Vấn đề xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây đau đầu cho nông dân khu vực nhiều tháng qua, tuy hiện có giảm bớt song vẫn cần những giải pháp giải quyết vấn đề trong dài hạn.
Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn mặn năm nay phải kể đến bà con nông dân, do đó các yếu tố về con người gần đây được giới chuyên gia đặc biệt quan tâm.
Trước tình hình trên, báo Pháp Luật TP. HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Ngọc Bích - Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Môi Trường thuộc ĐH Trà Vinh và chị Nguyễn Kim Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH Kim Delta Việt Nam (công ty về nông nghiệp tại ĐBSCL) về các giải pháp đặt trọng tâm là con người.
Xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt và khó đoán
TS. Bích - Phó Viện Trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Môi Trường thuộc ĐH Trà Vinh - nhận định tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL.
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình những năm trước, với nhiều đợt xâm nhập mặn liên tiếp. Hiện tượng này kết hợp thời tiết nắng nóng và ít mưa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn hecta cây trồng các loại, và gần 74 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở các tỉnh ĐBSCL.
Các điều kiện bất thường do biến đổi khí hậu gây ra như giảm lượng mưa, nắng nóng kỷ lục và kéo dài làm gia tăng sự bốc hơi nước cùng các tác nhân do con người gây ra như khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát ở lòng sông là những nguyên nhân cộng hưởng làm cho hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn vào sâu trong nội đồng.
Đồng quan điểm, chị Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH Kim Delta Việt Nam - cũng cho rằng nguyên nhân chính khiến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nhanh chóng và trầm trọng không chỉ riêng do biến đổi khí hậu mà còn do các hoạt động trực tiếp của con người như khai thác nước ngầm, xây dựng, khai thác cát và xây đập ở thượng nguồn. Các hoạt động này đều liên quan đến lợi ích kinh tế và rất có thể sẽ không dừng lại hoặc giảm bớt đáng kể trong 10 năm tới.
Để nông dân là một phần của giải pháp
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan 2024, chị Thanh nói rằng nông dân có vốn sống rất phong phú và kinh nghiệm dân gian cũng rất đa dạng. Những kinh nghiệm này cũng đã chứng minh phần nào hiệu quả trong nhiều năm qua. Theo đó, chị cho rằng giới chuyên gia cần kết hợp với người dân trong việc tìm ra giải pháp đối phó hạn mặn trong dài hạn.
“Hãy để nông dân là một phần của giải pháp, chứ đừng chỉ là đối tượng sử dụng giải pháp" - chị Nguyễn Kim Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Kỹ thuật Công ty TNHH Kim Delta Việt Nam, chia sẻ.
“Tôi tin rằng nông dân có thể tích cực tham gia vào quá trình tìm ra giải pháp giúp họ chống chịu tốt hơn. Đó là nhờ phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng với thực tế đất mặn, nước ngọt khan hiếm. Hai vấn đề này không mới đối với người nông dân, trước đây đã từng xảy ra, chỉ là không nhanh chóng và gay gắt như bây giờ. Tôi tin rằng có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm đã có sẵn ở các cộng đồng nông thôn (chẳng hạn như việc tích trữ nước mưa để dùng cho mùa hạn,...), nhưng có vẻ như những kiến thức này chưa được quan tâm và sử dụng một cách hợp lý” - chị Thanh nói thêm.
Theo chị Thanh, các dự án của giới học thuật thường ít có tác động đến hộ nông dân sản xuất nhỏ. Nguyên nhân là do thông thường các dự án này được tài trợ trong 1-3 năm và khi hết vốn thì các hoạt động của giới học giả và các thành viên khác trong nhóm dự án cũng theo đó mà kết thúc. Hơn nữa, 1-3 năm là không đủ dài để thiết kế, thực hiện, giới thiệu tới người nông dân, cũng như không khả thi trong công tác giám sát, cải tiến nghiên cứu, đặc biệt là về xâm nhập mặn.
