởi chính phủ Trung Quốc có thể cài backdoors (một dạng phần mềm “cửa hậu”) vào phần cứng và hoặc phần mềm của Huawei để nghe lén các cuộc điện thoại, văn bản và email của người Mỹ.
Việc Trump ngăn chặn Broadcom mua lại Qualcomm cũng một phần nằm trong các nguyên nhân kể trên. Nhà Trắng cho rằng, Tan - người có xu hướng cắt giảm chi phí ở bất cứ đâu có thể cắt giảm chi tiêu của Qualcomm trong việc nghiên cứu và phát triển, gián tiếp mang lại lợi thế cho Huawei trong cuộc chạy đua phát triển 5G và các thiết bị tiêu chuẩn. Trong một lá thư được gửi vào ngày 5-3, Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cảnh báo thỏa thuận mua bán có thể dẫn đến sự suy yếu về vị trí của Qualcomm, đồng thời mở ra cơ hội cho Trung Quốc. Sự thay đổi này có thể tạo ra các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Huawei bác bỏ nỗi sợ hãi của Mỹ và cho biết không còn liên quan gì đến chính phủ Trung Quốc. Joe Kelly, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề truyền thông của công ty cho biết: “Chúng tôi đã có 30 năm kinh doanh và chưa gặp vấn đề nào về bảo mật. Vậy Mỹ lo sợ điều gì từ chúng tôi?”
Động thái của chính phủ Mỹ được coi là khơi mào cho các cuộc nổi dậy trên mạng xã hội. Một hashtag có đại ý như “Huawei bị cấm ở Mỹ” xuất hiện hàng chục ngàn lần trên Weibo (mạng xã hội tương tự Twitter tại Trung Quốc). Tất nhiên, không dễ dàng gì để đánh bại Huawei, bởi đứng đằng sau đó là sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc giành được các hợp đồng lớn, dòng tín dụng gần như không giới hạn.
Huawei có 180.000 nhân viên ở 170 quốc gia, hầu hết trong số này đều là kĩ sư. Công ty báo cáo thu nhập hai lần một năm và coi đây là nỗ lực lớn trong việc thuyết phục chính phủ nước ngoài kí hợp đồng với công ty. Huawei cho biết công ty đã đạt được khoảng 92 tỉ USD doanh thu trong năm 2017, tăng mạnh so với mức 35 tỉ USD hồi năm năm trước đó và sẽ nhắm đến 12 con số (trăm tỉ USD) vào năm 2018.
Công ty cho biết đã chi 600 triệu USD cho việc nghiên cứu 5G, dự kiến sẽ “bơm” thêm 800 triệu USD trong năm nay để đưa công nghệ này ra thị trường. Hiện tại, Huawei đã có khoảng 50 hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ không dây để kiểm tra thiết bị của mình. So với các công ty công nghệ khác, số tiền mà Huawei đã chi ra cho việc nghiên cứu và phát triển lên đến 12 tỉ USD chỉ trong năm 2016, cao hơn nhiều hơn so với 5,1 tỉ USD của Qualcomm và 4,9 tỉ USD của Nokia (Phần Lan).
Trụ sở chính của Huawei có khuôn viên rộng lớn, thanh bình với các tòa nhà văn phòng thấp. Nhiều quán ăn tự phục vụ và cây cọ được trồng đa dạng ở khắp nơi. Huawei được điều hành bởi ba vị CEO, tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là Ren. Ông chỉ sở hữu 1% cổ phần nhưng lại có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng.
Nhiều cáo buộc cho rằng chủ tịch Huawei, Sun Yafang làm việc cho Bộ An ninh của chính phủ Trung Quốc. Huawei phủ nhận những cáo buộc này, đồng thời thông báo rằng Sun đã từ chức chủ tịch và Ren sẽ trở thành CEO. Trước đó, công ty cũng đã bị cáo buộc nhiều lần về việc gián điệp.
Năm 2003, Cisco kiện Huawei ra tòa vì phát hiện thấy mã nguồn riêng của mình bên trong phần mềm của Huawei. Công ty Trung Quốc cuối cùng cũng thừa nhận một phần nhỏ của phần mềm quản lý router được sao chép từ Cisco, nhưng cho rằng việc này chỉ là vô tình.
Hầu hết các đồng minh của Mỹ vẫn cho phép sử dụng các sản phẩm của Huawei trong mạng viễn thông, nhưng xem xét kĩ lưỡng các lỗ hổng bảo mật có thể xảy ra. Vào năm 2010, Huawei đã mở một trung tâm đánh giá an ninh mạng được gọi là Cell tại Banbury (miền Nam nước Anh) như thỏa thuận trước đó.
Nhân viên của Huawei bị giám sát bởi tình báo nước Anh, tuy nhiên, Mỹ cho rằng rất khó để tìm ra lỗ hổng bảo mật trừ khi bạn biết chính xác nơi để tìm nó, bởi các đoạn mã, phần mềm độc hại có thể được chèn thêm vào trong quá trình sản xuất hoặc thông qua việc cập nhật. Đơn cử như lỗ hổng trên chip Intel chỉ được phát hiện sau hơn một thập kỉ.
Một công ty công nghệ khác của Trung Quốc hiện cũng đã rơi vào tầm ngắm của Mỹ là ZTE. Cả Huawei và ZTE đều có liên kết rõ ràng với chính phủ Trung Quốc. Người sáng lập và giám đốc điều hành của Huawei từng giữ vị trí cao trong đội ngũ kỹ sư của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và ZTE thuộc sở hữu một phần của chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc khác như Lenovo, Xiaomi và BBK (chủ sở hữu của thương hiệu smartphone Oppo, Vivo và OnePlus) không có mối quan hệ rõ ràng với chính phủ... Tất nhiên, việc này cũng không hoàn toàn đảm bảo người dùng sẽ an toàn hoặc không bị đánh cắp thông tin. Trước đó vào năm 2015, cả Lenovo và Xiaomi đều bị cáo buộc cài sẵn phần mềm thu thập dữ liệu người dùng và gửi về máy chủ tại Trung Quốc.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.