Để TP.HCM thành trung tâm vi mạch thế giới

Cơ hội bứt phá cho ngành bán dẫn TP.HCM- Bài 2:

Để TP.HCM thành trung tâm vi mạch thế giới

(PLO)- Khi TP.HCM định vị mình là một trung tâm về sản xuất chất bán dẫn, cần phải có một cách tiếp cận đa diện.

Việt Nam (VN) đang được xem là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, trong đó có TP.HCM.

Để TP.HCM có thể thành trung tâm ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu, TS Majo George và TS Nguyễn Mạnh Hùng (hai chuyên gia Trường ĐH RMIT VN) đề nghị nhiều giải pháp, đặc biệt là tận dụng tối đa Nghị quyết 98/2023...

“Bàn đạp” từ Nghị quyết 98

. Phóng viên: Trong Nghị quyết 98/2023 có đề cập ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược vào TP.HCM là đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip… Theo ông, TP.HCM cần làm gì để có thể phát triển ngành vi mạch theo Nghị quyết 98?

p2_Tien si Majo George.jpg

+ TS Majo George: Phát triển ngành bán dẫn theo Nghị quyết 98/2023 là bước tiến mới, xác định lộ trình rõ ràng cho sự chuyển đổi và phát triển của TP.HCM.

Chất bán dẫn đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết mọi thiết bị số mà chúng ta sử dụng ngày nay. Với tầm quan trọng được nêu trong nghị quyết, câu hỏi được đặt ra là TP.HCM phải làm gì để giữ vững tầm nhìn này?

Theo tôi, TP nên đặt trọng tâm của mình trong các trụ cột trọng yếu sau.

Trước hết cần xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến, các khu công nghiệp và trung tâm logistics để đáp ứng yêu cầu của ngành bán dẫn. Lực lượng lao động có năng lực cao là không thể thiếu. Hợp tác với các trường ĐH và viện nghiên cứu để triển khai các khóa học chuyên ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn, các chương trình đào tạo và các dự án nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng.

Kế đến là tạo ra môi trường thu hút đầu tư và thân thiện với các nhà đầu tư thông qua việc tối ưu hóa các quy trình quản lý, ưu đãi thuế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ kích thích đầu tư trong và ngoài nước.

Nội địa hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn là rất quan trọng. TP.HCM có thể giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu thông qua việc tạo ra các mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đóng vai trò quan trọng để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành bán dẫn. Bằng cách thúc đẩy văn hóa sáng tạo, TP.HCM có thể sản xuất và dẫn đầu trong làn sóng công nghệ tiếp theo.

Và cuối cùng, TP.HCM cần đảm bảo rằng sự mở rộng của ngành công nghệ bán dẫn không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Chú trọng thiết kế, đóng gói chip

. Hiện nay, TP.HCM đang có thế mạnh về thiết kế vi mạch lẫn giai đoạn lắp ráp đóng gói. Theo ông, TP sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này ra sao và mảng sản xuất có thể thử tiếp cận?

p2_Tien si Hùng.jpg

+ TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng của chất bán dẫn, chế tạo chip và linh kiện điện tử là một quyết định phù hợp với định hướng phát triển “Make in Vietnam”.

Quy trình sản xuất chip bán dẫn thường trải qua ba công đoạn chính gồm thiết kế, sản xuất (Fab), thử nghiệm và đóng gói chip (ATP). Giai đoạn thiết kế và sản xuất là những quy trình có nhiều giá trị và hàm lượng công nghệ cao, gắn liền với R&D, phần mềm chuyên dụng, hay công nghệ lõi cho thiết kế và các thiết bị sản xuất đặc thù. Giai đoạn thử nghiệm và đóng gói có hàm lượng lao động cao và các rào cản thấp hơn cả.

Tham gia giai đoạn ATP có khả năng phù hợp với TP. Thực tế, các đầu tư chính của Intel cũng nhắm vào mảng lắp ráp thử nghiệm chip ở VN. Mảng sản xuất chip (Fab) luôn gắn liền với nguồn đầu tư khổng lồ với chi phí hàng tỉ USD, cũng như đòi hỏi một trình độ công nghệ cao, sự chọn lọc khắt khe nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiếp cận công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định sẽ là một bài toán nhiều ẩn số.

Do đó, TP.HCM nên tiếp cận và làm chủ ở hai đầu của chuỗi cung ứng là thiết kế và ATP.

Mục tiêu quan trọng tiếp theo là TP dựa vào những bước đột phá quan trọng của FPT, Viettel cùng với sự phối hợp của các trung tâm như IETC, vi mạch bán dẫn SCDC và sự hiện diện của các trung tâm đào tạo lớn trên thế giới đã có mặt ở VN như Marvell, Synopsys, Renesas, Infineon để thúc đẩy ngành công nghiệp thiết kế và tiến tới sản xuất linh kiện bán dẫn cao cấp theo dạng công nghiệp phụ trợ.

Mặt khác, tích cực tham gia và hợp tác với các huy động các nguồn lực liên kết gần đây giữa các trường ĐH và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu chip cho công nghiệp viễn thông, y tế cũng tạo tiền đề tốt cho chương trình sản xuất chip bán dẫn.

p2-thay anh.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham quan Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn trong Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: VGP

Tăng cường hợp tác, thu hút chuyên gia

. Xu hướng trong ngành công nghiệp vi mạch luôn thay đổi, TP.HCM cần làm gì để vươn lên vị thế hàng đầu sản xuất vi mạch trong khu vực và thế giới?

+ TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tính năng động của lĩnh vực tự động hóa và AI thúc đẩy nền kinh tế từ sản xuất, giao thông, y tế, truyền thông, quân sự đến nhu cầu ngày càng tăng của chất bán dẫn. TP.HCM có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch tìm chỗ đứng trong một chuỗi cung ứng cụ thể, từ đó tiếp cận các công nghệ tiên tiến.

Trong chuỗi cung ứng, sự dịch chuyển quan trọng nhất không phải là hàng hóa hay các thiết kế, mà là các kiến thức và bí quyết. Vốn con người (human capital) là mấu chốt cơ bản để VN có thể tiếp cận, làm chủ và phát triển ngành công nghiệp này.

Sự có mặt của các nhà thiết kế hàng đầu như Marvell, Synopsys, Renesas có thể giúp nhân lực của TP phát triển ở một tầm cao hơn. Do đó, hãy tạo điều kiện thu hút hơn nữa các chuyên gia trong lĩnh vực này đến VN bằng cách tạo ra một cơ chế thông thoáng, thực hiện nhanh các thủ tục cũng như đầu tư sẽ đảm bảo mục tiêu này.

Mặt khác, việc chen chân vào được các chuỗi cung ứng đã là việc khó, tham gia chuỗi cung ứng chip bán dẫn còn mang nhiều đặc thù khác. Bức tranh toàn cảnh cho thấy sự áp đảo về thị phần của các công ty của Mỹ trong những công nghệ đặc thù như thiết kế (47%) và sản xuất (33%), trong khi đó Trung Quốc mới chỉ có 5%-7%.

Bên cạnh những yếu tố cần thiết như vốn đầu tư, nhân lực, cần thiết lập quan hệ sản xuất tại các quốc gia bằng hữu (friend-shoring) hay quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ, TP có thể tìm kiếm cơ hội cho mình thông qua những hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cao và kêu gọi nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này.

thiet-bi-test-chip-cua-mediatek.jpg

TP cần tăng cường phối hợp với các công ty thiết kế lớn của thế giới, đa phần đã có mặt ở VN như Marvell, Synopsys, Renesas. Các công ty này đều muốn xuất khẩu những thiết kế vi mạch do các kỹ sư trẻ, năng động, chịu khó học hỏi của VN làm. Tích cực hợp tác với những người dẫn đầu để nâng tầm nguồn vốn nhân sự cho lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chip sẽ tạo tiền đề tốt cho chương trình sản xuất chip bán dẫn của TP.

. Xin cảm ơn hai ông.•

Phát triển lĩnh vực công nghệ chip

Theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, lĩnh vực công nghệ chip được TP.HCM xác định là ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.

Mới đây, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn, hướng đến trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới…

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết với Nghị quyết 98, TP cũng sẽ mạnh dạn thí điểm phát triển khu khoa học công nghệ với nền tảng chính là lĩnh vực chip điện tử, vi mạch và bán dẫn.

chu-tich-ubnd-phat-bieu-tai-su-kien-ra-mat-trung-tam-dien-tu-vi-mach-ban-dan.JPG
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại sự kiện ra mắt trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn

Liên kết giáo dục và công ty bán dẫn

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là mấu chốt, chìa khóa cho khát vọng phát triển ngành bán dẫn của TP.HCM.

Trong ngành bán dẫn toàn cầu, các quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, tay nghề cao thường chiếm ưu thế. Vì vậy, TP.HCM phải có những bước đi cụ thể để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với nguyện vọng phát triển ngành bán dẫn.

Muốn vậy, cần tăng cường liên kết giữa các tổ chức giáo dục, trường ĐH và các công ty bán dẫn bằng cách hợp tác trực tiếp với các chuyên gia trong quá trình phát triển chương trình dạy học. Các tổ chức giáo dục có thể đảm bảo rằng họ giảng dạy các kỹ năng hiện đại và phù hợp.

Cần thành lập các trung tâm đào tạo chuyên ngành liên kết với các trường ĐH trong nước và quốc tế. Các trung tâm này có thể cung cấp chuyên môn thực hành với các thiết bị và kỹ thuật sản xuất chất bán dẫn hiện đại, thu hẹp khoảng cách kiến thức lý thuyết và thực tiễn.

Lực lượng lao động sẽ theo kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành bằng cách thúc đẩy các chuyên gia liên tục cập nhật kỹ năng thông qua các khóa học, hội thảo thực hành và diễn đàn. Hợp tác với các trường ĐH và tổ chức trong và ngoài nước nổi tiếng về các chương trình bán dẫn có thể cung cấp kiến thức chuyên môn rất cần thiết và tầm nhìn toàn cầu. Các chương trình trao đổi có thể tăng cường khả năng tiếp xúc của sinh viên trong nước với những thực tiễn quốc tế tốt nhất.

cac-die.jpg

Để định vị TP.HCM là trung tâm sản xuất bán dẫn, TP phải đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và tài sản quý giá nhất là con người.

TS MAJO GEORGE

Đọc thêm