“Một cách có thể dễ dàng cải thiện hệ thống này là từ bỏ phương pháp tài trợ dự án kiểu này và thay vào đó tạo ra các chương trình theo chủ đề dài hạn với mục tiêu chung được thống nhất rõ ràng. Chủ sở hữu chương trình phải là một liên minh gồm nhà nước, tư nhân và tri thức. Nói cách khác là chính phủ, các công ty (bao gồm cả nông dân) và các trường đại học. Mỗi bên có vai trò riêng sẽ được giám sát và đánh giá về tính hiệu quả. Bằng cách này, tất cả các đối tác đang hoạt động đều có thể hưởng lợi từ sự hợp tác lâu dài” - chị Thanh nhận định.
Giáo dục cũng đóng vai trò then chốt
Phần mình, TS. Bích nhận định rằng giáo dục có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ hành tinh xanh, phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải toàn cầu. Do đó, Trường ĐH Trà Vinh – Trường ĐH xanh của khu vực rất chú trọng đến công tác giáo dục xanh trong học đường.
Hàng năm Trường tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động thiết thực đưa công tác giáo dục xanh, bảo vệ môi trường đến gần hơn với các em sinh viên, học sinh như: Hội thi Thanh Niên và Môi trường được tổ chức hàng năm; Nghiên cứu Khoa Học Xanh - Khởi nghiệp Xanh; Phong trào đổi rác lấy gạo - lấy quà;…
Hơn thế nữa, Trường Đại học Trà Vinh còn đưa môn kỹ năng mềm “Bảo vệ môi trường" vào chương trình học chính thức của nhà trường nhằm giúp các em sinh viên hiểu rõ hơn về việc ứng dụng các kỹ năng ngành nghề của mình trong công tác bảo vệ môi trường xanh (Green skills), nhằm hướng đến 1 tương lai toàn cầu về việc đóng góp của các ngành vào xanh hóa trái đất, bảo vệ môi trường (Green jobs).
Theo TS. Bích, việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu cùng các trường/ viện trong nước, khu vực và quốc tế là điều hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, sản xuất ngày càng xanh, sạch và hiệu quả đối với biến đổi khí hậu.
“Mỗi 1 đơn vị có 1 thế mạnh riêng, sự hợp tác hài hòa giữa các đơn vị sẽ tạo nên sức mạnh to lớn và đồng bộ trong việc ứng dụng công nghệ, khoa học phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và toàn cầu nói chung trước sự thách thức ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu lên đời sống kinh tế xã hội của chúng ta” - TS. Bích nhấn mạnh.
Việt Nam - Hà Lan cùng hợp tác đối phó xâm nhập mặn ĐBSCL
Theo TS. Bích, ĐH Trà Vinh đã có những đóng góp quan trọng và tích cực trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học hỗ trợ cộng đồng thông qua các công trình nghiên cứu cũng như các dự án hợp tác quốc tế mang đến các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hạn hán.
Một trong những dự án điển hình trong nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan nhằm đối phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL là Dự án Mekong Salt lab.
Đây được coi là Trung tâm Nước Mặn hàng đầu ở khu vực về việc đưa ra các giải pháp giúp người dân địa phương ứng dụng các biện pháp canh tác mới, tiết kiệm nước, năng lượng, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, đáp được nhu cầu thị trường.
Hiện dự án đang đưa ra các mô hình/ ứng dụng thiết thực hỗ trợ cộng đồng như: Nền tảng và ứng dụng canh tác - dữ liệu độ mặn (app); Các chương trình tập huấn canh tác hiệu quả, thông minh và sử dụng nước hiệu quả trong điều kiện khô và mặn; Mô hình thủy canh đứng/ thủy canh nổi trên nước; Mô hình aquaponics ứng dụng (việc nuôi cá kết hợp trồng cây, sử dụng chất thải của cá, thủy sản… làm chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng); Mô hình xử lý nước; Mô hình hệ thống thu và trữ nước ngọt dành cho nông nghiệp và sinh hoạt;...
Theo chị Thanh, mô hình này có thể coi là cứu cánh cho tình cảnh hiện tại, khi mà các chuyên gia địa phương cũng như các chuyên gia nước ngoài đang học “ngôn ngữ của nông dân” và từ đó thử nghiệm các giải pháp thích ứng tiết kiệm chi phí cho nông dân.